Những năm qua, công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng đã góp phần thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, đáp ứng yêu cầu về quản lý đối tượng, quản lý kinh phí và thực hiện chính sách khác đối với người có công. Việc thực hiện chi trả trợ cấp cho đối tượng người có công không chỉ đơn thuần là chi tiền cho đối tượng mà còn phải đảm bảo yêu cầu quản lý đối tượng gắn với việc chăm sóc người có công trên địa bàn của các cấp chính quyền.
Vì vậy, việc thay đổi cơ quan chi trả trợ cấp cần phải được nghiên cứu, đánh giá và triển khai một cách thận trọng, tránh việc xáo trộn trong thực hiện chính sách đối với người có công trên địa bàn, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của đối tượng cũng như phong tục tập quán và trách nhiệm chăm sóc người có công của các cấp chính quyền địa phương.
Một số địa phương đề nghị thí điểm chi trả trợ cấp qua hệ thống Bưu điện, tuy nhiên cơ quan Bưu điện và các địa phương chưa có đề án, phương án triển khai cụ thể, chưa có đánh giá tác động, những ưu điểm và hạn chế, mức phí chi trả và các vấn đề liên quan đến cán bộ đang ký hợp đồng chi trả với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội nên chưa có căn cứ để triển khai thí điểm.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh Quảng Nam, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Đắk Nông xây dựng Đề án thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống Bưu điện để lấy ý kiến phản biện, đánh giá những ưu điểm, hạn chế... báo cáo Bộ xem xét, quyết định. Do vậy, trước mắt Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh tiếp tục thực hiện hình thức chi trả trợ cấp theo hướng dẫn của Bộ như hiện nay, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý đối tượng, đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp ưu đãi đối với người có công trên địa bàn.
Nguồn Chinhphu.vn