Thủ tướng nói đúng ý dân

Chủ nhật - 25/05/2014 07:34 - Đã xem: 1124
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội - khẳng định với phóng viên Báo Người Lao Động như vậy về bài trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Phóng viên: Ông nhìn nhận thế nào khi trong bài trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Không chấp nhận đánh đổi độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển thiêng liêng để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”?

- Ông Nguyễn Quốc Thước:

Lần đầu tiên lãnh đạo nước ta có thông điệp mạnh mẽ như vậy. Đây không còn là thông điệp của nhà nước mà là xác định đúng ý chí của trên 90 triệu dân Việt Nam và hơn 5 triệu kiều bào trên thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đại biểu tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế giới về Đông Á ở Philippines Ảnh: Đức Tám
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đại biểu tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế giới về Đông Á ở Philippines Ảnh: Đức Tám

Đây chính là những điều nhân dân nghĩ và mong muốn trong suốt những ngày qua. Khi bài báo được đăng trên mạng, mọi người dân đều xem đây là tâm thế của mình chứ không chỉ là việc của nhà nước. Ý chí của toàn dân tộc là không chịu lùi bước trước âm mưu của Trung Quốc. Mong rằng Thủ tướng cũng với quan điểm này để tiến hành cuộc đấu tranh pháp lý, ngoại giao đẩy lùi sự xâm phạm của Trung Quốc một cách quyết liệt. Chúng ta hết sức tránh việc phải dùng hành động quân sự vì chúng ta có đủ sức mạnh của dân, sức mạnh của pháp lý, đặc biệt là sức mạnh của các nước đang bị Trung Quốc chèn ép bằng “đường lưỡi bò” .

Cũng trong cuộc họp báo giữa Thủ tướng và Tổng thống Philippines cho thấy trả lời báo chí của Thủ tướng đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nước bạn và là ý nguyện của nhân dân hai nước.

Việt Nam luôn cố gắng gìn giữ hòa bình, hữu nghị song như Thủ tướng trả lời là “Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói”?

- Như Thủ tướng nói, chúng ta không đánh đổi chủ quyền thiêng liêng để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc. Nhưng chúng ta vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân hai nước, chỉ có nhà chức trách Trung Quốc là không tôn trọng điều này. Họ đã lừa chúng ta, lừa chính nhân dân họ. Chúng ta cũng trân trọng tình hữu nghị của mọi dân tộc khác nhưng phải trên cơ sở chủ quyền quốc gia không thể thay đổi.

Trong lịch sử, nhà nước Trung Quốc đã không ít lần làm mất lòng tin và phạm vào nguyên tắc láng giềng tốt đẹp giữa hai nước. Vậy vụ giàn khoan Hải Dương 981 có phải là bước ngoặt để chúng ta xem xét lại mối quan hệ giữa hai nước?

- Việt Nam tôn trọng quan hệ hữu nghị, láng giềng tốt đẹp với họ, luôn làm đúng cam kết này và chúng ta cũng cần họ làm đúng những điều đã nói. Nhưng đã nhiều lần họ nói một đằng làm một nẻo, nói trái, làm sai còn vu khống chúng ta. Như Thủ tướng nói “không cần cái hữu nghị viễn vông”, tôi rất ủng hộ.

Không có tình hữu nghị nào mà phạm vào chủ quyền nước bạn. Từ năm 1974 thì đánh chiếm Hoàng Sa; năm 1979 gây hấn biên giới phía Bắc; năm 1988 thì cướp đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin; năm 2012 thì cắt cáp quang hay liên tục đánh, phá hoại tài sản của ngư dân ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và nay thì đưa giàn khoan ra khu vực thuộc thềm lục địavùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tôi nghĩ họ luôn âm mưu và có chiến lược rõ ràng về tham vọng “đường lưỡi bò”. Vì thế, chúng ta phải có đối sách đúng đắn và phù hợp.

Ông Nguyễn Quốc Thước nói: “Tôi đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cần có sự chủ động cần thiết, về kinh tế cũng cần phải lượng định hết mọi tình huống để có nước đi phù hợp. Từ Chính phủ đến các địa phương, đã và tiếp tục khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư Trung Quốc; tăng cường mở rộng và thắt chặt quan hệ, hợp tác hơn nữa với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ...

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu nhiên và Nhi đồng của Quốc hội - ông Lê Như Tiến:

Chúng ta có chính nghĩa

Tôi ủng hộ phát biểu của Thủ tướng khi khẳng định “Trung Quốc nói không đi đôi với làm” và thái độ của chúng ta không để đánh đổi chủ quyền thiêng liêng lấy hữu nghị viển vông và lệ thuộc.

