Có lẽ ít nhất 1 lần trong đời, bạn có một vấn đề rắc rối nào đó về sức khỏe. Chẳng hạn, bạn mua thuốc uống, bình thường uống 1 đợt là hết ngay, thế mà lần này uống chẳng thấy thuốc phát huy tác dụng gì, thế rồi bạn lại tự trách “hay là mình mua nhầm thuốc dỏm”?
Lỗi không phải ở thuốc
Trong những tình huống như vậy, đôi khi thuốc bị “oan ông địa”. Có thể lỗi không phải ở thuốc mà là do chính hàm lượng axít có trong cơ thể của bạn “thọc gậy” vào đường đi của thuốc. Hiện tại, số người bị mất cân bằng axít trong cơ thể ngày một gia tăng do xu hướng ăn uống kiêng khem để có một thân hình “bốc lửa” hoặc là do lối sống công nghiệp vội vã khiến người ta cứ chọn những loại thức ăn nhanh để tiết kiệm thời gian. Những loại thức ăn này chứa đầy hóa chất độc hại sẽ “rút ruột” các hóa chất tự nhiên tồn tại trong cơ thể.
Sự tích lũy quá mức axít trong cơ thể hay còn gọi là nhiễm toan (acidosis) xảy ra khi nồng độ các chất kiềm trong cơ thể bị thiếu hụt để có thể trung hòa lượng axít thặng dư trong cơ thể. Chất kiềm trong cơ thể là những thành phần tự nhiên có tác dụng “bình định” lượng axít thặng dư. Khi cơ thể quá nhiều axít thì chúng sẽ len lỏi vào các mô, khớp và các cơ quan nội tạng để mà sinh sự, lúc ấy, cơ thể sẽ bị nhiễm toan.
Thật là không may, sự nhiễm toan rất khó chẩn đoán vì triệu chứng không có gì đặc trưng, nó giống hệt như triệu chứng của các loại bệnh phổ biến khác. Đó là các triệu chứng như mệt mỏi, khó chịu, nhức đầu, thay đổi tâm trạng, da nổi mẩn, buồn nôn, cơ thể mất nước... Những triệu chứng ít xuất hiện hơn của sự nhiễm toan bao gồm sưng nướu răng, đau miệng, môi nứt nẻ...
Sự nhiễm toan còn có thể gây ra những loại bệnh tật khác nguy hiểm hơn và việc trị liệu sẽ gặp nhiều khó khăn. Các bệnh như trầm cảm, béo phì, loãng xương, đau khớp, tim mạch... càng trở nên “bát nháo” hơn do sự tích lũy axít trong cơ thể. Bởi axít luôn “phá bĩnh” cácquá trình xử lý thuốc của cơ thể cho nên những người bị nhiễm toan cảm thấy một số loại dược phẩm mà họ sử dụng chẳng có một chút “ép phê” nào.
Cân bằng trạng thái tinh thần và cảm xúc
Để biết một người có bị nhiễm toan hay không, xét nghiệm nước tiểu để xác định giá trị pH. Hiện các nhà thuốc tây cũng đã có bán những loại que thử nước tiểu để xác định giá trị pH mà khách hàng có thể sử dụng tại nhà. Giá trị pH lý tưởng nhất là từ 6.0 đến 7.0.
Sau khi thử nước tiểu và xác định là bạn bị nhiễm toan (với pH nhỏ hơn 6) thì bạn phải hành động tức thì, cần thay đổi khẩu phần dinh dưỡng có nhiều yếu tố kiềm nhằm trung hòa lượng axít thặng dư trong cơ thể. Thực phẩm giàu tính kiềm bao gồm các loại rau cải xanh, các loại hạt, các thực phẩm chứa nguồn chất béo tốt như dầu ô-liu, trái bơ... Cần hạn chế những loại thực phẩm có tính axít cao như thịt, giấm, sữa, thức ăn nhanh, nước giải khát có gaz, chứa nhiều đường...
Cần phải kiểm tra pH thường xuyên và giữ chế độ dinh dưỡng giàu tính kiềm cho đến khi pH trở lại giá trị lý tưởng. Thậm chí cho dù ngay sau khi đạt được giá trị pH lý tưởng, bạn cũng cần nên duy trì chế độ dinh dưỡng giàu tính kiềm và tránh xa các loại thực phẩm có nhiều tính axít.
Điều bạn cần lưu ý là trạng thái tinh thần và cảm xúc của bạn có một tác động vô cùng quan trọng đến tính axít hoặc kiềm trong cơ thể. Nếu bạn có cảm xúc bi quan sẽ làm tăng axít trong cơ thể cũng như axít niệu. Stress sẽ tạo nên axít cơ thể và axít này càng làm cho stress trở nên trầm trọng hơn, vòng luẩn quẩn đó có thể được cắt đứt bằng cách nghỉ ngơi, thiền, bổ sung những thức ăn và thức uống có tính kiềm...
Theo DS Nguyễn Bá Huy Cường
Người lao động
Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...