Từ Hà Nội vào Quảng Nam xin nuôi
Trong khi các chuyên gia vào cuộc phân tích khía cạnh pháp lý xung quanh vụ bỏ rơi bé gái khoảng 7 tháng tuổi trong thùng xốp bên vệ đường ở thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), thì cộng đồng lại quan tâm câu chuyện đời thường khác cũng nóng bỏng không kém.
Tính đến tối qua 21.10, bà Nguyễn Thị Sáu - Phó chủ tịch UBND phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) đã tiếp nhận khoảng 60 trường hợp xin đón bé gái về làm con nuôi.
“Người nhắn tin, người gọi vào số máy điện thoại cố định cơ quan, người dò tìm số di động. Có ông thậm chí đi tàu hỏa từ Hà Nội vào Quảng Nam gặp trực tiếp tôi đặt vấn đề”, bà Sáu kể.
Bà Sáu hiện lưu giữ nhiều tin nhắn, trong đó có tin nhắn rất xúc động của một người bất hạnh về đường con cái. “Anh đó tâm sự rằng, gia đình anh đầy đủ tiền bạc và không thiếu địa vị, chỉ mong có một đứa con thì ông trời lại không cho. Từ chiều hôm qua đến giờ, tự nhiên tôi có cảm giác rất khó tả khi nghĩ về chuyện người này mơ ước kiếm mụn con thì không được, người khác có lại đành đoạn mang núm ruột của mình vứt bỏ”, bà Sáu nói với PV Thanh Niên Online.
Ngay cả em gái ông Cam (người phát hiện và đang chăm sóc cháu bé) cũng tha thiết xin nhận con nuôi, vì chị lâm cảnh hiếm muộn đã hơn 10 năm nay, theo lời bà Sáu.
| | | Xã hội bây giờ khác lắm rồi, không quá khắt khe và sẵn sàng dang tay nâng đỡ. Tôi nghĩ bà mẹ nào đó đang gặp phải hoàn cảnh bất hạnh và giằng xé lương tâm lắm mới mang con mình ra bỏ ngoài thùng xốp. Nhưng trong cuộc sống, cần có bản lĩnh và niềm tin | | | Bà Nguyễn Thị Sáu | | |
Nhưng không phải sinh linh bé bỏng nào cũng gặp may. Bà Võ Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam, nhớ lại câu chuyện buồn về đứa trẻ bị bỏ rơi trong đêm mưa gió, đến khi phát hiện thì sức khỏe suy kiệt.
“Khoảng 6 năm trước có trường hợp như vậy. Con nít mới sinh mà bỏ ngoài cổng từ tối, sáng ra chúng tôi mới phát hiện thì bệnh tình nặng lắm rồi. Điều trị suốt 7 ngày trong bệnh viện nhưng không qua khỏi…”.
Đánh thức lương tri
Mới tháng 3.2015, lại có đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ bị ai đó mang đến bỏ trước cổng trung tâm của bà Hạnh đóng ở xã Tam Đàn (huyện Phú Ninh), vào ban đêm. Lần này, nhân viên bảo vệ kịp phát hiện.
Một địa chỉ của trẻ bất hạnh khác, Trung tâm Nuôi dưỡng và dạy nghề trẻ em đường phố Quảng Nam (đóng ở thành phố Tam Kỳ), hồi năm 2007 cũng đã đón một thành viên bất đắc dĩ.
Cô bé chừng 7 tháng tuổi, sau được đặt tên Trinh và lấy họ Nguyễn, do một tài xế taxi chở đến giao cho nhân viên bảo vệ trung tâm rồi im lặng bỏ đi. Có thể ai đó đã trả tiền cho “dịch vụ” vận chuyển này. Bây giờ, lại thêm câu chuyện buồn nữa được kể từ chiếc thùng xốp bên vệ đường ở phường Điện Ngọc.
Bà Nguyễn Thị Sáu phân tích thêm rằng, với bất cứ hoàn cảnh nào người mẹ cũng không nên đem đứa con mình vứt bỏ theo cách như vậy:
“Xã hội bây giờ khác lắm rồi, không quá khắt khe và sẵn sàng dang tay nâng đỡ. Tôi nghĩ bà mẹ nào đó đang gặp phải hoàn cảnh bất hạnh và giằng xé lương tâm lắm mới mang con mình ra bỏ ngoài thùng xốp. Nhưng trong cuộc sống, cần có bản lĩnh và niềm tin”.
Đứa bé thứ 2 bị bỏ rơi tại Điện Ngọc Tin từ UBND phường Điện Ngọc, khoảng 3 năm trước đã có trường hợp tương tự xảy ra ở khối phố Kim Minh. Qua xác minh, cháu bé khoảng 10 tháng tuổi bị bỏ rơi đó chính là con ngoài giá thú của một người đàn ông đã có gia đình với một phụ nữ ở quận Cẩm Lệ (thành phố Đà Nẵng). Cháu bé sau đó được giao trả lại cho mẹ ruột. |