Đúng 8 giờ 30 phút: sáng nay (ngày 7-4), Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ công an dùng nhục hình dẫn đến chết người xảy ra tại Công an TP Tuy Hòa được mở.
9 giờ 40 phút: HĐXX tiến hành phần xét hỏi. Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành, người bị truy tố là đã dùng dùi cui đánh vào đầu Ngô Thanh Kiều, gây tử vong, bị phiên tòa sơ thẩm lần 1 tuyên phạt 5 năm tù đã cho rằng mình không tham gia đánh Ngô Thanh Kiều. “Trưa đó bị cáo được phân vào canh giữ Ngô Thanh Kiều, có hỏi Kiều về việc trộm cắp và lý lịch nhưng Kiều không hợp tác nên bị cáo cầm dùi cui để trên bàn giơ lên dọa đánh thôi chứ bị cáo không đánh”- bị cáo Thành khai.
“Lúc dùi cui giơ lên, Ngô Thanh Kiều có biểu hiện gì?”- chủ tọa hỏi. “Lúc đó Kiều la lên bảo: Sáng giờ em bị đánh bầm dập hết rồi, đừng đánh em nữa, nên tôi không đánh”- bị cáo Thành trả lời. Chủ tọa phiên tòa cho rằng nhiệm vụ phân công cho bị cáo Thành là canh giữ nhưng lại ngứa nghề, ngứa miệng hỏi vui.
Bị cáo Thành cũng đề nghị HĐXX triệu tập 2 nhân chứng là Ngô Minh Tự và Trịnh Công Minh đến phiên tòa để làm chứng cho mình. Bị cáo Thành cho rằng 2 người này trưa hôm đó có mặt tại Công an TP Tuy Hòa, ngồi ở phòng kế bên nên có thể làm chứng mình không đánh Ngô Thanh Kiều. Bị cáo Thành không đồng ý với bản cáo trạng do Viện KSND Tối cao truy tố mình và cho rằng điều tra viên đã tự ý sửa lời khai.
Trong lúc bị cáo Thành phủ nhận mình đã đánh Ngô Thanh Kiều, bị cáo Lê Đức Hoàn, nguyên Phó Công an TP Tuy Hòa ngồi bên dưới cuối mặt, trầm ngâm.
Bị cáo Lê Đức Hoàn cuối mặt, trầm ngâm khi nghe bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành phủ nhận mình đánh Ngô Thanh Kiều
Tại phiên tòa, Hội thẩm nhân dân Nguyễn Thị Bảo hỏi bị cáo: “vì sao người ta gọi là “Công an nhân dân” không?”. Hỏi xong, hội thẩm nhân dân này tự trả lời: “Vì để thể hiện công an là gần gũi với nhân dân. Vậy mà bị cáo mới hỏi, Kiều chưa kịp trả lời đã cùi dùi cui giơ lên là không được”.
9 giờ 15 phút: HĐXX lấy ý kiến của các luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa và người giữ quyền công tố tại phiên tòa về việc đưa vụ án ra xét xử. Các LS Võ An Đôn (bào chữa cho bà Trần Thi Tâm, vợ Ngô Thanh Kiều), LS Nguyễn Văn Thắng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành) và kiểm sát viên Phạm Duy Tân đều cho rằng tòa triệu tập 22 nhân chứng, chỉ có mặt tại tòa 13 nhân chứng, nhưng các nhân chứng còn lại đều đã có lời khai với cơ quan điều tra nên yêu cầu HĐXX tiếp tục xét xử.
Tại phiên tòa, LS Nguyễn Văn Thắng yêu cầu HĐXX làm rõ địa vị pháp lý của người đại diện phòng Kỹ thuật Hình sự Công an Phú Yên được tòa triệu tập. LS Thắng cho rằng nếu người đại diện Phòng Kỹ thuật Hình sự tham gia vụ án từ giai đoạn điều tra, khám nghiệm tử thi là cần thiết nhưng nếu tham gia tại phiên tòa là không cần thiết và không nên có.
Kiểm sát viên Phạm Duy Tân, người giữ quyền công tố tại tòa thông qua cáo trạng do Viện KSND Tối cao truy tố
Người giữ quyền công tố tại tòa và chủ tọa Nguyễn Phi Đô đều cho rằng HĐXX triệu tập người đại diện Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an Phú Yên là nhằm làm rõ các tình tiết có liên quan đến vụ án nên vẫn để người đại diện Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an Phú Yên tiếp tục tham gia phiên tòa.
