Xe quá tải: Xử lý hình sự?

Thứ tư - 04/03/2015 02:05 - Đã xem: 1015
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cam kết làm đến cùng để chấm dứt tình trạng xe chở quá tải ngay trong năm 2015

“Xe khách chở quá số người quy định 3 lần thì khác nào hành vi giết người, vậy chế tài thế nào? Xe vi phạm còn cố tình đâm người thi hành công vụ thì phải xử ra sao? Chúng ta sẽ phải xử lý như thế nào để đủ sức răn đe và bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật?...”. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải(GTVT) Đinh La Thăng đã đặt ra hàng loạt vấn đề như vậy tại cuộc họp về tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện chiều 3-3 ở Hà Nội.

Phải khóa bánh xe quá tải!

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, cho biết tính từ ngày 1-4 đến 31-12-2014, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động của 63 tỉnh, thành và 2 trạm kiểm tra tải trọng xe cố định Dầu Giây (Đồng Nai) và Quảng Ninh đã kiểm tra tải trọng 430.000 lượt xe, trong đó phát hiện hơn 57.000 chiếc vi phạm. Lực lượng chức năng các địa phương còn kiểm tra, xử lý 1.152 xe cơi nới thùng trái phép.

Xe quá tải né trạm cân Phú Yên (xã An Mỹ, huyện Tuy An) Ảnh: Hồng Ánh
Xe quá tải né trạm cân Phú Yên (xã An Mỹ, huyện Tuy An) Ảnh: Hồng Ánh

 

Riêng 2 tháng đầu năm 2015, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đã cho dừng, kiểm tra hơn 56.000 xe, phát hiện và lập biên bản 5.900 chiếc vi phạm.

Ông Ngọc cho rằng tình trạng xe chở hàng quá tải, xe chở khách quá số người quy định vẫn còn xảy ra tại nhiều nơi. Ông cho biết việc xử lý xe chở quá tải trọng áp dụng theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền khá cao nhưng do chưa có biện pháp chế tài bổ sung như thu hồi phù hiệu xe, thu hồi giấy phép kinh doanh nên chưa đủ sức răn đe.

“Cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 171, đưa thêm quy định thu hồi chấp thuận tuyến, thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm lặp lại từ 3-6 tháng hoặc thu hồi vĩnh viễn nếu phương tiện vi phạm ở mức nghiêm trọng” - ông Ngọc kiến nghị.

Trước tình trạng một số xe chở quá tải có hành vi chống đối, không hợp tác với lực lượng thực thi nhiệm vụ trong thời gian qua, Vụ Vận tải - Bộ GTVT đề xuất áp dụng một số biện pháp xử lý tạm thời, như: khóa bánh phương tiện tại chỗ hoặc cho xe cẩu kéo đến nơi tập kết, chủ xe phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về chi phí phát sinh...

Quyết không đánh trống bỏ dùi

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng phải gắn cho được trách nhiệm của các địa phương, nhất là các cơ quan quản lý nhà nước, thì mới giải quyết được vấn đề xe quá tải.

“Chúng ta không thể cứ mãi giăng quân chạy lông nhông ngoài đường để kiểm tra, xử phạt được mà phải có cơ sở, có chính sách cũng như chế tài để ràng buộc trách nhiệm của chủ hàng, chủ xe, tài xế và người xếp dỡ. Cùng với đó là gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chức năng địa phương. Xe quá tải ở địa phương mình, các sở GTVT, các anh công an, đăng kiểm không thể không nắm được” - bộ trưởng đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đồng tình: “Lãnh đạo các tỉnh, thành, cơ quan quản lý ở địa phương cũng như lực lượng đăng kiểm chắc chắn nắm được tình trạng xe quá tải ở địa phương mình. Vấn đề quan trọng là có làm thực sự hay không mà thôi”.

Ông Huyện kiến nghị cần phải xử lý thật nghiêm với hành vi chở hàng quá tải trọng cho phép. Thậm chí, với những xe chở hàng quá tải trọng 200% trở lên, cần chuyển sang xử lý hình sự.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, đề nghị xây dựng các chế tài đủ mạnh để xử lý nhà xe, tài xế chở quá tải; đồng thời xử nghiêm lãnh đạo địa phương nào buông lỏng, cán bộ thi hành công vụ đồng lõa, tiếp tay vi phạm. “Ở Thái Lan, nếu chở quá tải là họ bỏ tù ngay vì phá hoại tài sản quốc gia. Mình cũng nên như thế, phải truy cứu hình sự” - ông Thanh góp ý.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đồng tình với những ý kiến, biện pháp mà các đơn vị đưa ra, nhất là việc đề xuất bổ sung quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chở quá tải. Ông cam kết Bộ GTVT, Bộ Công an sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, siết chặt tải trọng xe và sẽ làm đến cùng.

“Chúng ta không đánh trống bỏ dùi mà chuẩn bị nhân lực để làm bền bỉ, lâu dài, xóa tan nghi ngờ của người dân và doanh nghiệp vận tải về việc này. Không thể để tình trạng người chấp hành tốt quy định của nhà nước thì chịu thiệt thòi, còn người vi phạm lại hưởng phần hơn” - bộ trưởng nhấn mạnh.

 

Không được dung túng, bao che

Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, xem xét lại những văn bản cũng như các chế tài xử phạt, đề ra những giải pháp cụ thể để mục tiêu trong năm 2015 không còn xe chở quá tải.

Theo bộ trưởng, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền. Việc xử lý vi phạm phải bảo đảm kỷ cương phép nước, nghiêm trị và không dung túng, bao che, không bỏ lọt người vi phạm; đồng thời gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trung ương, các địa phương với đơn vị, người thực thi nhiệm vụ.

 

Văn Duẩn

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây