Cuộc họp trực tuyến này kết nối tới 775 điểm cầu, nối tới tất cả các cấp huyện trên toàn quốc với 36.000 đại biểu tham dự. Đây sẽ là lần thứ 5, nước ta tiến hành Tổng điều tra dân số và nhà ở.
Cuộc Tổng điều tra 2019 sẽ tập trung đánh giá và điều tra thống kê ở 10 nội dung chính: Thông tin chung về dân số; Tình trạng di cư; Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật; Tình trạng khuyết tật; Tình trạng hôn nhân; Mức độ sinh chết và phát triển dân số; Tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em; Tình hình lao động việc làm; Thực trạng nhà ở; Điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc tổ chức cuộc họp nhằm rà soát lại mục tiêu, ý nghĩa và đặc biệt là công tác chuẩn bị để cả nước tiến hành Tổng điều tra dân số và nhà ở vào đầu tháng sau.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp tập trung truyền thông, vận động toàn thể nhân dân tham gia Tổng điều tra, bảo đảm an toàn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương đánh giá kỹ việc tuyển chọn, tập huấn nghiệp vụ công nghệ thông tin cho điều tra viên, khi đây là lần đầu tiên cuộc Tổng điều tra ứng dụng triệt để các tiện ích của công nghệ từ thu thập phiếu, lưu trữ, đánh giá số liệu và xây dựng báo cáo tổng thể.
“Các bộ, địa phương không chủ quan, tiếp tục rà soát lại hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống máy chủ, đường truyền để chuẩn bị cho điều tra, khắc phục các rủi ro của công nghệ, bảo đảm an toàn hệ thống”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, lực lượng tham gia Tổng điều tra gồm khoảng 9.300 giám sát viên các cấp, khoảng 110.000 điều tra viên thống kê và tổ trưởng điều tra (không bao gồm người tham gia lập bảng kê hộ).
Công tác lập Bảng kê hộ đã hoàn thành vào ngày 20.1.2019. Tổng số có 217.586 địa bàn điều tra (trong đó 196.717 địa bàn điều tra thường và 20.869 địa bàn đặc thù) với 26,2 triệu hộ dân cư và trên 94 triệu người (không bao gồm những người đang làm việc trong ngành công an, quân đội, người làm việc tại các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài và thân nhân đi cùng) được lập bảng kê.
Trong đó, nữ chiếm 50,4%; TPHCM dẫn đầu cả nước về tổng số hộ và số người được lập bảng kê, tương ứng là 2,5 triệu hộ và 8,9 triệu người; Hà Nội có 2,2 triệu hộ và 7,9 triệu người.
Tổng số hộ đăng ký tự cung cấp thông tin trên internet là 68.990 hộ, chiếm 0,26%. Trong đó, số lượng hộ đăng ký nhiều nhất là tại 3 thành phố: Hà Nội (13.228 hộ), Đà Nẵng (7.002 hộ) và TPHCM (27.501 hộ).
T.LINH
Nguồn tin: Lao Động Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...