|
Tôi bắt đầu chuyến leo núi vào ngày 6.10 với Tommy (Indonesia) và Pavel (Nga). Pavel đi cùng chúng tôi 2 ngày thì bị cảm và quyết định quay về Pokhara.
Tôi và Tom rong ruổi trên những nẻo đường và ngày 13.10, đến High Camp độ cao 4.833 mét. Chúng tôi tiết kiệm tiền nên không thuê người dẫn đường và không thuê người khuân vác hành lý.
Sau khi đến High Camp, Tom bị nhức đầu nên muốn nghỉ lại một ngày rồi sau đó mới chinh phục đích đến là Thorung La Pass độ cao 5.416 mét. Tôi vì muốn chinh phục Thorung La Pass sớm để trở về Kathmandu tiễn cậu bạn thân đi châu Âu nên quyết định leo núi một mình.
Sáng 13.10, mọi người dậy sớm chuẩn bị leo núi, có khoảng gần 200 khách leo núi ngày hôm đó. Trước đó một ngày, thời tiết rất đẹp.
5 giờ, tôi bắt đầu men theo đoàn người leo núi. Tôi đi rất chậm vì có thói quen chụp ảnh nên hầu như đi sớm nhưng bị mọi người bỏ lại khá xa.
Khoảng 6 giờ, tôi gặp Tom. Cậu ấy bảo thấy tôi leo nên cũng leo chứ ở lại High Camp thì chán. Nhưng vì Tom đi rất nhanh nên chúng tôi nhanh chóng lạc mất nhau. Đến 8 giờ trở đi tuyết bắt đầu rơi mạnh kèm theo gió bão. Tôi cố gắng bám theo đoàn người đi trước nhưng không kịp do găng tay và giày tôi không phải loại chống nước nên dễ dàng bị ướt khiến cả tay và chân tôi gần như bị đóng băng.
|
Một nhóm khác tiến lên, tôi cố gắng bước theo họ nhưng cơn bão tuyết mạnh ngang qua khiến tôi không còn thấy dấu chân hay bóng dáng họ nữa và bị lạc giữa thung lũng tuyết không bóng người. Tuyết dày cao đến hông, gió càng lúc càng thổi mạnh khiến tôi nghĩ là mình sẽ bị chết vì kẹt cứng lúc đó.
Tôi nhớ lại lời cậu bạn thân dặn trước lúc đi, có thể không tin bất cứ ai nhưng luôn tin vào bản thân mình. Và tôi tin là tôi có thể vượt qua cơn bão tuyết đó. Tôi cố gắng lê chân cho đến khi nhìn thấy trạm với rất nhiều cờ. Đó chính là Thorung La Pass. Tôi lết vào căn nhà Tea House chật kín người lạnh cóng như tôi.
Lúc đó khoảng tầm 11 - 12 giờ, có khoảng 50 người ở trong căn nhà Tea House lúc đó vì họ quá lạnh không thể đi xuống. Chờ khoảng hai tiếng đồng hồ chỉ thấy thời tiết ngày càng tệ và bão ngày càng mạnh hơn. Mọi người trong nhà bắt đầu hoảng loạn tìm cách thuê ngựa hay thực thăng đến đón.
Một người dân địa phương có mặt trong căn nhà lúc đó bảo không thể có ngựa vào lúc này và trực thăng cũng không thể đáp trên đỉnh Thorung La Pass với thời tiết xấu như vậy. Thêm vào đó, chúng tôi không có bất cứ tín hiệu nào từ GPS hay mạng điện thoại.
Khoảng 15 giờ, một người đàn ông từ làng Muktinath lên đến căn nhà. Một người hướng dẫn bảo đây là người đàn ông rành nhất khu vực này. Nếu mọi người đi theo ông ta có thể đến được làng Muktinath và sống sót.
Khoảng 50 người trong ngôi nhà bắt đầu náo loạn. Họ quyết định đi cùng người đàn ông thổ địa xuống làng Muktinath, mỗi người phải trả 60 USD. Có khoảng 30 người theo ông ta. Ngay lúc đó, tôi đã nghĩ rằng, để mọi người đi hết, tôi sẽ chạy lại xin anh chủ Tea House ở lại ngôi nhà này. Nhưng người chủ bán trà cũng sợ chết và quyết định đi theo. Không còn cách nào khác, tôi phải theo họ.
Tôi rất lạnh vì không có găng tay nên quyết định sẽ chen vào giữa đoàn để không bị lạc. Nhưng khi vừa mang ba lô ra ngoài, nhìn thấy bão tuyết, tôi thấy tình hình không theo nổi nên đã vội vàng quay lại căn nhà.
Khoảng 30 người quyết định xuống núi và 20 người ở lại. Trong số 20 người ở lại, có 3 porter (người khuân vác hành lý) và 2 trekking guide (người hướng dẫn leo núi). Một trekking guide là hướng dẫn viên cho một chàng trai Việt Nam. Chính là chàng trai người Việt tên Phong.
|
Tối hôm đó, trong căn nhà phải ngồi tựa vào nhau ngủ vì nhà quá nhỏ và sàn nhà ẩm thấp, mọi đồ đạc gần như bị đóng băng. Một trong 3 porter là người Nepal bị sốt cao và sùi bọt mép gần như sắp chết. Tôi bắt buộc phải cởi hết áo quần của cậu bé vì áo quần của cậu bị ướt và nếu cứ mặc cậu sẽ chết trong vài giờ tới. Tôi đưa túi ngủ của mình cho cậu choàng vào, lấy diamox cho cậu uống cùng một chút chocolate và hạt hạnh nhân.
Sau khi uống thuốc và ăn, cậu bé trở nên tỉnh táo. 20 con người trong căn nhà chốc chốc lại đánh thức nhau tỉnh dậy vì sợ rằng có người nào đó ngủ quên rồi không bao giờ tỉnh dậy nữa.
Một đêm dài trôi qua, cuối cùng tôi dậy sớm ra ngoài thấy tuyết đã ngừng rơi và bắt đầu hửng nắng. Mọi người chuẩn bị đồ đạc xuống núi. Trước khi đi, mỗi người để lại một số tiền vì đã ăn mì gói, uống trà...
Đường xuống núi khá nguy hiểm và tuyết đã phủ dày không thấy đường đi. Tôi không nhớ đã bước qua bao nhiêu xác người để về. Chỉ biết có những lúc 2 - 3 xác người nằm cạnh nhau úp mặt xuống tuyết.
Lúc tới khu vực trực thăng cứu hộ, tôi thấy vài cảnh sát và tiến lại gần. Họ thấy tôi từ Thorung La Pass về thì đưa một gói bánh và một túi mì bảo ăn đi kẻo đói. Chưa kịp ăn thì tôi nhận ra cô bạn người Trung Quốc - một trong 30 người theo người đàn ông Muktinath xuống núi - đang đứng co ro vì vừa được cảnh sát cứu từ vực sâu lên. Chúng tôi ôm nhau vì nhận ra cả hai đều sống sót.
Cạnh cô bạn, 2 xác người đàn ông vừa được kéo lên. Ở góc khác, một anh bạn đến từ châu Âu ngồi co ro thẩn thờ với 2 tay bị đóng băng. Tôi tiến lại gần hỏi anh có đói không, có muốn ăn gì không thì anh bảo tay anh không cử động được. Tôi cắn một miếng bánh đút vào miệng anh và rót một tách trà ấm đút cho anh uống. Anh chỉ về cái xác người nằm ngay trước mặt và bảo, người bạn thân nhất của anh đã ra đi. Tôi lặng người, vỗ vào vai anh động viên an ủi.
Vài phút sau, tôi tiến lại phía cảnh sát hỏi thông tin về người bạn Tom nhưng họ không biết. Một cô gái đứng cạnh đó đang cố tìm cách mở gói mì nhưng không mở được. Tôi mở giúp cô và hỏi cô ổn không thì cô òa khóc và bảo nhóm đi 3 người nhưng một đã chết một chưa tìm thấy xác và cô thì mắt không nhìn thấy gì. Tôi chỉ biết ôm chầm cô...
Đứng ở chỗ cảnh sát một tiếng, tôi phải xuống núi vì mong muốn xem anh bạn Tom của tôi có ở làng Muktinath không. Đoạn đường về không còn nguy hiểm nữa nhưng vì quên mang kính chống nắng nên mắt tôi gặp vấn đề. May mắn thay, tôi đã đến được làng Muktinath, tắm rửa và gặp lại Tom.
Tom bảo cậu gặp bão và cố gắng đi cho kịp đoàn người nên không đợi tôi được. Lúc về cậu hối hận vì đã bỏ rơi tôi nên cậu để người ướt đẫm, ôm cái máy hình ra ngoài hiên, cứ ai đi qua thì hỏi có thấy cô gái người Việt Nam không...
Mọi người trong làng thấy tôi đeo ba lô cầm cây gậy đi từ phía núi về thì chạy ra chào đón. Một trong những trekking guide nhìn tôi và bảo, cô là cô gái may mắn nhất vì không có bạn, không có trekking guide, không có porter đi theo bảo vệ nhưng vẫn sống sót...
Dự kiến xuất bản tiểu thuyết Sáng 19.10, Thanh Niên Online liên lạc với Võ Thị Mỹ Linh qua điện thoại. Cô cho biết đầu tháng 12.2014, cô mới trở về Việt Nam. Trong thời gian tới cô vẫn ở Nepal và đăng ký làm tình nguyện viên. Cô sẽ dạy học cho trẻ em ở trường vùng núi Dolakha do một nhóm người Nga xây dựng. Công việc mới sẽ bắt đầu vào ngày 15.11. “Ban đầu tôi không có ý định qua Nepal nhưng hoàn thành cuốn tiểu thuyết ở Ấn Độ, không có việc gì làm nên tôi qua Nepal làm tình nguyện viên”, Mỹ Linh nói. Cô cho biết trước đây cô và một số người bạn từng hợp tác với Nhà xuất bản Trẻ để xuất bản một số cuốn sách dành cho tuổi teen. Cuốn tiểu thuyết mới dự kiến sẽ ra mắt vào đầu năm 2015. Mỹ Linh cho biết nhà cô ở Bình Phước nhưng từ nhỏ cô phải xa gia đình. Trước khi đi Ấn Độ, rồi sau đó qua Nepal, cô đã xin nghỉ việc ở Ngân hàng Phương Đông. Lý do cô chọn Ấn Độ và Nepal là bởi hai nước này chi phí sinh hoạt khá rẻ và cô có thể ở được lâu. “Tôi sống tự lập từ nhỏ. Sau bão tuyết tôi cũng chưa báo cho gia đình. Sợ báo ba mẹ ở nhà lo thêm”, cô nói. Trao đổi với Thanh Niên Online sáng 19.10, cô Võ Thị Vân Anh - em gái của Mỹ Linh, hiện đang học năm 1, khoa Báo chí, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM - cho biết cô mới biết thông tin chị mình vào ngày hôm qua. “Sáng nay em có điện và báo cho ba mẹ biết. Ba mẹ rất lo và bắt chị ấy phải về”, Vân Anh nói. Vân Anh cho biết gia đình có ba anh em. Hiện anh trai và ba mẹ của cô đang sống ở Bình Phước. Trung Hiếu |
Lược trích từ Facebook của Mỹ Linh
Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...