Điểm số ở mức trung bình và kém
Một phụ huynh Trường THCS Đống Đa (Hà Nội) cho hay con mình vốn là học sinh (HS) giỏi ở bậc tiểu học, cả năm chỉ chấm điểm bài kiểm tra học kỳ mà gần hết lớp đều được 9, 10 nên lên THCS, cháu bị “sốc” thực sự vì liên tiếp nhận được điểm trung bình, dưới trung bình ở những bài kiểm tra từ đầu năm học tới nay.
Một phụ huynh khác ở Trường THCS Trưng Vương kể con chị đi học về thông báo được 5 điểm toán bài kiểm tra 45 phút với vẻ mặt rất vui. Chị hỏi: “Điểm đó có cao đâu mà sao con phấn khởi thế?”. Cháu trả lời:“Đó là điểm cao ở lớp rồi vì rất nhiều bạn điểm dưới trung bình”. Phụ huynh này trao đổi với giáo viên thì cô xác nhận từ đầu năm học tới nay điểm số của HS trong lớp đều phổ biến ở mức trung bình và kém.
Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên dạy khối 6, điểm số này chưa phản ánh đúng, đầy đủ chất lượng học tập của HS, nhất là HS lớp 6 năm nay - lứa đầu tiên thực hiện Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT về bỏ chấm điểm đối với HS tiểu học. Trong khi ở cấp tiểu học HS chỉ được chấm điểm mỗi học kỳ một lần với 2 môn toán, tiếng Việt thì rất dễ hiểu khi lên cấp THCS, HS sẽ không kịp xoay xở khi mà số môn học lên tới 11, trong đó có 9 môn đánh giá bằng cho điểm, trừ môn thể dục, nhạc, họa đánh giá bằng nhận xét. Hơn nữa, phần lớn HS chỉ học 1 buổi/ngày với số môn quá nhiều mà giáo viên nào cũng muốn chứng tỏ môn học của mình quan trọng nên gây áp lực với HS bằng hình thức chấm điểm, giao nhiều bài tập về nhà…
Số học sinh đạt chất lượng giảm hơn 10%
Phần lớn giáo viên và hiệu trưởng các trường THCS tại TP.HCM đều tỏ ra lo ngại về chất lượng những HS mới vào lớp 6 năm nay.
Hiệu trưởng một trường THCS tại Q.Tân Bình cho rằng chưa cần thực hiện bài khảo sát đầu năm đã biết kết quả như thế nào. Vị này cho biết lý do vì khi tiếp nhận HS, kiểm tra học bạ, chẳng hạn môn tiếng Việt, thấy có HS học kỳ 1 đạt 6 - 7 nhưng đến học kỳ 2 điểm nhảy vọt lên 9 - 10 điểm. Đề thi cuối cấp do từng trường tiểu học biên soạn nên không có mặt bằng chung để đánh giá.
So sánh với lứa HS lớp 6 năm học trước, giáo viên các trường THCS cho rằng phương thức đánh giá nhận xét khác nhau đã dẫn đến kết quả khác nhau. Khi tiếp cận với môi trường học lớp 6, rất nhiều HS năm nay phải “bơi”. Một giáo viên tại Q.Tân Phú cho hay hết tháng 9, HS có bài kiểm tra 1 tiết, chỉ tính riêng 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ kết quả HS đạt chất lượng từ trung bình trở lên giảm so với năm trước khoảng hơn 10%. Nhiều giáo viên cho biết bài kiểm tra 15 phút hầu như HS chỉ đạt 4 - 5 điểm.
Sau gần 2 tháng học tập và có kết quả bài kiểm tra 1 tiết, hiệu trưởng một trường THCS lớn nhận xét: “Kỹ năng sinh hoạt của HS năm nay khá hơn nhưng kỹ năng làm bài kiểm tra chậm hơn năm trước”. Vị hiệu trưởng này cũng cho biết số thống kê kết quả HS đạt chất lượng giảm khoảng 10%.
Có hiệu trưởng cho hay đầu năm giáo viên than phiền rất nhiều về sự thay đổi chất lượng của HS lớp 6. Thời gian khựng lại dài hơn so với trước đây. Có khi phải đến nửa học kỳ 1, HS mới có thể làm quen với cách học ở bậc THCS. Vì vậy, trong các buổi sinh hoạt, các trường đều tổ chức các chuyên đề hướng dẫn phương pháp học tập, giới thiệu các bài kiểm tra HS phải thực hiện trong lớp 6 để biết các mốc thời điểm về kiến thức.
Khác biệt quá lớn giữa 2 cấp học
Đang học với tâm thế không đánh giá bằng điểm số, bước vào lớp 6 với kiểu học hoàn toàn khác khiến HS mới vào lớp 6 năm nay chịu nhiều áp lực. Ngay từ khi vào lớp 6 HS đã phải làm các bài kiểm tra bằng chấm điểm với hình thức hoàn toàn xa lạ mà ở tiểu học chưa từng biết đến như: kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, 90 phút… Nhiều HS nhận điểm kém không phải vì không hiểu bài mà vì chưa quen với thời lượng của những bài kiểm tra này.
Dù Bộ có quy định số lần kiểm tra ít nhất của mỗi môn học cho bậc THCS và THPT nhưng không khống chế mức tối đa nên số lượng bài kiểm tra nhiều khi tùy thuộc vào từng trường, thậm chí từng giáo viên. Không hiếm giáo viên dùng bài kiểm tra bất ngờ và điểm số để thưởng phạt HS.
“Không hề có nhân nhượng hay dành cho các con thời gian để làm quen với những cách đánh giá mới ở THCS. Các con vừa đi học là đã có điểm và không cần biết các con bỡ ngỡ ra sao, chỉ cần biết điểm kém thì ráng mà chịu”, một phụ huynh có con học lớp 6 nhận xét.
Cần liên thông, không thay đổi đột ngột ở cấp học trên
Trước thực tế này, một giáo viên dạy văn ở Trường Hà Nội - Amsterdam nhận định: "Việc thay đổi cách đánh giá với HS tiểu học là cần thiết nhưng Bộ cần phải có tính toán để không thay đổi quá đột ngột giữa 2 cấp học. Hoặc là việc bỏ cho điểm chỉ dừng đến hết lớp 4, lên lớp 5 phải cho HS quen với cách đánh giá của cấp THCS; hoặc nếu bỏ cho điểm hết tiểu học như hiện nay thì lên lớp 6 cần có quy định đặc thù về cách nhận xét, cho điểm để HS quen dần với áp lực của cấp trung học. Nếu thay đổi như hiện nay thì việc đánh giá ở cấp tiểu học không đạt được tác dụng như mong muốn của nhà làm chính sách".
Trong khi đó bà Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội dè dặt nói: "Phải hết học kỳ 1 của năm học này thì mới có thể đưa ra được nhận xét về ảnh hưởng của cách đánh giá mới của tiểu học đối với HS lớp 6 ra sao".
Trao đổi với Thanh Niên, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng Bộ nên tiếp tục kiên trì việc bỏ chấm điểm ở tiểu học. Tuy nhiên rất cần phải đảm bảo tính liên thông, không thay đổi quá đột ngột về cách đánh giá khi HS lên cấp học cao hơn.
Chỉ giảm chấm điểm ở mô hình trường học mới Năm học này, Bộ GD-ĐT có hướng dẫn đánh giá riêng với khoảng hơn 1.600 trường THCS thực hiện thí điểm mô hình trường học mới (VNEN) trên toàn quốc. Hướng dẫn nêu rõ, trong đánh giá thường xuyên giáo viên không đánh giá bằng cho điểm mà bằng nhận xét quá trình và kết quả học tập của HS; chủ yếu dùng lời nói để động viên, góp ý, hướng dẫn HS. “Trong quá trình đánh giá thường xuyên, giáo viên có thể chấm và ghi điểm trên một số sản phẩm học tập để HS tham khảo nhưng không lưu điểm trên các loại hồ sơ khác”, văn bản này nêu rõ. Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT lý giải về việc chưa áp dụng rộng rãi cách đánh giá mới khi HS từ tiểu học lên THCS vì việc đổi mới đánh giá HS ở cấp nào thì cũng lấy sự tiến bộ của HS làm mục đích chính. Đối với cấp THCS, Bộ đã có hướng dẫn theo tinh thần đó. Tuy vậy, cũng có những điểm khác so với Thông tư 30 để phù hợp với yêu cầu cao hơn, định lượng nhiều hơn của kiến thức, kỹ năng cấp THCS. Ông Chuẩn còn cho biết, cũng như ở bậc tiểu học, việc đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá HS sẽ được triển khai trước ở những nơi thực hiện mô hình trường học mới, rồi mới lan tỏa ra các trường theo mô hình truyền thống khác. Tuệ Nguyễn |