Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Năm 2014, TTCK sẽ dồi dào hàng hóa mới
Nâng "room" cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài lên 20%
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa chính thức ký ban hành Nghị định 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam.
Theo đó, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã đồng ý nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước lên mức 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam.
Nếu áp dụng như Nghị định 69/2007/NĐ-CP hiện đang áp dụng thì mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đó không vượt quá 15% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam. Trong trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ căn cứ đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, quyết định mức sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đó vượt quá 15%, nhưng không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam.
Cũng theo Nghị định 01, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cá nhân nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam và tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài không được vượt quá 15% vốn điều lệ, trừ trường hợp nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Đồng thời, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài đó cũng không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam.
Như vậy, theo quy định mới, một nhà đầu tư nước ngoài có thể mua 20% cổ phần tại nhà băng Việt Nam mà không cần sự thông qua của Thủ tướng.
Tuy nhiên, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn được quy định không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng nội (chứ không được đưa lên 49% như nhiều nhà băng kỳ vọng). Trong khi đó, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng phi ngân hàng Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật đối với công ty đại chúng, công ty niêm yết.
Điểm đáng chú ý nhất là trong trường hợp đặc biệt để thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định đối với từng trường hợp cụ thể.
Đây có thể là cơ sở cho việc nhà đầu tư nước ngoài là United Overseas Bank Limited (UOB) của Singapore mua lại 100% vốn của Ngân hàng TMCP Dầu Khí Toàn cầu (GPBank). Hiện, UOB đang khảo sát thực tế GPBank.
Nhà đầu tư chiến lược phải có tổng tài sản tối thiểu 20 tỷ USD
Theo Nghị định này, Chính phủ Việt Nam cũng đặt ra 7 điều kiện đối với tổ chức nước ngoài mua cổ phần và trở thành nhà đầu tư chiến lược. Thứ nhất, các điều kiện 1, 2, 3, 4 như đối với tổ chức nước ngoài mua cổ phần dẫn đến mức sở hữu từ 10% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng Việt Nam.
Các ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính nước ngoài, công ty cho thuê tài chính nước ngoài này phải được phép thực hiện hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật của nước nơi đặt trụ sở chính. Công ty tài chính nước ngoài chỉ được là nhà đầu tư chiến lược tại công ty tài chính Việt Nam. Công ty cho thuê tài chính nước ngoài chỉ được là nhà đầu tư chiến lược tại công ty cho thuê tài chính Việt Nam.
Tổ chức muốn mua cổ phần và trở thành nhà đầu tư chiến lược cũng có kinh nghiệm hoạt động quốc tế trong lĩnh vực tài chính ngân hàng từ 5 năm trở lên; có tổng tài sản tối thiểu tương đương 20 tỷ USD vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ mua cổ phần.
Đồng thời, phải có văn bản cam kết và kế hoạch rõ ràng về việc gắn bó lợi ích lâu dài với tổ chức tín dụng Việt Nam, hỗ trợ tổ chức tín dụng Việt Nam áp dụng công nghệ hiện đại; phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; nâng cao năng lực tài chính, quản trị, điều hành.
Phải đủ nguồn tài chính mới được sở hữu 10% nhà băng Việt
Nghị định 01 cũng đưa ra tối thiểu 5 điều kiện đối với tổ chức nước ngoài sở hữu 10% vốn điều lệ TCTD. Theo đó, tổ chức đó phải được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có uy tín xếp hạng từ mức ổn định hoặc tương đương trở lên.
Điều kiện không thể thiếu là có đủ nguồn tài chính để mua cổ phần được xác định theo báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập năm liền kề trước năm nộp hồ sơ và nguồn vốn mua cổ phần hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Và một nội dung quan trọng là việc mua cổ phần không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam; không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh trong hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam.
Các tổ chức này cũng phải đáp ứng không vi phạm nghiêm trọng pháp luật về tiền tệ, ngân hàng, chứng khoán và thị trường chứng khoán của nước nơi nhà đầu tư nước ngoài đặt trụ sở chính và Việt Nam trong thời hạn 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ mua cổ phần.
Ngoài ra, tổ chức phải có tổng tài sản tối thiểu tương đương 10 tỷ USD đối với nhà đầu tư nước ngoài là ngân hàng, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính hoặc có mức vốn điều lệ tối thiểu tương đương 1 tỷ USD đối với nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức khác vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ mua cổ phần.
Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...