Triển khai ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2011-2015: Giá trị sản xuất nông nghiệp từng bước nâng cao

Thứ tư - 09/09/2015 19:24 - Đã xem: 922
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 7/4/2011 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Nghị quyết 04), nông nghiệp của tỉnh đã có chuyển biến mạnh mẽ. Cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp giảm dần nhưng vẫn đảm bảo tăng về giá trị sản xuất. Nông nghiệp, nông thôn đã và đang đổi thay tích cực, đời sống của người dân được nâng lên.

NĂNG SUẤT CÁC CÂY TRỒNG CHỦ LỰC ĐỀU TĂNG

Trong thời gian qua, Đắk Nông đã xác định cây trồng chủ lực là cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn trái, ngô, lúa… Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 04, Sở Nông nghiệp –PTNT đã xây dựng các đề án cụ thể cho từng cây trồng, bắt tay xây dựng quy hoạch và đã triển khai thực hiện.

Đối với cây cà phê, ngành Nông nghiệp đang triển khai 2 chương trình lớn, đó là phát triển cà phê bền vững và tái canh cây cà phê đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cho cây trồng này. Hiện nay, toàn tỉnh đã có  khoảng 30.000 ha cà phê được áp dụng quy trình sản xuất Chương trình phát triển cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn 4C, UTZ, RA…, năng suất bình quân đạt từ 3,2-4 tấn/ha, trong đó có những mô hình đạt từ 6 -7 tấn/ha.

Chương trình tái canh cà phê đã thực hiện được gần 4.700 ha và đã cho thu hoạch đạt từ 3,5 -4 tấn nhân/ha. Năng suất hồ tiêu bình quân tăng từ 2,18 tấn lên 2,26 tấn/ha, trong đó có những mô hình đạt 8-9 tấn/ha. Nhiều nông dân đã và đang chú trọng chăm sóc hồ tiêu theo hướng sinh học để phát triển bền vững.

Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật khác được áp dụng vào thực tiễn phát triển sản xuất nông nghiệp như đề án phát triển bền vững cây ca cao, dự án phát triển vùng trọng điểm lương thực hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, bảo tồn các giống lúa bản địa… đang triển khai có hiệu quả.

Điển hình như huyện Krông Nô, địa phương này đã xây dựng mô hình trồng ca cao dưới tán điều đã tăng lợi nhuận cho người trồng thêm 35% so với trồng thuần. Tại thị xã Gia Nghĩa, một số trang trại trồng cây ăn trái đầu tư vốn, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất và thực hiện theo tiêu chuẩn VietGap thu về hàng trăm triệu đồng mỗi ha.

Trong lĩnh vực trồng trọt, công nghệ cao đã ứng dụng rộng rãi, đặc biệt là khâu giống, biện pháp kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng. Nhiều giống ngô mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu hạn tốt đã được các địa phương  triển khai trồng. Hiện nay, các địa phương đã sử dụng các giống ngô lai chiếm khoảng 80% đã góp phần tăng năng suất, sản lượng ngô trên địa bàn tỉnh.

Nếu như năm 2010, sản lượng ngô của tỉnh đạt 248.000 tấn thì năm 2014 đã đạt 334.000 tấn, tăng gần 35%. Các giống lúa lai có năng suất và chất lượng cao hiện đã chiếm 65% diện tích đất trồng lúa, đa số các giống này đạt từ 8 - 9 tấn /ha. Diện tích lúa hàng năm không tăng nhưng do các địa phương chú trọng trồng các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao nên năm 2014, tổng sản lượng lúa trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt 73.000 tấn, tăng 19,6% so với năm 2011.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp – PTNT, toàn tỉnh có khoảng 42.000 ha lúa thu được giá trị từ 100 đến 200 triệu đồng/ha/năm. Huyện Krông Nô đã xây dựng thành công cánh đồng mẫu lúa tại xã Buôn Choáh. Các loại rau, dược liệu cũng đã được người dân và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao như tưới tiết kiệm nước, sử dụng màng phủ nông nghiệp để sản xuất…

NÂNG QUY MÔ SẢN XUẤT CHĂN NUÔI

Cùng với phát triển trồng trọt theo hướng hàng hóa thì chăn nuôi cũng đang được nâng cao quy mô sản xuất. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, Sở Nông nghiệp -PTNT đã chủ động xây dựng các chương trình, dự án như cải tạo hệ thống nuôi dưỡng động vật ăn cỏ giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn huyện Chư Jút, cải tiến nâng cao chất lượng đàn bò thịt tỉnh Đắk Nông, xây dựng trung tâm giống thủy sản huyện Đắk Mil… đã góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi ở các địa phương.

Con bò đã được chọn là một trong những động vật phát triển chăn nuôi quy mô lớn và chủ lực và đưa chăn nuôi bò thịt trở thành một ngành sản xuất hàng hóa trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Hiện nay, giống bò lai Brahman chất lượng cao đang thay thế giống bò địa phương có tính sản xuất thấp. Các chương trình, dự án trên đã tăng tỷ lệ bò lai của tỉnh từ 3% năm 2004 lên trên 25% tổng số đàn hiện nay.

Một hộ dân ở huyện Đắk Song chăn nuôi heo theo quy mô trang trại

TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

Theo Sở Nông nghiệp – PTNT, trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu và đã lựa chọn cây trồng và vật nuôi chủ lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nên ngành nông nghiệp hàng năm có sự tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 9,3% (kế hoạch là 5,15%).

Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt đạt trên 45 triệu đồng năm 2011 đã tăng lên trên 73 triệu đồng/ha vào cuối năm 2014. Cách đây 5 năm, giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản đạt 59 triệu đồng/ha nhưng hiện nay đã đạt tầm 100 triệu đồng/ha. Mục tiêu của tỉnh là đến hết năm 2015 này, bình quân đầu người đạt 600kg/người lương thực có hạt nhưng hiện đã đạt 722 kg/người, vượt xa so với kế hoạch.

Những kết quả đã đạt được về sản xuất nông nghiệp sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 04 là tiền đề để Đắk Nông phấn đấu đến năm 2020, nông nghiệp của tỉnh cơ bản hình thành và phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, tạo tiền đề cơ bản để phát triển toàn diện và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

Sở Nông nghiệp –PTNT đã đưa ra 9 giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao từ nay đến năm 2020. Trong đó, toàn ngành sẽ tiếp tục chú trọng việc ứng dụng các giống mới và khoa học kỹ thuật cao cho các cây, con chủ lực; xây dựng các mô hình trình diễn; nhanh chóng triển khai các dự án tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh và các huyện, thị xã và kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này.

Ngành Nông nghiệp cũng tổ chức lại sản xuất theo hướng thu hút nông dân tham gia vào hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, nhóm sản xuất, tạo điều kiện trong việc dồn điền đổi thửa, cơ giới hóa, hỗ trợ nhau trong chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, đẩy mạnh liên kết trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu...

Bài, ảnh: Thanh Nga

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây