Trung ương đề cử nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII

Thứ hai - 14/12/2015 03:18 - Đã xem: 898
Hội nghị Trung ương 13 khai mạc sáng 14-12, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “có ý nghĩa đặc biệt quan trọng”, bàn nội dung văn kiện; nhân sự Ban Chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư… trình Đại hội XII.

Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khai mạc sáng 14-12 tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có diễn văn quan trọng khai mạc Hội nghị.

'Hội nghị Trung ương lần thứ 13 khai mạc sáng 14-12 tại Hà Nội'

Hội nghị Trung ương lần thứ 13 khai mạc sáng 14-12 tại Hà Nội

Theo chương trình, Hội nghị này sẽ bàn về các nội dung: Tiếp thu ý kiến đóng góp của đại hội đảng bộ các cấp, của đại biểu Quốc hội, MTTQ, các đoàn thể nhân dân, của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng; Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng; về nhân sự Ban Chấp hành Trung ươngBộ Chính trị, Ban Bí thư và Nhân sự Ủy ban Kiểm tra Trung ương; dự thảo Quy chế làm việc, Quy chế bầu cử tại Đại hội lần thứ XII của Đảng và một số vấn đề quan trọng khác.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, với nội dung chương trình trên đây, Hội nghị Trung ương lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội lần thứ XII của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí Trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, nhân dân và đất nước, tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để hoàn thành tốt nội dung, chương trình đã đề ra.

Giới thiệu nhân sự 4 chức danh chủ chốt

Vấn đề nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII là một trong 4 nội dung lớn, trọng tâm sẽ được thảo luận và quyết định tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13 vừa khai mạc sáng 14-12, là “công việc hết sức hệ trọng” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết tại Hội nghị Trung ương lần này, Bộ Chính trị sẽ báo cáo Trung ương về kết quả chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương; nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhân sự Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII.

Trung ương sẽ bỏ phiếu biểu quyết danh sách các Ủy viên Trung ương khóa XI (cả chính thức và dự khuyết) trong độ tuổi và các Ủy viên Trung ương khóa XI thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa XII. Đồng thời, Trung ương cũng bỏ phiếu biểu quyết đề cử các đồng chí đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong độ tuổi tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII; bỏ phiếu biểu quyết đề cử nhân sự Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII.

Theo quy trình công tác nhân sự, các Ủy viên Trung ương khóa XI (cả chính thức và dự khuyết) viết phiếu giới thiệu các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong độ tuổi ứng cử 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Hội nghị Trung ương lần thứ 13 Khóa XII có ý nghĩa đặc biệt quan trọng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Hội nghị Trung ương lần thứ 13 Khóa XII có ý nghĩa đặc biệt quan trọng

Nhấn mạnh đây là công việc hết sức hệ trọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương tập trung công sức, trí tuệ nghiên cứu kỹ các Báo cáo của Bộ Chính trị và các tài liệu nhân sự có liên quan để thảo luận, cho ý kiến, tạo được sự thống nhất cao về vấn đề này, làm cơ sở để Trung ương bỏ phiếu quyết định về nhân sự và ghi phiếu giới thiệu về nhân sự theo đúng quy trình.

Thực hiện phương hướng công tác nhân sự, tại Hội nghị Trung ương 12 (tháng 10-2015), Trung ương đã bỏ phiếu biểu quyết danh sách nhân sự lần đầu được giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (cả chính thức và dự khuyết); đồng thời Trung ương cũng đã ghi phiếu đề xuất các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong độ tuổi tái cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và ghi phiếu giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong độ tuổi tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII.

Ngay sau Hội nghị Trung ương 12, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã khẩn trương chỉ đạo tổng hợp kết quả bỏ phiếu đề xuất và giới thiệu nhân sự của Trung ương; nghiên cứu, đề xuất các tiêu chí xem xét về trường hợp “đặc biệt” là Ủy viên Trung ương khóa XI tái cử khóa XII; nghiên cứu và đề xuất các yêu cầu, căn cứ để lựa chọn nhân sự đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong độ tuổi tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII. Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã họp nhiều lần để xem xét, rà soát kỹ lưỡng, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án nhân sự theo đúng phương hướng, quy trình công tác nhân sự đã đề ra.

Đóng góp trí tuệ vào văn kiện Đại hội XII

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu nhiều ý kiến gợi mở để Trung ương thảo luận về vấn đề liên quan đến việc tiếp thu ý kiến đóng góp, hoàn thiện các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng.

Hội nghị Trung ương 13 xem xét nhiều vấn đề đặc biệt quan trọng trình Đại hội XII
Hội nghị Trung ương 13 xem xét nhiều vấn đề đặc biệt quan trọng trình Đại hội XII

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng, ngay sau Hội nghị Trung ương 12 (tháng 10-2015), Bộ Chính trị đã chỉ đạo các Tiểu ban phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo tổng kết 30 năm đổi mới, khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Trung ương, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo kinh tế-xã hội gửi đại hội đảng bộ các cấp đóng góp ý kiến theo đúng kế hoạch đề ra.

Tính đến ngày 6-11, đã có 68 đảng bộ trực thuộc Trung ương gửi báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận ở đại hội đảng bộ góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII.

Từ ngày 15-9 đến ngày 31-10, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội, các cấp, các ngành đã chủ động tổ chức nhiều cuộc hội thảo, thảo luận và gửi về Trung ương hàng trăm bản tổng hợp ý kiến đóng góp. Đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài cũng đã nhiệt tình góp ý kiến và gửi thư, tài liệu cho các cơ quan và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội.

Các cơ quan chức năng của Trung ương đã tập hợp, phân loại các ý kiến đóng góp và xây dựng các báo cáo tổng hợp, tổng cộng 1.547 trang. Hầu hết các ý kiến đều thể hiện tâm huyết, thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm cao với Đảng, với nhân dân, đất nước; hoan nghênh việc Trung ương cho công bố sớm Dự thảo các văn kiện để lấy ý kiến nhân dân; cho rằng đây thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thể hiện tinh thần dân chủ ngày càng cao trong Đảng, nhân dân và xã hội; phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia vào quá trình hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển đất nước, xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Phần lớn các ý kiến cho rằng, dự thảo các văn kiện được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học, đổi mới, có chất lượng cao; phản ánh khá đầy đủ và toàn diện những kết quả đạt được, những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém, sát hợp với tình hình thực tế; chỉ ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; dự báo được tình hình và định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp khá cụ thể trên các lĩnh vực trong thời gian tới; gắn kết giữa lý luận với thực tiễn; phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; có nhiều điểm mới; thể hiện tầm cao trí tuệ của Đảng. Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung, sửa đổi những nội dung, câu chữ cụ thể hoặc kiến nghị phân tích sâu hơn những kết quả đã đạt được, những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân; khắc phục một số điểm chưa nhất quán trong đánh giá, nhận định tình hình.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, trên cơ sở tập hợp, nghiên cứu, phân tích các ý kiến đóng góp, cập nhật tình hình trong nước, khu vực và thế giới năm 2015, dự báo tình hình thời gian tới, Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Kinh tế-xã hội đã xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp của toàn hệ thống chính trị và nhân dân để hoàn thiện dự thảo các văn kiện báo cáo Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến chỉ đạo hoàn chỉnh, trình Hội nghị Trung ương lần này.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, góp ý cụ thể vào Báo cáo giải trình, tiếp thu vào toàn văn các dự thảo với tinh thần thực sự cầu thị, trân trọng các ý kiến đóng góp của toàn Đảng, các đại biểu Quốc hội, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân.

Tập trung cho ý kiến đối với các đề xuất bổ sung, chỉnh sửa vào toàn văn dự thảo các văn kiện, nhất là những vấn đề còn có ý kiến hoặc phương án lựa chọn khác nhau. Đồng thời cũng cần bày tỏ chính kiến đối với những ý kiến sai trái, đi ngược lại quan điểm, đường lối cơ bản của Đảng. Từ đó xem xét, thông qua toàn văn Báo cáo chính trị và Báo cáo kinh tế-xã hội trình Đại hội XII của Đảng.

B.T.Ngọc (Theo VGP)

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây