10 bài báo y học “hot” nhất năm 2013

Thứ tư - 01/01/2014 06:33 - Đã xem: 939

10 bài báo y học “hot” nhất năm 2013

(Dân trí) - Hãy cùng chúng tôi điểm lại những bài viết thu hút nhiều lượt độc giả nhất trong năm 2013 trên các tạp chí khoa học trên thế giới.

1. Nọc ong tiêu diệt HIV mà không “đụng chạm” đến tế bào lành

1. Nọc ong tiêu diệt HIV mà không “đụng chạm” đến tế bào lành

Melittin là một chất độc mạnh có trong nọc ong. Nó có thể khoan những lỗ trên lớp vỏ bảo vệ của vi rút HIV cũng như nhiều loại vi rút khác. Nghiên cứu của Trường Y Đại học Washington, Mỹ báo cáo trên tạp chíAntiviral Therapy số tháng 3/2013 cho thấy các tiểu phân chứa melittin có thể phá hủy vi rút HIV mà không gây hại cho tế bào khỏe mạnh xung quanh.

Theo các tác giả, tiểu phân chứa melittin có thể được dùng theo hai cách: Gel âm đạo ngăn ngừa lây nhiễm HIV và thuốc điều trị cho những người bị kháng thuốc. Về lý thuyết, nếu các tiểu phân này được tiêm vào máu, chúng sẽ quét sạch HIV trong máu.

Khả năng đâm xuyên qua lớp màng bảo vệ kép của vi rút khiến melittin trở thành loại vũ khí tiềm năng trong điều trị cả viêm gan B và C.

2. “Yêu” bằng miệng có gây ung thư họng?

Câu trả lời là “khó có thể”. Nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng cho thấy nguy cơ bị ung thư đầu và cổ của người có vợ hay chồng đã bị ung thư do HPV là rất thấp.Tỷ lệ nhiễm HPV ở vợ/chồng của người bị nhiễm chỉ xấp xỉ 7%, không khác biệt so với trong dân cư nói chung.

Nhiễm thứ týp HPV 16 chỉ xảy ra ở 2% số nữ và 0% số nam gới có bạn tình bị nhiễm. HPV 16 là nguyên nhân của đại đa số trường hợp ung thư họng. trong số vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm được khám, không ai bị ung thư hay tiền ung thư.

Tuy nhiên, nghiên cứu trên 100 bệnh nhân và 200 người khỏe mạnh cho thấy những người từng “yêu” bằng miệng với ít nhất 6 bạn tình khác nhau sẽ dễ bị ung thư họng hơn gấp 3,4 lần. Còn những người “quan hệ” theo đường cổ điển với 26 đối tác trở lên sẽ bị tăng nguy cơ ung thư họng 3,1 lần.

3. Đường sucralose có độc hại?

3. Đường sucralose có độc hại?

Splenda (sucralose) là một trong những chất tạo ngọt nhân tạo (đường hóa học) đang được hàng triệu người trên khắp thế giới sử dụng, có mặt trong nhiều loạt đồ uống và thực phẩm, bao gồm thực phẩm cho người bị tiểu đường, bánh kẹo, nước ngọt và thậm chí cả thuốc.

Trong thí nghiệm trên chuột, các nhà khoa học Italia đã tìm thấy bằng chứng của mối liên quan giữa việc sử dụng sucralose với nguy cơ cao bị bệnh bạch cầu và lượng sucralose tiêu thụ càng lớn thì nguy cơ bị bệnh càng tăng.

Nghiên cứu này đã khiến sucralose bị “tụt hạng” từ mức “an toàn” xuống mức “cần thận trọng” trong bảng xếp loại phụ gia thực phẩm.

4. Vắc xin phòng bệnh Lyme

Bệnh Lyme là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Borrelia, lây truyền khi bị ve đốt, có thể gây phát ban, đau đầu, sốt và trầm cảm. Bệnh dễ bị nhầm với nhiều bệnh khác, khiến bệnh nhân không được điều trị và đưa tới những biến chứng, vì thế việc phòng bệnh là rất quan trọng.

Các nhà khoa học tại Trường Y Đại học Stony Brook và Phòng thí nghiệm Quốc gia Brookhaven đã báo cáo về một vắc xin rất có triển vọng trong phòng bệnh Lyme. Thử nghiệm cho thấy tất cả các dạng và liều vắc xin - có và không có tá dược - đều tạo ra lượng kháng thể đáng kể chống lại tất cả các loài Borrelia.

Vắc xin chỉ gây phản ứng phụ nhẹ và không có tai biến nghiêm trọng nào xảy ra.
5. Tìm ra cách chữa khỏi bạc tóc và bạch biến
5. Tìm ra cách chữa khỏi bạc tóc và bạch biến

Việc sử dụng các loại thuốc nhuộm để che đi dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của tuổi già - tóc bạc - có thể sớm trở thành dĩ vãng. Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh và Đức trên tờ The FASEB Journal cho thấy một hợp chất được gọi là PC-KUS, một dạng cải tiến của pseudocatalase, có thể đẩy lùi stress ô xi hóa, mang đến biện pháp trị dứt điểm tình trạng mất màu của da và tóc.

Tóc trở nên bạc màu là do tình trạng stress ô xi hóa gây ra bởi sự tích lũy hydrogen peroxid ở nang tóc. Hợp chất PC-KUS mới được tìm thấy có thể đẩy lùi tình trạng này.

Không những thế, chất này còn phục hồi được màu da ở những bệnh nhân bị bạch biến. Điều trị PC-KUS đã giúp bệnh nhân phục hồi sắc tố ở da và lông mi, lấy lại màu da và tóc ban đầu.

6. Chấn động não có thể gây hậu quả kéo dài hàng chục năm

Não có cấu tạo là mô mềm và được bảo vệ bởi máu và dịch tủy sống. Khi hộp sọ chuyển động quá nhanh hoặc bị vật nào đó tác động vào, não sẽ rung lắc và va đập vào xương sọ. Điều này có thể gây ra tụ máu và phù nề, xé rách các mạch máu và tổn thương dây thần kinh. Đa phần chấn động não là nhẹ và có thể điều trị bằng biện pháp thích hợp, nhưng nếu không điều trị, nó có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Chấn động não thường gây mất tạm thời chức năng não, dẫn đến các triệu chứng về tri giác, thực thể và cảm xúc, như lú lẫn, nôn, đau đầu, buồn nôn, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, tâm trạng thất thường và quên thoáng qua.

Tuy nhiên, ngay cả khi các triệu chứng của chấn động có vẻ đã hết hẳn, thì não vẫn không thể trở về bình thường 100%. Nghiên cứu của Hội vì sự tiền bộ y học Mỹ cho thấy tổn thương não do chấn động có thể kéo dài hàng chục năm sau sang chấn ban đầu.

7. Áo “lót” làm xệ ngực?

7. Áo “lót” làm xệ ngực?

Kết quả của một nghiên cứu kéo dài 15 năm từ Đại học Besançon, Pháp cho biết việc mặc áo lót ngực gây hại nhiều hơn là lợi – nó không làm giảm đau lưng mà lại làm yếu các cơ nâng đỡ vòng hai, khiến bộ ngực bị chảy xệ.

Nghiên cứu thấy rằng những phụ nữ không bao giờ mặc áo ngực có nhũ hoa cao hơn trung bình 7mm so với những người thường xuyên sử dụng.

Tuy nhiên, không phải ai cũng cần từ bỏ áo ngực ngay lập tức, ví như phụ nữ cao tuổi (45 tuổi hoặc hơn) sẽ không được lợi gì từ việc “thả rông” vòng hai. Nhưng “áo ngực cũng không mang lại lợi ích gì cho những phụ nữ tuổi trung niên, thừa cân và đã có hơn hai con”. Nghiên cứu trước đây cũng đã cho thấy việc mặc áo ngực sai cỡ cũng là nguyên nhân khiến bộ ngực bị tổn thương.

8. Bẻ khớp có gây viêm khớp?

Mọt số người có thói quen bẻ khớp kêu răng rắc cho “đỡ mỏi”. Những khớp hay bị bẻ nhất là khớp ngón tay, ngón chân, ngoài ra còn có khớp háng, cổ tay, khuỷu tay, đốt sóng cổ, vai, bàn chân, hàm, cổ chân và gân Asin.

Nghiên cứu cho thấy không có mối liên quan giữa việc bẻ khớp và viêm xương khớp. Cả thời gian (số năm) và tần suất bẻ khớp (số lần trong ngày) đều không có tương quan đáng kể với viêm xương khớp.

Tuy nhiên, thói quen bẻ khớp dễ làm sưng khớp bàn tay và làm yếu các dây chằng, khiến bàn tay bị suy giảm chức năng.

9. Bơ lạc giúp chẩn đoán bệnh Alzheimer

9. Bơ lạc giúp chẩn đoán bệnh Alzheimer

Khả năng ngửi có liên quan với dây thần kinh số 1 và thường là một trong những chức năng đầu tiên bị ảnh hưởng bởi tình trạng suy giảm nhận thức trong bệnh Alzheimer.

Bằng cách đặt một thìa bơ lạc lên một cái thước, các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh Alzheimer giai đoạn sớm căn cứ vào khoảng cách mà từ đó bệnh nhân nhận ra mùi bơ. Sở dĩ bơ lạc được sử dụng là vì nó có “mùi tinh khiết” chỉ nhận ra được nhờ dây thần kinh khứu giác và rất dễ sử dụng.

Kết quả test với bơ lạc cho thấy bệnh nhân bị bệnh Alzheimer giai đoạn sớm có sự khác biệt rõ rệt trong khả năng ngửi mùi giữa mũi trái và mũi phải. Mũi trái bị giảm khứu giác nhiều hơn và chỉ nhận ra mũi bơ ở khoảng cách trung bình ngắn hơn 10cm so với mũi phải. Tình trạng này không xảy ra ở bệnh nhân bị các dạng sa sút trí tuệ khác.

10. Tiến tới chữa khỏi hói đầu

Lần đầu tiên một nhóm các nhà khoa học thuộc Trung tâm Y học Đại học Columbia (Mỹ) và Đại học Durham (Anh) đã thành công trong việc bắt tóc “mọc lên” từ những tế bào nhú bì lấy từ bên trong nang tóc ghép, thay vì chỉ đưa nang tóc từ chỗ này cấy sang chỗ khác.

Kỹ thuật mới bao gồm lây một số tế bào nang tóc, nuôi cấy trong ống nghiệm, sau đó ghép những tế bào đã nhân lên này vào vùng bị hói hoặc vùng ít tóc trên da đầu của bệnh nhân. Thí nghiệm trên chuột đã thành công khi các sợi tóc mọc lên từ phần da người được ghép trên chuột.

Kỹ thuật này không chỉ mang lại lợi ích cho nam giới đang bắt đầu bị hói. Mà còn là tin vui cho những phụ nữ bị rụng tóc không thể áp dụng những biện pháp cấy tóc hiện có do không đủ nang tóc.

Cẩm Tú

Tổng hợp

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây