Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kenji Harada mô tả tình hình an ninh ở Đông Á ngày càng trở nên “nghiêm trọng” và cảnh báo căng thẳng giữa Nhật và Trung Quốc liên quan đến quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông đã leo thang đến mức nguy hiểm, theo trang tin The Washington Free Beacon (Mỹ) ngày 16.2.
“Tình hình cực kỳ nguy hiểm”, ông Harada trả lời phỏng vấn về việc Trung Quốc nỗ lực thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, bao gồm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, chồng lấn ADIZ của Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông Harada nói: “Chúng tôi sẽ phải sẵn sàng phản ứng trước tình hình này”.
Tàu và máy bay Trung Quốc tăng cường lảng vảng ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư kể từ khi nước này đơn phương tuyên bố thành lập ADIZ vào năm 2013. Các chiến đấu cơ F-15 của Nhật Bản thường xuyên được điều động để chặn máy bay Trung Quốc.
Ông Harada cho hay Bắc Kinh đang áp dụng chiến lược “Chiến tranh thông tin”, thường sử dụng truyền thông nhà nước vẽ lên bức tranh sai sự thật về Nhật Bản, để nhiều người lầm tưởng Nhật vẫn theo chủ nghĩa quân phiệt như thời Chiến tranh thế giới thứ 2.
“Chúng tôi nhận thấy Trung Quốc đang sử dụng chiến lược tam chiến”, ông Harada cho hay.
“Tam chiến” đã được nêu ra trong báo cáo của Lầu Năm Góc hồi năm 2014. Theo báo cáo Lầu Năm Góc, Trung Quốc dùng chiến lược “tam chiến” bao gồm: Chiến tranh tâm lý (Psychological warfare), Chiến tranh thông tin (Media warfare) và Chiến tranh pháp lý (Legal warfare).
Bộ trưởng Harada bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc cho rằng Nhật Bản đang vực dậy chủ nghĩa quân phiệt, gọi đây là cáo buộc “vô căn cứ”. “Đây chỉ là một phần của chiến tranh thông tin mà Trung Quốc đang tiến hành”, ông Harada nói.
“Kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản đã nỗ lực trở thành một quốc gia hòa bình, và theo hiến pháp hòa bình Nhật Bản chúng tôi chỉ có quyền phòng vệ và không bao giờ trở thành một quốc gia đe dọa nước khác”, theo ông Harada.
Khu trục hạm Yuudachi của Nhật Bản - Ảnh: Reuters |
Nhật Bản cũng tiếp tục duy trì tình trạng một cường quốc không vũ khí hạt nhân và không phát triển vũ khí hạt nhân mặc cho mối đe dọa tấn công bằng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân từ Triều Tiên và Trung Quốc, ông Harada cho biết.
Việc Nhật Bản tăng cường lực lượng quân sự là trọng tâm trong các chính sách của chính quyền Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhằm ứng phó trước những mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc.
Quốc hội Nhật Bản hồi tuần rồi tranh luận về ngân sách quốc phòng nước này, dự kiến sẽ tăng từ 39,5 tỉ USD năm 2014 lên 41 tỉ USD trong năm 2015.
Ngược lại, Trung Quốc cũng đã tuyên bố tăng 10% ngân sách phòng, ước tính lên đến 142 tỉ USD vào năm 2015.
“Nhật Bản đang đối mặt với mối quan ngại an ninh thật sự từ sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc”, ông Harada nói.
Tăng cường lực lượng quân sự
Quân đội Nhật Bản, được biết đến với cái tên Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF), đang tiến hành tăng cường lực lượng quân sự, theo The Washington Free Beacon.
JSDF đã đặt hàng mua 46 chiến đấu cơ tân tiến F-35, hai khu trục hạm được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis của Mỹ, tăng số lượng tàu ngầm từ 16 lên 22, và nâng cấp các hệ thống phòng thủ tên lửa. Quân đội Nhật cũng sẽ nhận được các máy bay do thám không người lái Global Hawk của Mỹ trong vòng hai năm tới.
Chính phủ Nhật Bản đã tạo ra một đơn vị chính sách cấp cao gọi là Hội đồng An ninh quốc gia tương tự như Mỹ, bao gồm các quan chức cấp cao và lực lượng nhân viên có nhiệm vụ điều phối, phối hợp các chính sách an ninh và quốc phòng.
Tokyo cũng đang cân nhắc thiết lập cơ quan tình báo nước ngoài có mô hình hoạt động như Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) hay cơ quan tình báo Anh MI-6.
Một số thay đổi chính sách gần đây cũng cho phép Nhật Bản tăng cường sử dụng vệ tinh và khí tài không gian để phòng vệ.
Chính quyền ông Abe còn tăng cường sức mạnh khối đồng minh với các quốc gia then chốt bao gồm Ấn Độ, Úc, các nước Đông Nam Á, Hàn Quốc và nhất là Mỹ để đối phó với Trung Quốc.
Ông Narushige Michishita, chuyên gia an ninh quốc gia thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản, cho hay Tokyo tăng cường lực lượng quân sự là cần thiết để đối phó với những thách thức mới và những mối đe dọa từ Trung Quốc.
Máy bay do thám không người lái Global Hawk của Mỹ - Ảnh: Reuters |
Trung Quốc trong nhiều thập niên qua liên tục tăng ngân sách quốc phòng và bành trướng sức mạnh quân sự buộc Nhật Bản cũng phải thích nghi với những mối đe dọa an ninh mới trong khu vực, theo ông Harada.
Nhật Bản đang phối hợp với Mỹ phát triển các vũ khí có thể đối phó với “chiến lược chống tiếp cận và phong tỏa khu vực” của Trung Quốc, bao gồm tàu ngầm, tên lửa và máy bay nhằm mục tiêu kiểm soát những tuyến đường biển chiến lược gần Trung Quốc. Ông Harada cho biết thêm Trung Quốc đang xây dựng căn cứ quân đội ở đảo Nanji của Trung Quốc cách quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư khoảng 300 km. Điều này khiến lực lượng Nhật Bản phải liên tục theo dõi những hoạt quân sự của Trung Quốc, ông Harada cho biết thêm.
Các quan chức Nhật Bản và Trung Quốc dự kiến sẽ gặp gỡ vào ngày 19.3 tới, hội đàm về vấn đề thiết lập “cơ chế liên lạc” để giải quyết những vụ tranh chấp trên không và trên biển trong khu vực, theo The Washington Free Beacon.