Phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng

Thứ ba - 20/01/2015 22:00 - Đã xem: 1634
Thời gian qua, với chức năng, nhiệm vụ của mình, đội ngũ làm công tác bảo tồn, bảo tàng cũng đã từng bước khai thác, phát huy hiệu quả những giá trị lịch sử của hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh...

Theo thống kê, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 6 di tích lịch sử cách mạng được xếp hạng quốc gia, đó là:  Ngục Đắk Mil; Căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV; Di tích lịch sử các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp do N’Trang Lơng lãnh đạo; Di tích lịch sử địa điểm bắt liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh – đoạn Nam Tây Nguyên đến Đông Nam bộ; Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm N’Trang Gưh; Địa điểm chiến thắng Đồi 722 – Đắk Sắk. Đây là một trong những “địa chỉ đỏ” thu hút khách du lịch cũng như phục vụ  nhu cầu tham quan, tìm hiểu về truyền thống đấu tranh của dân tộc của nhân dân trong tỉnh.

Du khách tham quan nhà trưng bày tại Nhà ngục Đắk Mil

 

Vì vậy, được sự quan tâm của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các di tích lịch sử cách mạng nói trên đã được đầu tư xây dựng, tôn tạo, đưa vào hoạt động phục vụ nhân dân cũng như đang được khoanh vùng nghiên cứu và từng bước được quy hoạch, bảo tồn. Đặc biệt, thời gian qua, với chức năng, nhiệm vụ của mình, đội ngũ làm công tác bảo tồn, bảo tàng cũng đã từng bước khai thác, phát huy hiệu quả những giá trị lịch sử của hệ thống di tích này.

Cụ thể, tại mỗi di tích, Bảo tàng tỉnh đều xây dựng nhà trưng bày, giới thiệu nội dung chính về lịch sử, văn hóa của từng di tích. Việc vận động người dân, cựu chiến binh đóng góp hiện vật liên quan đến di tích để trưng bày cũng được chú trọng, thông qua hình thức xã hội hóa và đã có hàng trăm hiện vật được hiến tặng.

Không những vậy, hàng năm, Bảo tàng tỉnh đều phối hợp với các địa phương, trường học trên địa bàn tổ chức cho đoàn viên, thanh niên, học sinh tham quan các di tích lịch sử cách mạng thông qua hoạt động “về nguồn”. Trung bình mỗi năm, có khoảng gần 2.000 đoàn viên, thanh niên, học sinh tham quan tại các di tích lịch sử này.

Đi đôi với công tác tôn tạo, trưng bày hiện vật thì công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ thuyết minh, cán bộ phụ trách chính ở các khu di tích cũng được chú trọng thực hiện. Tại các di tích được công nhận, chính quyền địa phương đều thành lập ban quản lý, tổ bảo vệ để gìn giữ an ninh trật tự cũng như nâng cấp hệ thống đường giao thông vào các di tích.

Chị Chu Thị Nga, cán bộ thuyết minh của Bảo tàng tỉnh tại Nhà ngục Đắk Mil cho biết: “Mỗi di tích lịch sử cách mạng đều góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ nhận thức được một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc và người làm công tác thuyết minh có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho du khách. Bởi vậy, tôi luôn tìm hiểu thêm sách ảnh, tài liệu liên quan để mở mang kiến thức nhằm có những bài thuyết minh ngắn gọn, thể hiện đúng và đủ giá trị lịch sử của từng di tích”.

Có thể nói, các di tích lịch sử cách mạng không những là “bằng chứng sống”, phản ánh các sự kiện lịch sử quan trọng, các phong trào đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước của nhân dân mà còn là tiềm năng du lịch độc đáo. Vì vậy, việc giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị của tiềm năng này có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Do đó, cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, các ngành chức năng, địa phương cũng đang nỗ lực nghiên cứu, đầu tư, có giải pháp phù hợp nhằm tôn tạo, phát huy những giá trị, ý nghĩa lịch sử của các điểm di tích. Đây là cơ sở để nâng cao sự hiểu biết cũng như tạo điều kiện để nhân dân hưởng thụ, giữ gìn các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Bài, ảnh: Gia Bình


Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây