* Phóng viên: Thưa ông, vì sao tỉnh Khánh Hòa lại quyết định hợp tác theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng?
- Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Các trụ sở hành chính của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa đều nằm ở vị thế đắc địa, thích hợp phát triển kinh tế, thế nhưng hiện khu đất không tạo ra giá trị kinh tế, không đóng góp cho ngân sách địa phương. Trong khi đó, khu vực phía Tây TP Nha Trang có diện tích rộng lớn lại chưa được khai thác hợp lý.
Thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh, các cơ quan hành chính của tỉnh sẽ chuyển về khu hành chính mới tại phường Phước Hải, TP Nha Trang. Việc di dời và xây dựng trụ sở mới sẽ phải tốn ít nhất 7.000 tỉ đồng. Nếu trông chờ vào nguồn thu của tỉnh thì không thể làm nổi vì mỗi năm nguồn ngân sách này phải dùng để đầu tư các dự án, hạng mục đang làm dang dở. Để giải quyết bài toán này, toàn bộ trụ sở làm việc của UBND tỉnh và Tỉnh ủy sẽ được chuyển giao cho nhà đầu tư tư nhân, đổi lại, doanh nghiệp sẽ xây khu đô thị trung tâm hành chính mới cho địa phương.
Cụ thể, UBND tỉnh vừa ký hợp đồng với Tập đoàn FLC để thực hiện dự án khu đô thị trung tâm hành chính mới với giá trị 7.000 tỉ đồng, theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
* Việc hợp tác này sẽ mang lại lợi ích gì cho địa phương và người dân tỉnh Khánh Hòa?
- Hình thức hợp tác BT giữa Tập đoàn FLC và UBND tỉnh Khánh Hòa được coi là một mũi tên trúng được nhiều đích, trong đó người dân là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất. Điểm khác biệt ở dự án này là Khánh Hòa sẽ xây dựng 1 khu đô thị hành chính, trong đó có trung tâm hành chính.
Khu đô thị này đã có quy hoạch 1/2.000 với diện tích khoảng 700 ha, trong đó có 400 ha là rừng ngập mặn, hồ nước điều hòa; 126 ha làm trung tâm hành chính mới với 101 đơn vị của 5 khối cơ quan được chuyển đến làm việc, diện tích còn lại để xây dựng nhà ở cho người dân, đường giao thông nối Bắc - Nam TP Nha Trang, nối Nha Trang với huyện Diên Khánh… Nhờ vậy người dân quanh khu vực sẽ có điều kiện phát triển kinh tế hơn nữa. Còn doanh nghiệp có được mảnh đất đắc địa nhất TP Nha Trang để xây dựng các công trình phát triển kinh tế địa phương, như: nhà hàng, khách sạn, căn hộ cao cấp… Từ đó tạo công ăn việc làm cho người dân quanh vùng, tạo các nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.
* Trong việc hợp tác này, tỉnh Khánh Hòa có tính đến những trường hợp phát sinh như doanh nghiệp thiếu kinh phí hoặc đầu tư sai mục đích, thưa ông?
- Hai bên hợp tác theo hình thức cuốn chiếu, xây đến đâu bàn giao đến đấy. Ví dụ, Tập đoàn FLC xây xong trụ sở UBND tỉnh, tỉnh sẽ bàn giao trụ sở ở đường Trần Phú cho họ xây dựng và kinh doanh. Như vậy, bảo đảm doanh nghiệp vừa xây dựng vừa kinh doanh tạo nguồn thu.
Để việc hợp tác chắc chắn, tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Tập đoàn FLC phải ký quỹ 100 tỉ đồng. Nếu nhà đầu tư kéo dài thời gian xây dựng, thiệt hại sẽ thuộc về họ. Hơn nữa, Tập đoàn FLC cũng mong muốn có đất sớm để đưa vào khai thác, kinh doanh nhằm thu hồi vốn, giảm thiểu rủi ro… Riêng các hạng mục đầu tư, tỉnh buộc nhà đầu tư phải xây dựng đúng quy hoạch, mục đích kinh doanh và việc xây dựng sẽ được các cấp thẩm định, phê duyệt.
* Đến bây giờ, còn những khó khăn, rào cản gì để thực hiện dự án không, thưa ông?
- Hiện còn một số vướng mắc về đền bù giải phóng mặt bằng, tỉnh sẽ đối thoại với dân. Đây chủ yếu là khu vực đất nông nghiệp có giá trị thấp nhưng tỉnh sẽ đền bù thỏa đáng, dự kiến 1 tỉ đồng/ha, người dân được tái định cư tại chỗ… Cuối năm 2014, tỉnh Khánh Hòa sẽ mở cuộc thi thiết kế quy hoạch 1/500 cho khu đô thị trung tâm hành chính mới của tỉnh.
Nếu mọi việc suôn sẻ, đến năm 2017-2018 sẽ hoàn thành việc xây dựng này. Tôi hy vọng TP Nha Trang sẽ có diện mạo mới khang trang, đẹp đẽ hơn, không thua gì Hồng Kông.
Nên xem xét yếu tố lịch sử
Ông Giang Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng: “Hiện vẫn chưa nói được gì nhưng nếu thành công, kinh nghiệm của Khánh Hòa sẽ là cách làm đáng để nghiên cứu nhằm khai thác nguồn lực ngoài nhà nước để cải thiện hạ tầng tại địa phương. Tuy vậy, tỉnh Khánh Hòa cần xem xét lại yếu tố lịch sử, nên chăng để lại khuôn viên trụ sở UBND tỉnh vì trụ sở này đã qua nhiều thời kỳ lịch sử. Cũng như việc TP HCM để lại Dinh Thống Nhất vậy”.
Còn theo TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, hình thức này cần được đưa vào Luật Đầu tư. Bởi minh bạch hóa các thông tin trong hợp tác giữa nhà nước và tư nhân như thế sẽ tạo được dư luận đồng thuận hơn.
Nguồn tin: Người Lao Động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...