8 giờ 50 phút: Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Phi Đô tiến hành thủ tục thẩm tra lý lịch các bị cáo và những người có liên quan đến vụ án. Bị cáo Lê Đức Hoàn, nguyên thượng tá, nguyên Phó Công an, Phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Tuy Hòa lần đầu đứng trước vành móng ngựa . Trong quá trình khai họ tên cha mẹ, bị cáo Đỗ Như Huy nghẹn giọng, như muốn khóc. Thoáng trên nét mặt bị cáo này một chút hối lỗi đối với các bậc sinh thành khi phải đứng trước vành móng ngựa vì những hành vi phạm tội của mình.
Thẩm tra lý lịch các bị cáo
6 bị cáo bị truy tố về tội dùng nhục hình và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đã có mặt tại tòa. Trong số 6 bị cáo này, bị cáo Lê Đức Hoàn, nguyên Phó Công an TP Tuy Hòa lần đầu ra tòa với tư cách bị cáo hoàn toàn khác so với lần xét xử trước đây ra tòa với tư cách nhân chứng.
Lần này, trong khi chờ phiên tòa xét xử, bị cáo ngồi lặng lẽ, không nói chuyện với bất cứ ai và vẫn giữ nét mặt lạnh lùng. Hiện, chủ tọa phiên tòa, ông Nguyễn Phi Đô, Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Yên đang đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Lê Đức Hoàn (đầu tiên bên trái) vẫn giữ nét mặt lạnh lùng
6 bị cáo đang có mặt tại tòa. Lê Đức Hoàn (đầu tiên bên trái)
Phiên tòa dự kiến diễn ra lúc 8 giờ 30 phút. Tuy nhiên, từ lúc 7 giờ đã có rất nhiều người đến tham gia phiên tòa.
Bà Ngô Thị Tuyết (chị bị hại Ngô Thanh Kiều) mang các bằng chứng của vụ án, chủ yếu là những bức ảnh chụp lại trong quá trình khám nghiệm tử thi đến phiên tòa và được lực lượng chức năng kiểm tra cẩn thận trước khi chấp thuận cho mang vào phiên tòa.
Lực lượng chức năng kiểm tra các bằng chứng của vụ án do bà Ngô Thị Tuyết (chị bị hại Ngô Thanh Kiều) mang đến phiên tòa
HĐXX triệu tập 22 nhân chứng, hiện đã có 8 nhân chứng có mặt tại tòa. Ông Hồ Viết Thọ, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Phú Yên và đại diện cơ quan chuyên môn kỹ thuật hình của Công an Phú Yên cũng đã có mặt tại phiên tòa.
Luật sư Võ An Đôn cùng người nhà bị hại Ngô Thanh Kiều tại phiên tòa
6 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm có: Lê Đức Hoàn (nguyên Phó Công an TP Tuy Hòa), Nguyễn Minh Quyền (nguyên thiếu tá, Đội phó Đội trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Phú Yên), Nguyễn Tấn Quang (nguyên thiếu tá), Phạm Ngọc Mẫn (nguyên thượng úy), Đỗ Như Huy (nguyên trung úy), Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy, đều nguyên cán bộ Công an TP Tuy Hòa).
Trong đó, bị cáo Lê Đức Hoàn bị Viện KSND Tối cao truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” ở khoản 2, điều 285 Bộ luật Hình sự (BLHS) với khung hình phạt từ 3 năm đến 12 năm tù.
Các bị cáo còn lại bị truy tố cùng tội dùng nhục hình theo quy định tại Khoản 3 Điều 298 BLHS có khung hình phạt từ 5 năm đến 12 năm tù.
VKSND Tối cao ủy quyền cho VKSND tỉnh Phú Yên phân công kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án.
HĐXX do ông Nguyễn Phi Đô, Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Yên, làm chủ tọa phiên tòa. Người giữ quyền công tố tại phiên tòa là ông Phạm Duy Tân, kiểm sát viên của Viện KSND tỉnh Phú Yên.
Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành là luật sư (LS) Nguyễn Văn Thắng (Đoàn Luật sư Hà Nội).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Trần Thị Tâm (vợ bị hại Ngô Thanh Kiều) là LS Võ An Đôn (Đoàn Luật sư Phú Yên).
Tòa cũng triệu tập 22 nhân chứng tham gia phiên tòa. Trong đó có 20 nhân chứng là cán bộ công an tỉnh Phú Yên, Công an TP Tuy Hòa, Công an huyện Tây Hòa và Công an xã Hòa Đồng (nơi ở của Ngô Thanh Kiều). Hai nhân chứng còn lại là phạm nhân trong vụ trộm cắp mà Ngô Thanh Kiều là nghi can.
Ông Hồ Viết Thọ, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Phú Yên, và đại diện cơ quan chuyên môn kỹ thuật hình của Công an Phú Yên cũng được mời tham gia phiên tòa.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, Ngô Thanh Kiều (SN 1982, ngụ xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên) là nghi can trong chuyên án trộm cắp tài sản do Cơ quan CSĐT Công an TP Tuy Hòa thụ lý.
Chiều 12-5-2012, thượng tá Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa, Trưởng ban Chuyên án, đã chỉ đạo thuộc cấp đến nhà Kiều mời về làm việc nhưng Kiều không có ở nhà.
Đến 3 giờ 15 phút ngày 13-5-2012, khi phát hiện Kiều có mặt ở nhà, tổ công tác vô nhà áp giải, khóa tay Kiều đưa về trụ sở Công an xã Hòa Đồng, sau đó dẫn giải đến trụ sở Công an TP Tuy Hòa.
Đến 8 giờ cùng ngày, Lê Đức Hoàn phân công Nguyễn Minh Quyền, Phạm Ngọc Mẫn xét hỏi Kiều. Mẫn dùng còng số 8 còng một tay Kiều vào thành ghế. Kiều không khai nhận nên Mẫn, Quyền dùng gậy cao su để sẵn trên bàn đánh nhiều cái vào bắp đùi, cẳng chân Kiều.
Đến 10 giờ 30 phút cùng ngày, Đỗ Như Huy được Lê Đức Hoàn phân công đến phòng xét hỏi Kiều để đối chiếu lời khai của một bị can trong chuyên án nhưng Kiều không trả lời và Huy tiếp tục dùng gậy cao su đánh vào đùi Kiều rồi ra ngoài.
Đến hơn 11 giờ, Nguyễn Tấn Quang vào phòng cùng với Quyền, Mẫn xét hỏi Kiều nhưng Kiều vẫn không trả lời nên Quang dùng gậy cao su đánh vào chân Kiều nhiều cái, dùng chân đạp vào còng tay Kiều.
Đến 12 giờ cùng ngày, Nguyễn Thân Thảo Thành được phân công canh giữ Kiều để Mẫn, Quyền ăn cơm trưa. Thành ngồi lên bàn làm việc hỏi Kiều nhưng Kiều lại không trả lời nên Thành dùng tay trái cầm gậy cao su đánh hai ba cái vào đầu Kiều theo hướng từ trên xuống.
Kiều tử vong trên đường chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cấp cứu. Trung tâm Pháp y Phú Yên kết luận nguyên nhân Kiều tử vong là do chấn thương sọ não, chấn thương phần mềm, trên cơ địa có viêm phổi.
VKSND Tối cao cũng xác định Kiều bị còng tay, xét hỏi từ 8 giờ đến 14 giờ ngày 13-5-2012 nhưng không được ăn.
Cáo trạng nhận định Lê Đức Hoàn có trách nhiệm chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ban chuyên án nhưng đã không thực hiện đầy đủ quy định, thiếu kiểm tra, sâu sát để xảy ra việc dùng nhục hình gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Sau khi vụ án xảy ra, từ ngày 26-3 đến 3-4-2014, TAND TP Tuy Hòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Nguyễn Thân Thảo Thành 5 năm tù, Nguyễn Minh Quyền 2 năm tù, Phạm Ngọc Mẫn 18 tháng tù, Nguyễn Tấn Quang 15 tháng tù cho hưởng án treo, Đỗ Như Huy 12 tháng tù cho hưởng án treo cùng về tội dùng nhục hình.
Sau khi dư luận và báo chí bày tỏ bất bình vì mức án quá nhẹ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã yêu cầu viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao chỉ đạo xử lý vụ án đúng quy định pháp luật.
Ngày 29-4-2014, VKSND tỉnh Phú Yên có quyết định kháng nghị bản án và cho rằng ông Lê Đức Hoàn có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 9-7-2014, TAND tỉnh Phú Yên tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Nguồn tin: Người Lao Động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...