Ngôi nhà di chuyển
Trước mắt chúng tôi là ngôi nhà 4 tầng (tính cả tầng ngầm) của bà Lê Thị Bích Nga (tổ dân phố 1 Phú Lộc Đông, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đang trong “tư thế” sẵn sàng di chuyển. Nền nhà được bới tung, trơ khung bê tông. Nền đất phía sau nhà là đích đến, đã được đúc 2 đường băng sẵn sàng đỡ lấy ngôi nhà. 3 ống thủy lực lừng lững với nhiều dây cáp chằng chịt đang chờ vào cuộc. Nhóm thợ ai vào việc nấy. Hàng trăm người dân hiếu kỳ mắt không rời khỏi ngôi nhà...
Chiếc máy nổ được khởi động, tiếng ầm ào của nó lúc lên cao, lúc xuống thấp mỗi khi anh Nguyễn Trung Nhạn (được ví như tổng chỉ huy) điều khiển ga. Cả tòa nhà rung lên. Người ta nhận thấy mọi vật liên quan bắt đầu chuyển động. Những ống sắt chèn dưới đất thay cho con lăn đang xoay tít. Một tấc, hai tấc... rồi 8 tấc. Bỗng một tiếng “ầm” rung chuyển như có tiếng nổ trong lòng đất. Có ai đó kêu lên: “Dây cáp đứt rồi!”. Thế là việc dời nhà phải tạm dừng. Tốp thợ chia nhau ra khắc phục sự cố hỏng hóc của trang thiết bị...
Nhà bà Nga trước khi di dời.
Cụ Nguyễn Hưng (thôn Phú Ân Bắc, xã Diên Phú) không giấu được sự ngạc nhiên: “Tôi đã gần 80 tuổi. Đây là lần đầu nhìn thấy điều không thể tưởng. Trước đây, tôi đã thấy việc di dời nhà qua ti vi (cảnh kéo nhà qua một cánh đồng ở tỉnh Long An), nhưng hôm nay mới được tận mắt chứng kiến, quả thật là mãn nhãn...”. Cụ Hưng cho biết, mình liên tục theo dõi việc dời nhà trong mấy ngày qua. Hôm trước, ngôi nhà của ông Nguyễn Đông Hải cách nhà bà Nga 2 căn cũng đã được di dời an toàn trước sự chứng kiến của hàng trăm người.
“Tổng chỉ huy” Nguyễn Trung Nhạn cho biết, di dời nhà không hề đơn giản, đặc biệt là những ngôi nhà cao tầng. Khi lực kéo đủ lớn, cả tòa nhà di chuyển nhưng chỉ cần vướng nhà 2 bên là dây cáp đứt ngay, phải thay mới lại. Ngôi nhà của ông Nguyễn Đông Hải phải mất 3 ngày mới di chuyển thành công vào vị trí mới, cách vị trí cũ 10 m.
Trao gửi niềm tin
Thời gian này, khi tuyến Quốc lộ 1A mở rộng, chủ những ngôi nhà cao tầng ở hai bên đường không khỏi lo lắng. Ông Nguyễn Đông Hải tâm sự: “Khi nghe mở rộng Quốc lộ 1A, chúng tôi rất lo, bởi nếu lùi nhà vào trong phải cắt bỏ mặt tiền, như vậy sẽ xấu ngôi nhà, làm hỏng cả phòng khách, không chỉ 3 tầng từ trên xuống đều bị cắt mà còn làm cả ngôi nhà bị chấn động mạnh...”. Sau 2 đêm trằn trọc, ông bỗng nhớ đến người cháu đang làm việc tại TP.HCM có lần đã nhắc đến một người có tài dời nhà. Thế là ông Hải gọi điện nhờ cháu liên hệ.
Tuy đã ký hợp đồng để dời nhà, nhưng những ngày tốp “thần đèn” từ TP.HCM ra làm việc, ông Hải vẫn rất lo lắng bởi chưa bao giờ tận mắt thấy việc dời nhà. “Lúc dời nhà, tôi rất lo. Nhà kéo được 2 tấc nhưng đứt cáp tới 3 lần. Công việc dời nhà không dễ dàng, chỉ cần vướng gì đó là dây cáp đứt ngay. Nhà của tôi do vướng nhà bên cạnh nên phải kéo dịch ra dịch vào nhiều lần...” - ông Hải nói.
Ngôi nhà di chuyển trên những con lăn.
Bây giờ, ngôi nhà của bà Nga cũng đã được dời đến vị trí mới, cách lề đường 10 m. Cả gia đình đã thở phào nhẹ nhõm. Bà Nga cũng mất ăn mất ngủ về chuyện dời nhà. “Không lo sao được, đưa khối bê tông nặng hàng trăm tấn di chuyển, ai biết có sự cố gì hay không? Nhưng hôm nay, cả căn nhà đã yên vị, tôi không còn lo nữa. Công việc còn lại của nhóm thợ là hoàn thiện, kiên cố các hạng mục ngầm và hoàn trả tầng trệt, nơi làm bếp và công trình phụ của căn nhà...”, bà Nga chia sẻ.
Ông Hải cho biết thêm: “Đến bây giờ, tôi hoàn toàn tin tưởng về chuyện dời nhà của nhóm thợ này. Căn nhà của tôi đã xê dịch khỏi nơi cũ cả chục mét nhưng chẳng hề hấn gì, không một đường rạn nứt mà còn đang được gia cố để nó vững chãi hơn trước. Trước đây, trụ đúc 20 cm, kiềng 2 bên; hiện nay đang gia cố lên 40 cm và kiềng rộng ra 4 phía...”.
Cha truyền con nối
“Tổng chỉ huy” Nguyễn Trung Nhạn kể: Bố anh là “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy (năm nay đã 68 tuổi, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp). Ông vốn là một thợ hồ giàu sức sáng tạo. Do quê anh thường bị nước lũ tràn qua, những ngôi nhà gỗ giữa đồng dễ bị lũ cuốn nên việc di dời nhà được xem là giải pháp hữu hiệu. Trăn trở từ thực tế đó, ông đã nảy ra cách làm mới trong di dời nhà và dần dần bổ sung kinh nghiệm cho riêng mình.
Đến nay, việc di dời nhà không còn quá xa vời, thậm chí ông có thể di chuyển những tòa nhà lớn như: nhà hàng, khách sạn, công trình phải vượt qua nền đất lún hay ao hồ phức tạp. Các công trình mà “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy đã di dời là miếu Bà Chúa Xứ ở Tân Châu lùi 30 m, nâng cao 70 cm, nặng 200 tấn; Bửu Tháp ở An Giang cao 10 m phải chống lại cho thẳng; rồi một nhà phải dời qua một cái ao trong khuôn viên nhà thờ Tân Hòa, Phú Nhuận...
Nhà bà Nga đã lùi vào trong 10 m.
Được biết, bây giờ, “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy đã thành lập Công ty TNHH Xây dựng cầu đường và thủy lợi Cẩm Lũy tại quận Bình Tân, TP.HCM. 4 người con trai của ông Lũy đều theo nghiệp cha. Tuy chưa qua trường lớp nào về xây dựng, nhưng các con của ông đã kế thừa kinh nghiệm của cha, có thể tự đảm đương công việc.
Trước khi ra nghề, hàng ngày, anh Nguyễn Trung Nhạn cũng như các anh em theo cha đến công trình học hỏi, tìm tòi. Đến bây giờ, ai nấy đều có thể trụ vững với vai trò của một “tổng chỉ huy”. Được biết, anh Nhạn đã thực hiện di dời 200 - 300 căn nhà và đều an toàn tuyệt đối. “Trước đây, tôi đã di dời một căn nhà rất phức tạp ở TP.HCM. Căn nhà này đòi hỏi phải xoay chuyển 180 độ so với trước. Lúc đầu, tôi rất lúng túng, nhưng rồi các anh em cùng nghiên cứu và đưa ra cách làm khả thi. Cuối cùng, căn nhà cũng được di chuyển ưng ý chủ nhà...” - anh Nhạn nói.
Nhóm thợ 12 người của anh Nhạn ra Nha Trang luôn được chủ nhà yêu mến bởi tính cách của họ. Ông Hải đánh giá: “Họ làm việc rất cần cù, cả ngày không mất một tiếng nói, ai cũng chăm làm, dễ mến...”. Chúng tôi được biết, những ngày tới, nhóm thợ vẫn còn tiếp tục công việc hoàn thiện những hạng mục cuối trước khi bàn giao nhà cho ông Hải, bà Nga.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...