LTS: Nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một trong hai nhà lãnh đạo (người thứ hai là Thủ tướng Đức - bà Angela Merkel) được Diễn đàn toàn cầu Boston vinh danh với "Giải thưởng Lãnh đạo thế giới vì Hòa bình, An ninh và Phát triển", TS.Trần Công Trục - nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ đã chia sẻ với độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cảm nhận của ông về những phát ngôn sâu sắc của Thủ tướng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc.
Kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình
Ông có cảm nhận gì về những phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Quốc hội về quan hệ Việt Nam Trung Quốc, về chủ quyền biển đảo Việt Nam tại kỳ họp thứ 10 vừa qua của Quốc hội? Và ở kỳ họp thứ 9, Thủ tướng cũng chỉ rõ quan điểm của chúng ta là "vừa hợp tác, vừa đấu tranh"?
TS.Trần Công Trục: Theo tôi, nội dung trả lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại các kỳ họp Quốc hội, đã thể hiện đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về quan hệ Việt Trung và vấn đề đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trong Biển Đông, cụ thể là:
Biển Đông là một phần trong quan hệ Việt Nam-Trung Quôc, nhưng nếu không xử lý tốt, có thể tác động đến toàn bộ quan hệ 2 nước, cả chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại.
Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là phải bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của đất nước, đồng thời cố gắng kiểm soát tốt tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định trên biển.
Giải quyết vấn đề Biển Đông phải kết hợp cả sức mạnh trong nước và sự đồng tình ủng hộ của quốc tế trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập tự chủ.
Đấu tranh bằng mọi biện pháp hòa bình, trong đó đề cao biện pháp chính trị ngoại giao, đấu tranh trên thực địa, đấu tranh dư luận, không để xẩy ra xung đột vũ trang.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một trong hai nhà lãnh đạo trên toàn thế giới được trao tặng giải thưởng vì hòa bình. ảnh: VGP. |
Đồng thời, theo tôi, Việt Nam cũng cần chuẩn bị các biện pháp đấu tranh pháp lý:
Thứ nhất, khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tiếp tục kiên trì đấu tranh với các luận điệu sai trái của Trung Quốc về Hoàng Sa và Trường Sa.
Thứ hai, kiên quyết bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý và bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò".
Thứ ba, kiên trì triển khai hoạt động kinh tế biển, bao gồm hoạt động dầu khí nghề cá trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa.
Triển khai đồng bộ quyết liệt các biện pháp đấu tranh chính trị ngoại giao, trên thực địa và dư luận đối với các hoạt đọng xâm phạm chủ quyền , quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông.
Tiếp tục tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận thế giới, yêu cầu tôn trọng UNCLOS và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ DOC, thúc đẩy COC; không có hành động làm phức tạp tình hình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Thời gian vừa qua, Việt Nam đã kiên trì thực hiện những định hướng trên, chính vì thế nên hầu hết dư luận trong và ngoài nước đều rất đồng tình, ủng hộ.
Trong lúc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải dương 981 vào vùng biển Việt Nam, phát biểu tại một chuyến công du nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông”. Nhiều năm gắn bó với công tác chủ quyền biên giới lãnh thổ, khi nghe được những tuyên bố trong hoàn cảnh ấy, cảm xúc của ông như thế nào?
TS.Trần Công Trục: Đây là câu trả lời được dư luận đánh giá rất cao, bởi vì:
Về chính trị, nó đã phản ánh đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ hàng đầu của dân tộc Việt Nam; đó là sứ mệnh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; không có bất kỳ một mối quan hệ nào, một loại việc nào có thể chi phối, hạ thấp được vị trí tối cao trong nhận thức và quyết tâm của mỗi một người Việt Nam chân chính.
"Thủ tướng nhận giải thưởng vì hòa bình là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam" |
Vì vậy, “không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông” là một câu nói hợp lòng dân, được sử sách ghi nhận.
Về phương diện pháp lý, có thể nói đây cũng là sự đổi mới về tư duy và cách tiếp cận văn minh, hiện đại khi tiến hành đàm phán giải quyết tranh chấp về biên giới, lãnh thổ quốc gia.
Cụ thể là quan hệ chính trị giữa các quốc gia chỉ có ý nghĩa tạo ra môi trường thuận lợi để các quốc gia có thể tiến hành đàm phán, chứ không phải là nhân tố quyết định.
Cơ sở pháp lý mới là nhân tố quyết định, là căn cứ quan trọng nhất mà các bên tranh chấp phải dựa vào để giải quyết mọi tranh chấp trong quan hệ về biên giới, lãnh thổ.
Chỉ có dựa vào các nguyên tắc pháp lý hiện hành mới giải quyết được triệt để mọi tranh chấp, mới là cơ sở của niền tin chiến lược trong quan hệ giữa các quốc gia.
Về mặt ngoại giao, những tuyên bố của lãnh đạo Việt Nam hoàn toàn nhất quán với hành động trên thực tế, nói đi đôi với làm, thể hiện thiện chí và trách nhiệm trong quan hệ với các quốc gia láng giềng khu vực và quốc tế.
Nếu so sánh với lời nói và việc làm của một số chính khách quốc tế khác thì có thể nói rằng đây cũng là một dấu ấn đáng kể trong lịch sử quan hệ quốc tế.
TS Trần Công Trục - nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ. ảnh: Giaoduc.net..vn |
Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo, tiền hậu bất nhất
Tại Quốc hội Việt Nam, ông Tập Cận Bình phát biểu rằng về vấn đề trên biển hai bên cần kiên trì đàm phán trên phương diện ngoại giao. Nhưng thực tế, ngay sau đó 1 ngày ông này phát biểu tại Singapore đã vội vàng nhận chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa (thực chất là của Việt Nam).
Và ở trên biển, mới nhất một số tàu quân sự Trung Quốc đã vây hãm tàu Việt Nam, thậm chí còn có hành động uy hiếp bằng cách chĩa súng vào tàu Việt Nam. Ông có bình luận gì trước thói quen nói một đằng làm một nẻo của Trung Quốc?
TS Trần Công Trục: Trên chính trường vẫn thường tồn tại khá nhiều mâu thuẫn giữa những tuyên bố với việc làm của một số chính khách vì những tính toán cơ hội chính trị.
Những tuyên bố của ông Tập Cận Bình tại các địa điểm dừng chân trong các chuyến công du của mình với tư cách là người đứng đầu một quốc gia và hành động trên thực tế trên Biển Đông là minh chứng rõ nét.
Mới nhất là một số tàu quân sự Trung Quốc đã vây hãm tàu Việt Nam, thậm chí còn có hành động uy hiếp bằng cách chĩa súng vào tàu Việt Nam.
Có thể nói đấy là những thí dụ tiêu biểu của cách hành xử “nói một đằng làm một nẻo”, “tiền hậu bất nhất” khiến người ta không thể không đề cao cảnh giác.
Trên phương diện ngoại giao dường như Trung Quốc cũng chỉ tìm cách đối phó chứ không thực tâm muốn giải quyết những bất đồng trên biển thưa ông, mà bằng chứng là đã có nhiều quan chức cấp cao nước này lộng ngôn, lấp liếm và cố ý không thừa nhận chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa?
Thủ tướng tuyên chiến với nhũng nhiễu: Chuyện nhỏ, nhưng không nhỏ! |
TS Trần Công Trục: Thời gian qua tại nhiều diễn đàn quốc tế, các học giả quốc tế đều có chung một nhận xét như vậy.
Tiến trình đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN để ký kết COC (bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông) trong mấy năm qua vẫn dẫm chân tại chỗ chỉ với hình thức “tham vấn” là câu trả lời về “thiện chí” thường được phía Trung Quốc ra tuyên bố, thậm chí ra lời kêu gọi tha thiết.
Với âm mưu độc chiếm Biển Đông như nhận định của nhiều học giả trong nước và quốc tế thời gian qua, theo ông Trung Quốc sẽ tiếp tục các chiêu bài gì nhằm tiếp tục chiếm đóng bất hợp pháp chủ quyền biển đảo của Việt Nam?
TS Trần Công Trục: Độc chiếm Biển Đông là chiến lược, là chủ trương nhất quán của Trung Quốc.
Triển khai thực hiện chủ trương đầy tham vọng này, Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, tùy theo hoàn cảnh khu vực và quốc tế, khi thì sử dụng vũ lực để đánh chiếm, khi thì sử dụng các biện pháp dân sự, kinh tế, chính trị, ngoại giao… để giành lấy sự công nhân trên thực tế yêu sách phi pháp của mình.
Trong tình hình hiện nay, Trung Quốc đang tận dụng cơ hội để triển khai chiến dịch “xâm lược mềm”, không đánh mà thắng, biến không thành có, biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp… đồng thời vẫn để ngõ khả năng “thu hồi” các đảo mà Trung Quốc cho rằng đã bị các nước khác “xâm chiếm” từ trước (?).
Trân trọng cảm ơn ông!
Ngọc Quang (Thực hiện)