Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ rác thải y tế

Thứ tư - 07/08/2013 21:50 - Đã xem: 1175
Rác thải trong y tế có chứa những yếu tố hết sức nguy hại với môi trường và con người như tính nhiễm khuẩn, nhiễm độc, lây truyền, nên cần phải được phân loại, thu gom, lưu giữ và xử lý theo đúng quy trình kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn. Nhưng thực tế, việc triển khai công tác này của nhiều bệnh viện tuyến huyện còn nhiều chuyện phải bàn.




Lò đốt rác thải y tế rất tạm bợ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy Đức
 



Xử lý rác thải y tế còn thô sơ
 
Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy Đức được thành lập và đi vào hoạt động từ cuối năm 2011 với qui mô hiện tại là 20 giường bệnh, nhưng đến nay việc xử lý rác thải y tế vẫn hết sức thô sơ. Theo Ban giám đốc bệnh viện thì ngoài lượng rác thải sinh hoạt được hợp đồng với một đơn vị của huyện thu gom thì toàn bộ rác thải y tế còn lại mới chỉ được xử lý sơ bộ bằng một lò đốt thủ công được xây dựng bằng gạch với kích thước 5x5x1m và không hề có ống khói, nắp đậy. Vì thế, mỗi khi lò đốt vận hành để đốt các loại rác thải y tế như mẫu bệnh phẩm, bông gạc, bơm kim tiêm thì đều gây ô nhiễm không khí.
 
Điều đáng nói là với nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân thì khối lượng rác thải rắn nguy hại phát sinh ngày càng nhiều. Cụ thể, nếu như năm 2012, chỉ mới có 0,5 kg/ ngày thì 6 tháng đầu năm nay đã tăng lên 5 kg/ ngày, điều này đang gây nên mối lo cho lãnh đạo bệnh viện. Không chỉ đối với chất thải rắn nguy hại, nước thải y tế được phát sinh từ các khoa, phòng chức năng của bệnh viện cũng chỉ được thu gom vào một hố chứa bằng gạch có nắp đậy và xử lý sơ bộ bằng clorin B.
 
Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chư Jút thì tình trạng cũng không mấy cải thiện. Toàn bộ lượng nước thải từ các phòng chuyên môn như phòng xét nghiệm, mổ đều không được xử lý mà được thu gom vào hệ thống bể tự hoại trong khuôn viên bệnh viện. Điều đáng nói là bệnh viện hiện cũng không còn lưu giữ bất cứ hồ sơ nào về hệ thống xử lý nước thải nên các đoàn kiểm tra của ngành chức năng khó nắm được tình hình, không thể xác định được điểm tiếp nhận nước thải của bệnh viện.
 
Đối với rác thải rắn, tuy được đơn vị xử lý bằng lò đốt rác y tế, nhưng qua kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường thì kết quả phân tích mẫu khí thải từ lò đốt có các thông số như bụi, khí CO vượt 2,63 lần so với quy chuẩn hiện hành của Việt Nam.
 
Thực trạng chung của ngành Y tế
 
Theo Sở Y tế thì việc xử lý rác thải y tế chưa đâu vào đâu đang là thực trạng chung, gây ra nhiều nỗi lo. Nếu như năm 2012, tất cả 8 bệnh viện mới thải ra 120 kg rác thải y tế/ngày thì trung bình 6 tháng đầu năm 2013 đã tăng lên 243 kg/ngày. Hiện tại, ngoài Bệnh viện Đa khoa tỉnh có hệ thống xử lý đạt chuẩn thì các bệnh viện tuyến huyện đều còn nhiều bất cập trong công tác thu gom, lưu giữ và xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành.
 
Cá biệt, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Glong, các loại rác thải y tế có đặc điểm lây nhiễm cao như bông, dây truyền dịch dính máu bệnh nhân vẫn còn để lẫn lộn với rác sinh hoạt và nước thải cũng không qua xử lý.
 
Kết quả kiểm tra mới đây của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho thấy, đối với chất thải rắn có nguy cơ lây nhiễm cao như mẫu bệnh phẩm, dụng cụ xét nghiệm thì chỉ có 3/8 bệnh viện tuyến huyện thực hiện tốt việc xử lý ban đầu như Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Mil, còn các đơn vị khác không thực hiện.
 
Do đó, nguy cơ lây nhiễm và phát tán các mầm bệnh trong môi trường bệnh viện là rất lớn, nhất là đối với các bệnh về đường hô hấp. Đối với chất thải rắn lây nhiễm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 bệnh viện triển khai việc xử lý bằng lò đốt KW 20, xuất xứ Hàn Quốc với nhiên liệu là dầu DO. Tuy nhiên, đến nay, các lò đốt này đều đã hết hạn sử dụng, bị hư hỏng, xuống cấp nên không thể đốt cháy hoàn toàn rác thải.
 
Đối với nước thải y tế, trên địa bàn tỉnh cũng chỉ có 3 bệnh viện thực hiện việc quản lý nước thải y tế, còn lại thì không hoặc hệ thống nước thải bị hư hỏng, không vận hành được, nước thải chảy thẳng vào hầm rút, không có biện pháp xử lý trước khi xả thải vào hệ thống cống thoát nước. Vì thế, các bệnh viện này không kiểm soát được nguồn nước xả thải, gây ô nhiễm môi trường là không thể tránh khỏi.
 
Nói về tình trạng trên, ông Ngô Minh Trực, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Nguyên nhân sâu xa của tình trạng ô nhiễm rác thải y tế tại các bệnh viện là do cơ sở vật chất đều được xây dựng từ nhiều năm nay không đồng bộ và đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, các bệnh viện cũng như ngành không có kinh phí để tu sửa, khắc phục”.
 
Giải pháp khắc phục… vẫn phải chờ
 
Cũng theo ông Ngô Minh Trực, giải pháp khắc phục triệt để thì vẫn phải chờ vốn. Sở sẽ huy động, tranh thủ mọi nguồn vốn qua các kênh khác nhau để hỗ trợ cho các bệnh viện đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, mua mới lò đốt rác y tế. Đối với những bệnh viện mới thì nhất thiết phải đảm bảo hệ thống xử lý nước thải, rác thải theo quy định mới cho đi vào hoạt động.
 
Hiện nay Sở đã nhận được danh mục đồng ý cho vay vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á. Dự kiến cuối năm 2013 và trong năm 2014 sẽ hỗ trợ cho mỗi bệnh viện từ 6- 10 tỷ đồng để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải y tế; riêng các bệnh viện huyện Đắk R’lấp, Đắk Song thì hỗ trợ mỗi đơn vị khoảng 350 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp môi trường của tỉnh để tu bổ, nâng cấp thêm nhằm đạt quy định.
 
Riêng đối với lò đốt thì sẽ đầu tư hệ thống mới theo công nghệ hấp vi sóng của Nhật Bản. Rác thải y tế qua lò hấp này sẽ được khử trùng, không còn chứa các yếu tố nguy hại có thể thải ra môi trường như rác thải sinh hoạt thông thường…
 
Trước mắt, Sở sẽ đẩy mạnh việc kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các bệnh viện thực hiện tốt quy chế quản lý rác thải y tế, thông qua tập huấn, đào tạo, hướng dẫn cán bộ, nhân viên y tế làm tốt công tác phân loại rác, thu gom và xử lý đúng cách tại các khoa, phòng, gắn với công tác thi đua của bệnh viện nhằm hạn chế nguy cơ ô nhiễm.
 
Bài, ảnh: Trần Lê

Nguồn tin: Đăk Nông Online

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây