Giải phóng Gia Nghĩa - mảnh ghép làm nên bản hùng ca toàn thắng mùa xuân năm 1975

Thứ sáu - 23/03/2018 03:49 - Đã xem: 1322
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Quảng Đức (Đắk Nông ngày nay) là địa bàn trọng yếu của hành lang chiến lược Bắc-Nam, tuyến chi viện chiến lược từ Nam Tây Nguyên vào Đông Nam bộ.

Từ ngày 30/9 đến 8/10/1974, Bộ Chính trị họp bàn về chủ trương giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 đến 1976 và chọn Tây Nguyên làm hướng tấn công chủ yếu trong năm 1975. Trong đó, thị xã Buôn Ma Thuột được chọn là trận mở màn, vùng thị xã Gia Nghĩa và huyện Khiêm Đức là mục tiêu phối hợp cho mặt trận chính ở Buôn Ma Thuột. Để tấn công Buôn Ma Thuột, địa bàn tỉnh Quảng Đức trở thành nơi tập kết xe tăng, pháo binh và các phương tiện để vượt sông. Với địa thế hiểm trở, cây cối kín đáo dọc bờ nam sông Sêrêpốk là nơi lý tưởng để bộ đội ta giấu quân và triển khai chiến dịch.

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Đức, thị xã Gia Nghĩa được chia làm hai mặt trận: Mặt trận phía Tây và mặt trận phía Đông. Hai mặt trận Đông-Tây thường xuyên tổ chức cho các tổ trinh sát và đặc công bám sát các mục tiêu, nắm chắc tình hình địch và tổ chức các cuộc tập kích nhỏ nhằm tiêu hao sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của chúng. Tình hình đó tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng vũ trang và đồng bào các địa phương vùng lên đánh bại các cuộc hành quân càn quét mới và kế hoạch bình định của Mỹ - ngụy.

Ngày 10/3/1975, quân ta bao vây Nhân Cơ, địch chỉ cố thủ không đủ sức phản kích. Cùng ngày, ta chiếm được quận lỵ Đức Lập và các cứ điểm Đắk Song, Đắk Sắk, tuyến phòng thủ Đức Lập phía Tây Nam Buôn Ma Thuột hoàn toàn bị tiêu diệt. Nắm thời cơ, các đội công tác phát động quần chúng từ Đức Lập đến Đắk Song, Đắk Sắk nổi dậy giành chính quyền, giải phóng huyện Đức Lập và các vùng xung quanh. Tiếp đó ngày 17/3/1975, quân ta tiến đánh và giải phóng các ấp ở Đạo Nghĩa.

Sau khi ta đánh chiếm Kiến Đức, địch ở thị xã Gia Nghĩa và huyện Khiêm Đức hết sức hoang mang, bộ máy trong các ấp tê liệt. Ngày 22/3/1975, địch ở Gia Nghĩa rút chạy xuống Di Linh bị lực lượng địa phương bám đánh, địch hoảng hốt bỏ cả xe pháo chạy trốn vào rừng về phía sông Đồng Nai. Trước tình hình đó, Huyện ủy họp đề ra nhiệm vụ giải phóng huyện và thị xã, trước mắt tổ chức chặn đánh địch rút quân từ Buôn Ma Thuột qua Gia Nghĩa về Lâm Đồng theo đường số 8.

5 giờ sáng ngày 23/3/1975, lực lượng vũ trang của ta vào tiếp quản thị xã Gia Nghĩa, quân địch tháo chạy toán loạn. Trưa cùng ngày, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng tung bay trước dinh Tỉnh trưởng Quảng Đức, Ty cảnh sát và các công sở khác. Thị xã Gia Nghĩa và huyện Khiêm Đức hoàn toàn giải phóng. Có thể khẳng định, việc nhanh chóng chớp thời cơ khi nhiều địa bàn quan trọng ở khu vực Tây Nguyên đã được giải phóng, cùng với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng chủ lực, quân và dân các dân tộc tỉnh Quảng Đức đã nổi dậy tấn công, truy kích, tiêu diệt địch và tiếp quản thị xã Gia Nghĩa.

Với vị trí là án ngữ đường 14 nối Buôn Ma Thuột với tỉnh Bình Phước và khởi nguồn đường số 8 nối sang tỉnh Lâm Đồng nên sau khi giải phóng thị xã Gia Nghĩa đã cắt đứt tuyến đường chi viện của địch từ Đông Nam bộ lên Tây Nguyên theo quốc lộ 14 và từ Lâm Đồng sang theo quốc lộ 28 làm cho địch rơi vào thế bị động, mất phương hướng chiến đấu.

Diện mạo của thị xã Gia Nghĩa ngày càng khang trang. Ảnh tư liệu

Ngày 24/3/1975, quận Đức Xuyên giải phóng. Chiều ngày 26/3/1975, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa để chào mừng chiến thắng và chào mừng sự ra mắt của Ủy ban Quân quản thị xã. Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Quảng Đức kết thúc thắng lợi. Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn, ta đã tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch trên một chiến trường rộng lớn, mở đầu cho sự sụp đổ dây chuyền và thất bại thảm hại của toàn bộ hệ thống chính quyền tay sai toàn miền Nam và kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trong đấu tranh, điểm nổi bật của các cấp bộ Đảng tỉnh Quảng Đức là biết kết hợp chặt chẽ giữa hai nhiệm vụ trọng tâm là phát triển thực lực cách mạng, chiến đấu chống địch, giành giữ dân; đồng thời xoi mở, xây dựng và bảo vệ vững chắc đường hành lang chiến lược Bắc - Nam, nối liền Nam Tây Nguyên với Đông Nam bộ; xóa vùng trắng của địch, xây dựng cơ sở hình thành vùng căn cứ địa kháng chiến chống Mỹ. Từ đó, đã rút ra nhiều bài học quý báu như bài học về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về sự lãnh đạo tài tình của Đảng, về sức mạnh vĩ đại của sự đoàn kết đồng bào các dân tộc, để từ đó tiếp tục phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, lãnh đạo nhân dân thực hiện công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển tỉnh nhà đúng như mục tiêu tổng quát của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết; khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức; phát huy tiềm năng, lợi thế để đến năm 2020 đưa Đắk Nông thoát ra khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo, chưa phát triển”.

43 năm đã trôi qua, chiến công giải phóng thị xã Gia Nghĩa vẫn ngời sáng trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc, là dấu ấn quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của thị xã Gia Nghĩa ngày nay. Sau giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, khắc phục khó khăn giành được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tạo đà cho các bước phát triển và hội nhập, để xây dựng Gia Nghĩa trở thành đô thị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa riêng của vùng Nam Tây Nguyên, xứng đáng với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh.

Cẩm Trang

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây