Tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tăng: Chủ tịch tỉnh phải nhận kỷ luật

Thứ sáu - 31/05/2013 03:21 - Đã xem: 842
Có nhiều ý kiến đề xuất như thế tại “Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) quý II/2013 và nhiệm vụ trong thời gian tới” do Chính phủ tổ chức ngày 29.5.

Vấn đề nhức nhối

Đánh giá lại 5 tháng đầu năm thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Trong 5 tháng đầu năm 2013 mặc dù số vụ tai nạn giao thông và số người bị thương giảm sâu, tuy nhiên đáng báo động là số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tăng cao khiến cho số người chết tăng so với cùng kỳ năm ngoái, đây là vấn đề nhức nhối, là nỗi lo lắng cho các cấp, các ngành”.

TNGT đặc biệt nghiêm trọng tăng cao trong 5 tháng đầu năm 2013.

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia, TNGT trong 5 tháng đầu năm 2013 diễn biến phức tạp, mặc dù số vụ tai nạn giảm 2.089 vụ so với cùng kỳ năm 2012, tuy nhiên số người chết tăng lên đáng kể (28 người). Trong 5 tháng đầu năm 2013 đã có trên 29 tỉnh, thành phố tăng số người chết vì TNGT. Là một trong những tỉnh có số người chết vì TNGT tăng cao, lý giải về tình trạng này, ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban ATGT tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Các tai nạn xảy ra chủ yếu do chủ phương tiện vi phạm làn đường, tránh, vượt sai quy định, vi phạm tốc độ. Có 40% số vụ TNGT do ô tô gây ra (xe tải, xe khách)”.

Công an Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội phải nghiêm túc chấn chỉnh, chỉ đạo quyết liệt để chấm dứt tình trạng này, nếu không làm được, tôi sẽ kết luận Công an Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội bảo kê trái phép cho các doanh nghiệp vận tải.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia ghi nhận nỗ lực đầu tư phát triển đường sá nhằm giảm thiểu ùn tắc, giảm số vụ tai nạn cũng như số người chết và bị thương. Tuy nhiên ở 2 thành phố này, tình trạng bến xe khách lộn xộn, quá tải, xe taxi “chặt chém” lừa du khách đang diễn ra phổ biến.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bức xúc: “Công an Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội phải nghiêm túc chấn chỉnh, chỉ đạo quyết liệt để chấm dứt tình trạng này, nếu không làm được, tôi sẽ kết luận Công an Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội bảo kê trái phép cho các doanh nghiệp vận tải”.

Tước vĩnh viễn giấy phép lái xe

Tại hội nghị, Trung tướng Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ Công an kiến nghị: “Các địa phương có TNGT tăng cao trong những tháng vừa qua phải đánh giá kỹ lưỡng, mổ xẻ nguyên nhân vì sao và đưa ra giải pháp chỉ đạo quyết liệt để kéo giảm TNGT. Các địa phương phải mạnh dạn xử phạt ở mức cao nhất trong Nghị định 34 như tước giấy phép lái xe, thậm chí nếu cần thiết phải tước vĩnh viễn giấy phép lái xe đối với các trường hợp gây tai nạn nghiêm trọng”.

Đồng tình với quan điểm trên, đại diện tỉnh Đồng Nai đề xuất thêm: “Cần gắn trách nhiệm người đứng đầu tỉnh đối với việc tăng TNGT, nếu tỉnh nào có số người chết và số vụ TNGT tăng, chủ tịch tỉnh sẽ không được xét thưởng cuối năm, thậm chí phải nhận hình thức kỷ luật”. Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Từng địa phương phải rà soát lại các điểm đen, sơ hở trong quản lý để chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt các cơ quan liên quan. Nghiêm khắc xử lý vi phạm, nghiêm cấm cán bộ lãnh đạo các cấp xin xỏ khi bị lực lượng giao thông phạt...”.

GIẢM TNGT LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI VÀ BỘ CÔNG AN PHỐI HỢP VỚI CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
Ở nước ngoài khi các vụ tai nạn nghiêm trọng xãy ra, thì ngay lập tức Bộ trưởng giao thông nhận trách nhiệm xin từ chức, nhưng ở nước ta liên tục xãy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, nhưng Lãnh đạo Bộ giao thông vận tải bình chân như vại, xem đó là trách nhiệm của người khác chứ không phải của mình, thậm chí cho rằng đó là trách nhiệm của các cấp chính quyền ở địa phương đòi cách chức Chủ tịch UBND tỉnh nào đã để xãy ra nhiều vụ tai nạn xãy ra nhiều trong năm. Trong khi đó các tuyến đường quốc lộ trong cả nước đều do Bộ giao thông vận tải quản lý, từ khâu đầu tư xây dựng làm mới đến bảo dưỡng tu sửa đường; Còn Bộ công an thì chịu trách nhiệm chỉ đạo cho lực lượng cảnh sát giao thông, xử phạt đối với người và phương tiện tham gia lưu thông vi phạm luật an toàn giao thông . Trong thời gian vừa qua nguyên nhân xảy ra tai nạn lý do tài xế chủ quan, phóng nhanh, vượt ẩu, chất lượng xe không đảm bảo an toàn, tuy nhiên bên cạnh đó cơ sở hạ tầng thấp kém , chất lượng các tuyến đường giao thông xuống cấp , đường ở miền núi quá hẹp, quanh co khuất tầm nhìn, cũng là nguyên nhân không đảm bảo an toàn trong giao thông gây ra các vụ tai nạn. Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 10 năm qua, cả nước đã có hơn 100.000 người chết vì TNGT. Hiện Việt Nam đứng thứ 11 trong số các nước có người chết vì TNGT trên thế giới. Tính bình quân mỗi năm có khoảng 11 nghìn người chết. Cụ thể, mỗi ngày có khoảng 30 người thiệt mạng vì TNGT. Điều đó đồng nghĩa với mỗi ngày có gần 30 gia đình mất người thân, 200 gia đình chịu những tổn thất về vật chất và tinh thần do tai nạn giao thông để lại đồng thời những người gây tai nạn và người gánh hậu quả tai nạn sẽ phải chịu những dằn vặt tinh thần suốt cuộc đời. Những mất mát do TNGT đều ảnh hưởng mạnh mẽ tới gia đình và xã hội; hàng triệu người trên toàn cầu đang phải đối mặt với cái chết hoặc sự tàn phế của các thành viên trong gia đình do TNGT. Đã đến lúc Bộ giao thông vận tải, Bộ Công an phối hợp với chính quyền địa phương cần phải có giải pháp thật hiệu quả để hạn chế và giảm thiểu tai nạn giao thông đến mức thấp nhất.

MINH TRÍ

Nguồn tin: Báo Dân Việt

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây