Khi Bộ trưởng Thăng bất lực

Thứ sáu - 12/06/2015 03:27 - Đã xem: 779
Không khỏi ngỡ ngàng khi người hành động quyết liệt như Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng phải thốt lên rằng ông muốn “trảm” nhà thầu Trung Quốc yếu kém trong dự án đường sắt trên cao Hà Nội song đành… bất lực.

Chia sẻ của Bộ trưởng Đinh La Thăng làm nhiều người bất ngờ bởi ông nổi tiếng là vị “tư lệnh” ngành quyết đoán và quyết liệt. Ông từng không ít lần ra lệnh “trảm tướng” chỉ huy ngay trên công trường hay “cấm cửa” nhà thầu chậm tiến độ, chất lượng thi công không bảo đảm… Vậy mà lần này, Bộ trưởng Thăng phải “bó tay” với nhà thầu Trung Quốc, một nhà thầu có năng lực rất yếu kém.

Chẳng ai lạ gì sự yếu kém của Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc, hiện là tổng thầu của dự án đường sắt trên cao Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Không chỉ thi công chậm tiến độ, nhà thầu này còn không bảo đảm an toàn, kỹ thuật trong quá trình thi công, để xảy ra những vụtai nạn nghiêm trọng chết người. Chính Bộ trưởng Thăng sau một vụ tai nạn chết người đã nói thẳng rằng ông không muốn dự án này “là nơi thí điểm cho những người không đủ năng lực và thiếu lương tâm”.

Bởi thế, không khó hiểu sao được khi Bộ trưởng Đinh La Thăng lại không thể “trảm” nhà thầu yếu kém tới mức như vậy. Lý do của sự khó hiểu này, như chính ông cho biết là bởi sự ràng buộc các điều kiện trong hiệp định vay vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) để thực hiện dự án đường sắt trên cao. Vì vay vốn ODA của Trung Quốc nên tổng thầu thi công phải là công ty của nước này.

Sự bất lực của Bộ trưởng GTVT trước nhà thầu Trung Quốc yếu kém một lần nữa khiến chúng ta phải suy nghĩ trước cái giá của vốn ODA xưa nay vẫn được xem là nguồn vốn ưu đãi. Không ai phủ nhận vai trò và đóng góp của vốn ODA với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Nhờ có đồng vốn ưu đãi lãi suất thấp, thời gian vay dài mà chúng ta đã xây dựng nhiều công trình hạ tầng có vai trò rất to lớn trong việc thúc đẩy phát triển cả kinh tế lẫn xã hội, đặc biệt là các quốc lộ, đường cao tốc, cầu lớn… trên cả nước.

Tuy nhiên, đồng vốn ODA luôn có hai mặt. Bên cạnh mặt tích cực kể trên, khi vay vốn ODA buộc phải sử dụng từ tư vấn thiết kế tới nhà thầu thi công và vật tư của nước cho vay. Từ đây có thể đặt ra câu hỏi rằng với nhà thầu yếu kém như nhà thầu Trung Quốc thì liệu dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội có bảo đảm yêu cầu chất lượng, sau này đưa vào sử dụng có bảo đảm tuyệt đối an toàn… Trong trường hợp để xảy ra sự cố như đã xảy ra trong quá trình thi công thì có thể thấy rằng vốn ODA cho dự án tưởng rẻ song cái giá phải trả lại rất đắt.

Chúng ta vẫn rất cần vốn, nhất là vốn ưu đãi, để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Song, không thể cứ thấy rẻ là nhận mà cần tính toán lâu dài, lựa chọn được nguồn vốn thực sự hiệu quả, nhất là trong bối cảnh nợ công hiện đã lên tới ngưỡng nguy hiểm.

PHẠM DƯƠNG

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây