Đến năm 2020, tổng đàn bò thịt toàn tỉnh đạt khoảng 70.000 con và tỷ lệ Brahman hóa chiếm 70-80%. Đề án cũng đưa ra mục tiêu phát triển đồng cỏ trồng hỗn hợp năng suất cao phục vụ chăn nuôi bò đạt 1.600 ha vào năm 2015 và đến năm 2020 đạt 2.500 ha với các giống cỏ cao sản như Ghinê DT58, VA06, Stylo…
Toàn tỉnh cũng sẽ thành lập hệ thống cung cung ứng và dịch vụ thụ tinh nhân tạo từ tỉnh đến các huyện, thị xã và các xã, phường; đào tạo, hướng dẫn lành nghề cho 100 dẫn tinh viên. Giá trị tăng thêm từ đàn bò ước tính đến năm 2015 là trên 223 tỷ đồng và đến năm 2020 là hơn 856 tỷ đồng.
Để thúc đẩy thực hiện đề án này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành phối hợp với địa phương triển khai các dự án cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt. Qua thực hiện, đến nay cho thấy, tiến độ triển khai dự án cải tạo, nâng cao chất lượng giống bò thịt trên địa bàn còn chậm.
Tổng số bò lai của toàn tỉnh hiện nay mới thực hiện được khoảng gần 4.500 con, chiếm 18% tổng đàn bò thịt trên địa bàn. Huyện Chư Jút là địa phương tiến hành lai tạo được nhiều nhất, với gần 400 con, tiếp đến là Tuy Đức: 340 con. Các địa phương còn lại việc triển khai đề án vẫn còn rất chậm và chưa đưa lại nhiều kết quả.
Có thể nói, mục tiêu quan trọng của đề án ngoài đáp ứng nhu cầu thịt bò ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu, phát huy các tiềm năng, thế mạnh còn góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ, cũng như hiệu quả của đề án thì các ngành, địa phương cần chủ động lồng ghép nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án nhằm triển khai chương trình phát triển đàn bò lai đạt kết quả cao hơn.
B.M