Boomberg hôm nay 29.9 có bài viết về sức tăng trưởng mạnh mẽ của nước ta, khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 3/2015 tăng 6,81% so với một năm trước, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê. Các chỉ số kinh tế khác cũng đi lên, diễn biến tích cực.
Hồi quý 2/2015, kinh tế nước ta tăng trưởng 6,47%. Bloomberg nhận định Việt Nam là nước thường công bố chỉ số tăng trưởng trước khi một quý kết thúc, trước cả nhiều nước bạn và những con số đó thường được điều chỉnh sau đó.
“Việt Nam là nước duy nhất có tốc độ tăng trưởng trong xuất khẩu mạnh mẽ, giữa lúc xuất khẩu của các nước xung quanh họ đang co lại”, nghiên cứu của ngân hàng Australia & New Zealand Banking Group (ANZ) hồi đầu tuần này viết.
Nhằm bảo vệ xuất khẩu và hỗ trợ chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên mức cao nhất trong 4 năm là 6,2%, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm tỷ giá tham chiếu VNĐ lần thứ 3 trong tháng 8 vừa qua, nới biên độ tỷ giá sau khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ. Việt Nam cũng hưởng lợi từ chi phí năng lượng rẻ hơn, nhu cầu trong nước được hỗ trợ nhờ lạm phát đang giảm đi.
Dù vậy, những con số tích cực trong tăng trưởng vẫn chưa đủ sức để tích cực hóa cổ phiếu nước ta. Thị trường chứng khoán Việt Nam không tránh khỏi chuyện giảm điểm trong hôm nay, khi các thị trường châu Á khác bán tháo cổ phiếu các công ty kinh doanh hàng hóa. 10 giờ sáng nay tại TP.HCM, VN-Index giảm 0,9%.
Tựu chung, trong 9 tháng qua, tăng trưởng kinh tế Việt Nam là 6,5%, vượt ước tính trung bình chỉ là 6,4% của các nhà kinh tế do Bloomberg khảo sát. Với nhiều tín hiệu tích cực, trong số 6 nền kinh tế chủ chốt của Đông Nam Á, Việt Nam được dự báo sẽ là nước có mức tăng trưởng mạnh nhất trong năm nay, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).