Chúng ta kiên trì chủ động đấu tranh bằng pháp lý, tránh xảy ra xung đột ở mức cao nhất. Đằng sau Việt Nam là cả thế giới tiến bộ. Thông điệp của Thủ tướng một lần nữa khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của chúng ta và bảo vệ bằng mọi giá. Đây là thông điệp rất rõ ràng và nhất quán.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc:

Mong muốn hòa bình nhưng phải bảo vệ chủ quyền

Trong thời gian dài, chúng ta rất trọng tình hòa hiếu bởi giữ được sự hòa hiếu cũng là giữ được môi trường ổn định để phát triển. Thông điệp của Thủ tướng nói rõ chúng ta luôn mong muốn hòa bình nhưng đương nhiên phải bảo vệ chủ quyền quốc gia. Chủ quyền của chúng ta đặt trên nền tảng là những bằng chứng lịch sử, pháp lý, những cam kết, quy định của luật pháp quốc tế về biển Đông. Tất nhiên, nền hòa bình phải được xây dựng một cách vững chắc trên trách nhiệm của tất cả các quốc gia có liên quan.

Thủ tướng cũng khẳng định chúng ta rất muốn hòa bình, chúng ta rất muốn nhân nhượng nhưng nhân nhượng phải có giới hạn. Tôi cũng tán thành chúng ta có thể đưa sự kiện này ra quốc tế, trước hết là để công khai, minh bạch. Như Thủ tướng bày tỏ, đến nay, chúng ta đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh và nếu phân tích kỹ, hầu như tất cả những cuộc chiến tranh ấy đều không phải do chúng ta khơi mào. Chúng ta chỉ giữ một nguyên lý là độc lập và thống nhất đất nước, bảo vệ chủ quyền của mình và tôn trọng các quốc gia khác. Thực tế, nhiều quốc gia sau cuộc chiến tranh, chúng ta lại hòa giải được như Pháp, Mỹ...

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng,

Đại biểu quốc hội tỉnh Hải Dương:

Chỉ có Trung Quốc đơn phương dùng vũ lực

Chính phủ Việt Nam cam kết không sử dụng vũ lực trên biển Đông, mà chỉ có Trung Quốc làm điều này. Và khi Trung Quốc sử dụng vũ lực để xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam thì tất nhiên chúng ta cũng phải có quyền tự vệ của mình để bảo vệ chủ quyền. Trả lời của Thủ tướng là hoàn toàn đúng đắn. Khi bị xâm lược thì chúng ta phải chống trả, khi chúng ta bị đánh thì chúng ta phải tự vệ. Đó là bản năng, truyền thống của dân tộc ta từ trước đến nay. Tất nhiên, hơn 90 triệu dân trong nước và kiều bào ở nước ngoài sẽ ủng hộ.

Hành động của Trung Quốc là có mưu đồ sâu xa tham vọng làm chủ ở biển Đông bằng “đường lưỡi bò”. Tôi nghĩ thông điệp của Thủ tướng trong bài trả lời báo chí nước ngoài là rất rõ ràng, quan hệ giữa Việt Nam và các nước là bình đẳng, hai bên cùng có lợi. Chúng ta rất tôn trọng lẽ phải, tôn trọng quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm lãnh thổ của các nước trong khu vực và họ cũng phải làm như vậy. Trả lời của Thủ tướng là lời nhắc nhở Trung Quốc cần ghi nhớ và tôn trọng.

Ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam,

Đại biểu quốc hội tỉnh Phú Thọ:

Tinh thần đất Việt ngàn năm

Tôi rất vui bởi lần đầu tiên một nhà lãnh đạo có thông điệp rất mạnh mẽ, thể hiện được quan điểm nhất quán và ý chí của toàn dân Việt Nam. Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm cho dư luận thế giới thấy được chính nghĩa, nguyện vọng của nhân dân, nhà nước Việt Nam. Đồng thời, tùy theo tình hình để có những bước đi tiếp theo cũng như xác định quan hệ lâu dài và trước mắt với Trung Quốc.

Trên thực địa, chúng ta hết sức kiềm chế, trên ngoại giao, chúng ta sử dụng mọi kênh để đàm phán. Bạn bè quốc tế chúng ta cũng nói thật tình hình để mọi người thấy rõ, chia sẻ. Chúng ta cũng nêu lên tinh thần chủ quyền là thiêng liêng đối với mọi dân tộc và vì vậy, chúng ta sẽ làm hết sức mình để giải quyết. Hết sức kiên nhẫn nhưng đồng thời cũng có quyền chính đáng để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của đất nước. Đấy là truyền thống của dân tộc Việt Nam. Tinh thần của Thủ tướng nói lên cũng là tinh thần của ngàn năm đất Việt ứng xử với những vấn đề như thế.

Bảo Trân ghi

 

Thế Dũng thực hiện

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây