Cơ chế “một cửa” nhưng quá “nhiều ngách”

Chủ nhật - 05/01/2014 20:39 - Đã xem: 887
Nhận định trên được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại cuộc họp về cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) các lĩnh vực đất đai, đầu tư và xây dựng, diễn ra tại Hà Nội chiều 2.1. Doanh nghiệp, nhà đầu tư mệt mỏi, các cơ quan công quyền thì vừa nhũng nhiễu, vừa lúng túng khi triển khai các thủ tục chồng chéo…, cho thấy còn quá nhiều bất cập trong CCTTHC nhiều năm qua.
Một giấy phép cần… 18 thủ tục         

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, CCTTHC trên các lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng chuyển biến rất chậm. 

“Tôi rất khó chịu với việc DN chi phong bì, phong bao mỗi chỗ một tí. Tình trạng này đã duy trì nhiều năm qua. Chỉ một vài tỉnh tổ chức CCTTHC tập trung, nhưng hiệu quả không triệt để” - Phó Thủ tướng nêu thực tế. 

Ông Đặng Huy Đông - Thứ trưởng Bộ KHĐT - cũng thừa nhận, DN và nhà đầu tư đang rất cần tháo gỡ dòng tiền, dòng vốn nhưng việc xin giấy phép đầu tư gặp quá nhiều rắc rối. 

"Đặc biệt, qua rà soát, một giấy phép đầu tư cần ít nhất 18 các loại thủ tục khác nhau, gây mệt mỏi và phiền hà cho nhà đầu tư. Họ khó chịu ở chỗ không phải là mất tiền, mà là mất tiền rồi nhưng không biết có được duyệt cấp giấy hay không” - ông Đông nói.

Trong khi đó, nhiều đại diện bộ, ngành đều cho rằng, CCTTHC trên các lĩnh vực trên đều mất rất nhiều thời gian lẫn các loại chi phí. Bà Trương Minh Hương - Phó Văn phòng UBND TPHCM - nêu ví dụ, địa phương này hiện rất vướng trong cấp phép xây dựng chia tỉ lệ quy hoạch 1/500. “Hiện mới chỉ 60% số DN phổ biến quy hoạch tỉ lệ 1/2000, vì thế để làm 1/500 càng khó về kỹ thuật, chưa kể chi phí rất lớn” - bà Hương cho biết. 

Cũng theo bà Hương, nhiều lĩnh vực đầu tư xây dựng, đất đai phải lấy ý kiến thẩm tra nhiều lần từ các bộ, ngành nhưng việc phúc đáp chậm hàng tháng trời, có những hồ sơ nhắc đến 3 lần vẫn chưa đươc phúc đáp. 

Quyết liệt hơn với “một cửa”

Hầu hết các đại diện bộ, ngành đều cho rằng, CCTTHC vẫn chưa được đơn giản hóa, vướng về thời gian, chi phí và các vấn đề về nhân sự. Cơ quan chủ quản ra nghị quyết về cải cách hành chính là Bộ Tư pháp cũng thừa nhận, việc CCTTHC mới chỉ mới tập trung từng lĩnh vực mà chưa xem xét các quan hệ tổng thể, gây chồng chéo trong thực hiện.

Theo đề xuất của Bộ KHĐT, cần có một cơ quan đầu mối về cấp giấy chứng nhận đầu tư, có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tập trung các đầu mối. 

Theo đó, nhà đầu tư nộp tất cả các hồ sơ, giấy tờ liên quan cho cơ quan này và thay vì đến từng cơ quan chuyên môn để thực hiện từng thủ tục khác nhau, cơ quan đầu mối này sẽ xem xét, lấy ý kiến và trả các thủ tục liên quan. 

Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, DN cho biết họ không hề ngại mức phí, có thể 5 - 10 triệu đồng nhưng cần được công khai khoản phí này. Có như vậy, cán bộ có thêm nguồn thu nhập một cách đàng hoàng, hình ảnh của cơ quan công quyền theo đó cũng khác đi.

Bộ TNMT cho rằng, để không vướng mắc trong giải quyết CCTTHC, Nhà nước cần chủ trì làm kỹ quy hoạch sử dụng đất hằng năm cho đến cấp huyện. Quy hoạch này cần cụ thể bao nhiêu quỹ đất, làm công trình gì, ở địa phương nào để nhà đầu tư có căn cứ tham gia, từ công trình cấp quốc gia đến cấp huyện. 

UBND tỉnh quyết nhiều hơn trong thủ tục thu hồi đất, tránh tình trạng chờ đợi. Thậm chí có những trường hợp nếu người dân đồng ý cho thu hồi sớm thì linh hoạt triển khai ngay, không nhất thiết phải chờ đến thời hạn 6 tháng như quy định.

Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tồn tại nổi bật của CCTTHC là chậm trễ, tốn kém, mất thời gian gây bức xúc cho nhà đầu tư. 

Phó Thủ tướng yêu cầu việc cải cách cần quyết liệt hơn như: Các bộ, ngành cần công bố rõ thời gian giải quyết thủ tục; công khai minh bạch ở mọi cấp, ngành; phân cấp rõ hơn, tránh ôm đồm; rà soát lại cán bộ, tăng cường hậu kiểm; những thủ tục nào liên quan đến quyền lợi của người dân cần được luật hóa... 

Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ Bộ Tư pháp chủ trì, các bộ KHĐT, Xây dựng, TNMT phối hợp xây dựng nghị quyết về CCTTHC; đồng thời đồng ý chủ trương thành lập tổ công tác CCTTHC cấp tỉnh, huyện. Bộ KHĐT chủ trì rà soát lại các quy định về thủ tục đầu tư, phối hợp xây dựng quy trình thống nhất về thủ tục đầu tư để áp dụng thống nhất cả nước.

Nguồn tin: Lao Động Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây