6 thói quen bảo vệ cột sống của bạn

Thứ tư - 26/02/2014 11:35 - Đã xem: 931
Cột sống bị suy yếu sẽ gây trở ngại cho toàn bộ hệ thống thần kinh, dẫn đến một loạt các vấn đề về sức khỏe như đau lưng, đau cơ, tê liệt toàn thân,...

1. Luôn giữ cơ thể ở tư thế đúng

Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trường Đại học San Francisco (Mỹ) cho thấy những người thường xuyên đi, đứng, ngồi ở tư thế sai lệch hay mắc các bệnh trầm cảm, thừa cân, ợ chua, đau nửa đầu, lo lắng và bệnh về đường hô hấp hơn những người có tư thế đúng.

Các bác sĩ về cột sống cũng cho biết việc thường xuyên đi, đứng, ngồi ở tư thế sai lệch quá mức sẽ gây tê mỏi các hệ cơ xung quanh cột sống, dẫn đến tình trạng đau lưng, giãn dây chằng, đau cột sống kéo dài.

Nếu chúng ta cứ lặp đi lặp lại tư thế sai lâu ngày sẽ dẫn đến tổn thương mặt khớp, gây thoái hóa cột sống, tổn thương các đĩa đệm, yếu cơ, vẹo cột sống…

Tư thế đúng không có nghĩa là luôn giữ cho cột sống hoàn toàn thẳng mà là duy trì được độ cong sinh lý của cột sống ở vùng cổ và vùng thắt lưng. Đối với người làm việc cả ngày ở tư thế ngồi, cần thả lỏng chân chạm đất, lưng tựa vào ghế để phần thân trên hơi ngả về sau.

Cột sống bị suy yếu sẽ gây trở ngại cho toàn bộ hệ thống thần kinh.

 

Chọn ghế ngồi vừa tầm để chân có thể chạm đất thoải mái, nếu ghế quá cao thì cần tìm kê chân. Máy tính nên đặt ngang tầm mắt để đầu không phải cúi xuống hay ngước lên. 

Tư thế đi, đứng đúng là đầu, vai và hông phải được giữ thăng bằng tự nhiên theo cơ thể trên trục thẳng. Khi muốn nhặt đồ vật dưới đất thì nên ngồi xuống để nhặt, tránh khom cúi quá mức.

2. Thở bụng sâu để tăng tính đàn hồi của dây thần kinh cột sống

Việc hít thở bình thường chỉ sử dụng một phần cơ hoành và cơ ở lồng ngực còn thở bụng có thể vận dụng cả cơ bụng, cơ đáy chậu và hệ thống dây thần kinh cột sống.

Khi hít sâu, thở ra thật chậm và từ từ ép sát bụng dưới vừa có tác dụng xoa bóp nội tạng, thúc đẩy khí huyết đến tất cả các cơ quan trong cơ thể, cả những nơi mà trong điều kiện hít thở bình thường khó đạt đến. Nhờ vậy mà hệ thống cơ hoành, cơ ngực, cơ hông và các cơ vùng đáy chậu đều hoạt động tích cực khi thở bụng.

Ngoài ra, việc thực hiện thở bụng nhiều lần trong ngày có thể cải thiện tư thế và sức khỏe cột sống vì hít thở bụng sâu tăng độ nhanh nhạy và sự đàn hồi của dây thần kinh cột sống, giúp giảm đau và tạo cảm giác thư giãn, thoải mái.

3. Thực phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến cột sống

Ít ai nghĩ rằng chế độ ăn uống lại ảnh hưởng đến cột sống của chúng ta, nhưng thực tế bữa ăn hằng ngày lại góp phần quan trọng trong việc duy trì sức khỏe cột sống. Một chế độ dinh dưỡng đủ protein, chất béo và trái cây tươi rất cần thiết để giữ cơ thể không bị thừa cân và bổ sung cơ bắp cho cột sống.

Để cải thiện tình trạng cột sống bị suy yếu, nhất là khi bị đau lưng do giãn dây thần kinh cột sống, chúng ta cần phải bổ sung đa dạng các loại vitamin như B-complex (cung cấp 7 vitamin nhóm B cần thiết cho quá trình chuyển hóa carbohydrate) và chất béo Omega-3 (có nhiều trong cá hồi, cá trích, cá thu và một số loại cây, quả như rau tía tô, trái kiwi…).

 

Ngồi thiền giúp kéo thẳng gai cột sống một cách tự nhiên.

 

 

4. Tạo điều kiện để cơ thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mỗi ngày
 
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh ánh sáng mặt trời có một tác dụng tốt lên các cơ quan trong cơ thể, nhất là hệ miễn dịch, mắt và cột sống. Ánh sáng mặt trời cung cấp năng lượng cho toàn bộ cơ thể, giúp xua đi cảm giác mệt mỏi, tăng sự hào hứng trong công việc và sinh hoạt thường ngày.
 
Trẻ em có thời gian vui chơi ngoài trời mỗi ngày sẽ giúp hạn chế bị các tật khúc xạ của mắt. Ngoài ra, ánh sáng mặt trời có chứa vitamin D, rất cần thiết cho xương nói chung và cột sống nói riêng. Vì vậy, mỗi ngày chúng ta nên dành từ 10 đến 20 phút ra ngoài trời để tận hưởng ánh nắng, nhất là vào buổi sáng.
 
5. Ngủ đủ giấc và đúng tư thế
 
Nghiên cứu cho rằng những người thiếu ngủ dễ bị đau lưng và các bệnh về cột sống cổ hơn những người ngủ đủ giấc. Vì vậy, chúng ta cố gắng dành từ sáu đến tám tiếng cho giấc ngủ mỗi đêm.
 
Tư thế ngủ đúng là tư thế thẳng, gối đầu thấp vì tư thế này ít tạo áp lực lên cột sống nhất. Tránh tiếp xúc với bất kỳ thiết bị điện tử trước khi đi ngủ, nhất là tivi và điện thoại di động.
 
6. Luyện tập thiền mỗi ngày
 
Ngoài những tác động tích cực của thiền đối với sức khỏe cột sống mà các nghiên cứu về xương khớp đã chứng minh, thiền định còn có thể khôi phục sự tỉnh táo, cải thiện tâm trạng, tăng năng suất hoạt động thể chất và tinh thần đồng thời giúp kéo dài tuổi thọ.
 
Những người luyện tập thiền thường xuyên có xu hướng tập trung vào bên trong tâm trí và cơ thể, điều đó giúp kéo thẳng gai cột sống một cách tự nhiên.
 
Chúng ta nên cố gắng dành ra 10 phút hoặc lâu hơn mỗi ngày để thực hiện các bài tập thiền động hoặc tĩnh, đặc biệt là khoảng thời gian nghỉ ngơi giữa giờ làm việc./.

Nguồn tin: giaoduc.net.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây