Sản xuất nông nghiệp tốt: Thị trường đầu ra sản phẩm bấp bênh

Thứ tư - 16/09/2015 03:20 - Đã xem: 834
Sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap) là hướng phát triển tất yếu để nâng cao chất lượng nông sản, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và là “chìa khóa” để nông sản của tỉnh bước vào hệ thống phân phối hiện đại và xuất khẩu. Thế nhưng do còn nhiều bất cập nên hoạt động sản xuất này đang gặp nhiều khó khăn.

KHÁT KHAO VIETGAP NHƯNG “NGẠI” TIÊU CHÍ

Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp và Thương mại Tia Sáng (Gia Nghĩa) vốn là cơ sở đầu tiên của tỉnh áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Năm 2012, HTX đã được Trung tâm Chất lượng Nông lâm - Thủy sản vùng 3 (thuộc Cục quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản) cấp giấy chứng nhận VietGap đối với sản phẩm rau cải và cà chua với tổng diện tích 2 ha, sản lượng 25 tấn/năm.

Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm “gồng mình” theo VietGap, HTX này đành phải bỏ cuộc và không thể duy trì sản xuất theo hình thức này được nữa mà đành quay lại sản xuất rau an toàn.

Việc dừng thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, theo bà Phạm Thị Quê, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp và Thương mại Tia Sáng thì có rất nhiều lý do. Sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap quá tốn chi phí đầu tư và phải thực hiện quá nhiều tiêu chí. Để được chứng nhận rau, cà chua VietGap, HTX phải thực hiện tới 68 tiêu chí, trong đó khó nhất là đòi hỏi phải có hệ thống sản xuất và kỹ thuật hiện đại, xưởng chế biến, nguồn nước sạch, phòng cách ly, bảo hộ lao động….

Việc thực hiện các tiêu chí lại đòi hỏi quá tỉ mỉ và rườm rà nên trong quá trình sản xuất, người lao động cũng ngại. HTX đã phải đầu tư tới 500 triệu đồng làm nhà lồng để sản xuất. Nếu HTX không có sẵn vốn thì khó mà theo được VietGap.

Năm 2013, Trang trại Lộc Hồng ở xã Quảng Khê (Đắk Glong) cũng được Trung tâm Chất lượng Nông lâm - Thủy sản vùng 3 cấp chứng nhận VietGap đối với 6 ha quýt và sầu riêng nhưng sau khi hết giá trị 2 năm thì hiện cũng đã “bỏ cuộc”.

Bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng, quá trình thực hiện áp dụng quy trình VietGap đã được các cơ quan chuyên môn của tỉnh và Trung tâm Chất lượng Nông lâm - Thủy sản vùng 3 hướng dẫn về kỹ thuật trồng cây ăn trái. Giúp bà và người lao động của trang trại đã nắm được các quy trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn cho người lao động; sản phẩm sạch.

Tuy nhiên, năm nay bà không thể theo được VietGap nữa vì chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng cho trang trại để đáp ứng các tiêu chí quá cao. Trước đây, khi bà thực hiện sản xuất theo VietGap đã được Sở Nông nghiệp - PTNT hỗ trợ kinh phí trên 53 triệu đồng về hướng dẫn kỹ thuật và cấp giấy chứng nhận nên nếu tiếp tục duy trì thì cũng phải tốn một khoản chi phí tương đương như ban đầu để được cấp lại giấy, đó là chưa kể trang trại còn phải đầu tư đến cả trăm triệu đồng nữa…

Cũng theo bà Hồng thì các quy định như không được nuôi thả động vật trong trang trại và một năm các đơn vị tới lấy mẫu sản phẩm kiểm tra tới 3 lần… cũng rất phiền phức, mất thời gian và khó áp dụng. “Trang trại rộng lớn, tôi muốn nuôi mấy con chó giữ vườn để tránh mất trộm nhưng cũng không được”, bà Hồng tâm sự.

Nông dân lo âu vì trồng rau an toàn giá bán vẫn như rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap

HÀNG VIETGAP LẪN VỚI SẢN PHẨM KHÔNG RÕ NGUỒN GỐC

Thị trường đầu ra cho sản phẩm VietGap là rất rộng mở. Bởi, người tiêu dùng đều muốn được ăn, uống, sử dụng những sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thế nhưng, câu chuyện của các cơ sở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã và đang áp dụng sản xuất VietGap về tìm đầu ra cho sản phẩm cũng là vấn đề để các ngành chức năng và chính quyền địa phương phải suy nghĩ.

Bà Phạm Thị Quê, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp và Thương mại Tia Sáng cho rằng, lý do chính không sản xuất theo VietGap đó là giá trị của sản phẩm không tương xứng với công sức của người sản xuất. “Trong khi chúng tôi phải lao động vất vả, tuân thủ nghiêm các quy định và đầu tư vốn lớn để sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGap thì sản phẩm đưa ra thị trường vẫn phải bán lẻ, ngang giá với rau an toàn và các loại rau không tuân thủ một tiêu chuẩn nào, thậm chí độc hại với sức khỏe người tiêu dùng", bà Quê nhấn mạnh.

Các cơ sở trồng cây ăn quả ở thị xã Gia Nghĩa đã được chứng nhận đạt VietGap là Trang trại Gia Trung, Trang trại Gia Ân và Trang trại Ngọc Vân hiện vẫn đang loay hoay đưa sản phẩm đến với thị trường theo mỗi hướng khác nhau.

Cụ thể, Trang trại Ngọc Vân (Gia Nghĩa) có gần 5 ha cam, quýt, bưởi mỗi năm bán ra thị trường khoảng 40 tấn quả nhưng con đường mà sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng không khác gì các loại quả không theo tiêu chuẩn VietGap.

Ông Nguyễn Ngọc Vân, chủ trang trại cho biết: “Từ khi được chứng nhận VietGap, cam, quýt, bưởi của trang trại được người tiêu dùng rất ưa chuộng nhưng tôi vẫn phải bán sỉ và bán lẻ cho các thương lái chở đi bán lẫn lộn ở các sạp bán hoa quả tại Đắk Nông và tỉnh Đắk Lắk”.

Quả sầu riêng, măng cụt cũng đang “lận đận” trong việc khẳng định giá trị của VietGap. Anh Nguyễn Ngọc Trung, chủ Trang trại Gia Trung (Gia Nghĩa), hiện là 1 trong số 2 cơ sở chuyên trồng sầu riêng trên toàn quốc đã được chứng nhận VietGap chia sẻ: “Quả sầu riêng chín chỉ có thời gian bảo quản thuần túy khoảng 1 tuần. Đến mùa thu hoạch, sầu riêng chín nhiều thì tôi phải bán cho các thương lái đến cắt chở đi bán khắp nơi trên mọi miền và đa số cũng bán trà trộn với hàng không sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap”.

Thực tế, để quả sầu riêng chín đều và bảo quản lâu hơn thì nhiều thương lái phải nhúng hóa chất vào sầu riêng để tươi lâu hơn. Các hóa chất này đều độc hại nên khi người ăn quả sầu riêng bị nhúng sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Anh Trung cũng cho biết, có thương lái thương lượng với anh nếu cho nhúng thuốc tại vườn sẽ trả giá cao hơn 500 -1.000 đồng/kg để họ giảm cước vận chuyển và giữ trái đẹp, tránh bị hư hỏng.

Với giá thương lượng này thì 45 ha sầu riêng đang cho thu hoạch hiện nay sẽ đem về cho ông chủ Trang trại Gia Trung thêm khoảng 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng lợi nhuận nhưng lương tâm của người muốn cung cấp cho thị trường sản phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe nên ông không đồng ý. Cũng chính vì thế nên trái sầu riêng khi đã ra khỏi trang trại rồi liệu nó có đạt chuẩn VietGap nữa hay không thì chỉ có các thương lái mới biết!

Anh Trần Quang Đông, chủ Trang trại Gia Ân có 8 ha măng cụt mỗi năm cung cấp khoảng 70 tấn quả cho biết: “Thương lái ở các tỉnh Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk và trên địa bàn tỉnh đến đặt hàng với giá cao hơn thị trường do biết sản phẩm của tôi đảm bảo an toàn nhưng rồi họ lại chở đi và bán trà trộn với các sản phẩm khác. Tôi vẫn phải xây nhà xưởng sạch sẽ để khi thu hoạch bảo quản sản phẩm tốt. Tôi cũng buồn vì trái măng cụt ở trang trại của mình thì được chăm chút để đạt chất lượng tốt nhưng ra ngoài thị trường bị trà trộn và thậm chí có thể bị các thương lái lợi dụng để bán giá cao kiếm lời”.

Trang trại Gia Ân vẫn không vui vì sản phẩm bị lẫn với hàng không VietGap và bị “làm giá”

VIETGAP CẦN ĐI VÀO HỆ THỐNG PHÂN PHỐI

Một trong những mục tiêu chính của VietGap đó là sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm để đáp ứng các tiêu chí “bước vào” hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị và xuất khẩu. Thế nhưng, thực tế thì hiện sản phẩm của hầu hết các cơ sở đang thực hiện VietGap trên địa bàn tỉnh Đắk Nông lại chủ yếu đang phải bán nhỏ lẻ.

Từ câu chuyện của các cơ sở trồng rau, cây ăn quả đạt VietGap đang đặt ra cho chính người sản xuất và các cơ quan chức năng cần có giải pháp để sản phẩm VietGap khẳng định được giá trị đích thực của nó. Điều này vừa giúp người trồng yên tâm đầu tư sản xuất vừa giúp người tiêu dùng lựa chọn được sản phẩm đạt tiêu chuẩn bảo đảm cho sức khỏe.

Bài, ảnh: Thanh Nga

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây