Cầm chân huyết áp không quá khó

Thứ hai - 19/10/2015 22:33 - Đã xem: 722
Khỏi cần dông dài, ai cũng rõ hậu quả nghiêm trọng của cao huyết áp nếu không được điều trị kịp thời. Éo le ở điểm ngay cả với quốc gia có nền y tế tiên tiến là số người không được chẩn đoán và điều trị cao huyết áp đúng lúc vẫn tiếp tục chiếm đa số mặc dù thao tác phát hiện huyết áp cao chỉ mất vài phút.

Tuy thầy thuốc không thiếu thuốc đặc hiệu nhưng số người suy thận, thoái hóa võng mạc, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, bệnh Alzheimer… vẫn tăng chứ không giảm.

Đáng nói hơn nữa là kết quả của công trình nghiên cứu nhiều năm với cả trăm ngàn bệnh nhân ở Thụy Điển và Anh cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa bệnh cao huyết áp và ung thư. Tình trạng này càng nghiêm trọng hơn nữa nếu bệnh nhân, bên cạnh huyết áp cao, còn là nạn nhân của tình trạng tăng mỡ máu, béo phì và đái tháo đường!

 

 

 

Vấn đề không chỉ có thế. Theo Học viện Robert Koch ở CHLB Đức, cao huyết áp sở dĩ nghiêm trọng không chỉ vì hậu quả mà do bệnh đang phát tán, dù không lây lan với khuynh hướng gõ cửa người hãy còn quá trẻ thay vì là bệnh ở người cao tuổi như vài thập niên trước đây. Nếu ở Đức, nơi cuộc sống chắc chắn khó căng thẳng như tại xứ mình, có phân nửa số người trong độ tuổi 35 - 55 là nạn nhân của cao huyết áp thì con số bệnh nhân ở bên ta không thể thấp hơn. Khó không chỉ ở chỗ 2/3 những người này không có triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt… trong mấy năm đầu. Khó không vì gần phân nửa trường hợp tai biến mạch máu não hay nhồi máu cơ tim không có dấu hiệu báo động nên cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân đều trở tay không kịp. Nhiêu khê là vì nếu ở Đức vẫn còn 60% số người bị cao huyết áp không chủ động tham gia chương trình tầm soát bệnh tim mạch định kỳ thì khỏi cần coi bói cũng biết bao nhiêu người ở xứ mình chưa chịu đo huyết áp để phát hiện bệnh!

Đáng tiếc là tuy phải điều trị lâu dài, thậm chí suốt đời nhưng phương án cầm chân huyết áp lại không quá phức tạp. Theo chuyên gia ở ĐH Maryland, nguyên tắc dự phòng biến chứng nghiêm trọng của căn bệnh này lại trùng hợp với một tiêu chí “vàng” của thầy thuốc đông y. Đó là “chữa bệnh khi bệnh chưa phát”. Muốn vậy, theo các nhà nghiên cứu ở Maryland, đừng quên 2 chuyện:

- Nhớ cười cho thường vì nội tiết tố endorphine được tuyến yên phóng thích khi hả hê là khắc tinh của tình trạng xơ vữa mạch máu. Mạch máu không co thắt thái quá, thành mạch không chai cứng, dòng máu không đậm đặc thì huyết áp chắc chắn phải trong định mức bình thường.

- Đừng quên có nấm thường xuyên trên bàn ăn. Khéo hơn nữa là áp dụng các loại nấm “thuốc” như linh chi, đông cô, hầu thủ, thái dương… nếu không thường xuyên thì định kỳ vì hoạt chất trong nấm là thuốc điều chỉnh huyết áp. Điều chỉnh bao giờ cũng khéo hơn hưng phấn hay ức chế.

 

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng

Nguồn tin: Người Lao Động

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây