Hai đường vào bãi gỗ
Để đến được khu vực lâm tặc đang khai thác, tập kết gỗ, có hai đường đi. Đường thứ nhất xuất phát từ thôn Mường Chiến, xã Ngọc Chiến (H.Mường La) và phải mất gần 1 ngày leo rừng lội suối (dân bản địa ước đoán con đường này dài khoảng 27 km, qua nhiều núi cao, suối hiểm). Đường thứ hai xuất phát từ Nghĩa Lộ, mất khoảng nửa ngày leo núi, lội suối.
Lâm tặc dựng các trụ tời để kéo gỗ từ thung lũng lên đỉnh núi |
Đóng vai trò quan trọng trong đường dây chặt phá rừng này, ngoài một số đầu nậu nhỏ ở Ngọc Chiến còn có một đầu mối khác tên Thành ở TX.Nghĩa Lộ. Người này cấu kết với một số đầu nậu bỏ tiền của nhận “ôm” toàn bộ số gỗ gù hương, pơ mu, bách xanh hiện có trong rừng, đồng thời tổ chức đường dây chặt phá, vận chuyển, tiêu thụ gỗ...
Để tiếp cận đội quân lâm tặc này không hề dễ dàng. Bởi trước đây, cơ quan chức năng truy quét khá gắt nên giờ họ rất cảnh giác với những người lạ mặt. | | Theo một Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, khu vực rừng mà PV Thanh Niên tiếp cận có thể nằm trong diện rừng đặc dụng Chế Tạo thuộc tỉnh Sơn La hoặc trong khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc tỉnh Yên Bái. Đây là khu vực giáp ranh, nên muốn xác định chính xác lực lượng kiểm lâm phải tiếp cận hiện trường. Trong khi đó, quá trình PV Thanh Niênthâm nhập được một số đầu nậu và lâm tặc cho biết khu vực rừng bị chặt phá thuộc Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải (?). | | |
Sau khi bắt mối với nhóm người chuyên vào rừng chặt phá rừng, chúng tôi đề nghị nhóm lâm tặc cho người dẫn đường đến “đại bản doanh” khai thác gỗ vì “phải nhìn tận mắt gỗ quý rồi mới tính chuyện mua bán”. Sau nhiều ngày im lặng, một đầu nậu tên Hợp đồng ý giao cho đàn em Trường đưa chúng tôi vào rừng.
Trước khi vào rừng, Trường dặn vợ nấu cơm nếp nương, mua vài lạng thịt heo về rang muối rồi gói vào túi ni lông để ăn trong ngày.
“Vì quãng đường đi rất xa nên anh em mình phải chuẩn bị cơm nắm ăn vào buổi trưa, đến lán của dân làm gỗ sẽ có rượu, thịt và cơm tẻ để ăn. Ngày hôm sau thì xin anh em trong đó nắm cơm với con cá khô ăn dọc đường”, Trường giải thích.
Đúng hẹn, khoảng 5 giờ sáng một ngày cuối tháng 9, chúng tôi có mặt tại khu vực ngã ba cầu treo, thuộc thôn Mường Chiến, xã Ngọc Chiến. Sau đó, cả nhóm theo sườn núi đến bản người H’Mông gửi xe máy, rồi theo lối mòn vượt hàng chục cây số đường rừng đến sơn trại lâm tặc.
Trường dẫn đầu, bước thoăn thoắt qua những mỏm đá, những sườn núi cao ngút tầm mắt. Trên đường đi, thỉnh thoảng Trường dừng ở một bụi rậm rồi lấy dao đào bới, moi lên một loại củ rừng to như ngón chân cái. Theo Trường , đó là củ sâm rừng, dân đi rừng thường tìm để dành, khi nào mệt mỏi gọt ăn sẽ tăng lực, đôi chân dẻo dai hơn...
Hàng trăm khối gỗ xẻ giữa rừng
Qua hàng chục km đường rừng, 16 giờ cùng ngày, chúng tôi đến được lán của lâm tặc. Ngay sau đó, Trường dẫn chúng tôi qua tiếp hai triền núi cao tới điểm tập kết gỗ. Tại đây có cả trăm sập gỗ quý dày cỡ 20 cm, chiều ngang khoảng 1 m, dài 2,7 m được lâm tặc tập kết, nằm thành từng đống.
Theo lời một số lâm tặc, hầu hết đây là gỗ gù hương rất quý hiếm, ngoài ra còn có bách xanh, sa mu, pơ mu… Những cây gỗ bị đốn hạ có đường kính gốc trên 2 m, cao hàng chục mét, sau đó lâm tặc xẻ ra từng tấm. Một cây sau khi đốn hạ phải xẻ nhiều ngày trời mới xong.
Muốn lấy được những loại gỗ quý hiếm như gù hương, pơ mu, bách xanh… lâm tặc làm đường vượt hàng chục ki lô mét đường rừng |
Theo các đầu nậu gỗ tại Sơn La, để có được những cây gù hương quý hiếm này, các nhóm lâm tặc phải bỏ tiền ra “mua” lại của người H’Mông và người Thái. Có chuyện này là do cách đây khoảng 10 năm, khi nạn chặt phá rừng hoành hành, nhiều cánh rừng bị thiêu trụi khiến các loại gỗ quý trở nên hiếm, giá bị đẩy lên rất cao.
Từ đó, người H’Mông và người Thái lên rừng tìm gỗ, nếu ai phát hiện cây gỗ quý như gù hương, pơ mu, bách xanh… thì dùng dao chặt lên thân cây để đánh dấu “cây đã có chủ”, những người đến sau không được phép đụng vào. Đám phá rừng sau đó tìm cách “mua” lại những cây gỗ đã đánh dấu với giá 15 - 30 triệu/cây, rồi dẫn quân vào rừng ồ ạt chặt, xẻ, vận chuyển ra ngoài.
Để khẳng định là gù hương, lâm tặc thường chặt miếng gỗ bằng bàn tay, sau đó ngâm vào chậu nước để qua đêm. Hôm sau, gỗ gù hương làm nước trong chậu chuyển màu xanh nhạt. Theo lời Trường, hiện có 2 loại gù hương, một loại gỗ màu đỏ, một loại gỗ hơi vàng, cả hai loại đều thơm và được dân buôn lùng mua. “Hôm nào có ai đem được gỗ gù hương về cả làng đều biết, vì loại gỗ này tiết ra mùi thơm đặc biệt, lâu và có tinh dầu”, Trường nói.
Theo các đầu nậu gỗ tại Sơn La, để có được những cây gù hương quý hiếm này, các nhóm lâm tặc phải bỏ tiền ra “mua” lại của người H’Mông và người Thái. Có chuyện này là do cách đây khoảng 10 năm, khi nạn chặt phá rừng hoành hành, nhiều cánh rừng bị thiêu trụi khiến các loại gỗ quý trở nên hiếm, giá bị đẩy lên rất cao. Từ đó, người H’Mông và người Thái lên rừng tìm gỗ, nếu ai phát hiện cây gỗ quý như gù hương, pơ mu, bách xanh… thì dùng dao chặt lên thân cây để đánh dấu “cây đã có chủ”, những người đến sau không được phép đụng vào. Đám phá rừng sau đó tìm cách “mua” lại những cây gỗ đã đánh dấu với giá 15 - 30 triệu/cây, rồi dẫn quân vào rừng ồ ạt chặt, xẻ, vận chuyển ra ngoài.
Theo quan sát của PV Thanh Niên, khu vực chặt phá gỗ gù hương, pơ mu, bách xanh không nằm tập trung mà rải rác theo các điểm cách nhau 3 - 4 km đường rừng. Khi chặt hạ, lâm tặc có thể xẻ ra từng sập dài rồi vứt trong rừng cả năm trời mà không lo mối mọt, đến lúc có người tìm mua gỗ chúng mới cho người vận chuyển ra.
Điểm tập kết gỗ tại một đỉnh núi nằm sâu trong rừng thuộc khu vực giáp ranh giữa Yên Bái và Sơn La |
Thả gỗ bạt rừng
Theo lời kể của đầu nậu tên Hợp, cách đây vài năm, việc vận chuyển gỗ ra ngoài chủ yếu dựa vào sức người. Hàng chục người dùng đòn bẩy đưa phiến gỗ nặng hàng tạ nhích dần qua vách núi, đến đoạn dốc cao thì đẩy phiến gỗ trôi xuống phía chân núi. Cứ thế, để vận chuyển được một phiến gỗ ra ngoài bìa rừng theo cách này, hàng chục người phải di chuyển nặng nhọc suốt 5 - 6 ngày ròng rã. Mỗi khi thả gỗ trượt theo sườn núi thì những cây rừng nhỏ bị phiến gỗ trên đường trượt san bằng.
Tuy nhiên, từ hơn 1 năm nay, việc vận chuyển gỗ ra ngoài đã có vẻ chuyên nghiệp hơn. Các nhóm lâm tặc bỏ tiền mua hệ thống máy tời, dây cáp dài hàng ngàn mét và thuê người làm đường vận chuyển gỗ. Khi tiếp cận các bãi gỗ, chúng tôi thấy còn nguyên những trụ gỗ dùng làm điểm tựa cho dây cáp để kéo gỗ từ thung lũng lên.
Ngoài ra, còn dấu vết con đường rộng hơn 1 m vừa mới san lấp để vận chuyển gỗ. Từ điểm tập kết này, lâm tặc tiếp tục đẩy các phiến gỗ lao xuống chân núi... “Việc dùng máy móc vào vận chuyển gỗ đã giúp rút ngắn thời gian di chuyển so với trước đây xuống còn một nửa, chỉ cần 2 - 3 ngày để đưa một phiến gỗ ra khỏi rừng”, Hợp nói. (Còn tiếp)