Điện là mặt hàng rất kỳ lạ: Tăng giá, tăng giá và tăng giá!

Thứ sáu - 12/06/2015 03:29 - Đã xem: 753
Chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về giá điện, ĐB Nguyễn Sỹ Cương ví von: “Ở nước ta, điện là mặt hàng rất kỳ lạ. Tăng giá, tăng giá và tăng giá! Tăng rồi, tăng tiếp và tăng nữa!”.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Huy Hoàng chiều nay 11-6, đề cập ngay đến tình hình suy giảm xuất khẩu đáng lo ngại, nhất là mặt hàng nông nghiệp ứ đọng không tiêu thụ, khiến người nông dân vượt qua sức chịu đựng, ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) yêu cầu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích việc giá vật tư nông nghiệp tăng cao, giá điện liên tục tăng cao khiến bà con nông dân ngày càng khó khăn?

Tương tự, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng vấn đề tiêu thụ sản phẩm cho nông dân là vấn đề rất nóng. “Nhiều cử tri nói với tôi rằng, hệ thống lưu thông, vận chuyển tiêu thụ sản phẩm cho nông nghiệp là một trong những nguyên nhân gây ách tắc. Trong khi dưa hấu miền Trung chỉ bán được vài ngàn đến vài trăm đồng, thậm chí phải đổ đi trong khi Hà Nội vẫn phải mua với giá 18-20.000 đồng/kg”- ĐB Cương chỉ ra.

Nói về điện, ĐB đến từ Ninh Thuận ví von: “Ở nước ta, điện là mặt hàng rất kỳ lạ. Tăng giá, tăng giá và tăng giá! Tăng rồi, tăng tiếp và tăng nữa! Đó là điệp khúc mà có lẽ ra đời từ thuở khai sinh ra ngành điện”.

Theo ĐB Cương, việc tăng giá điện không phải là không có lý. Nhưng lẽ ra việc tăng giá điện phải khiến người dân được lợi vì nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia sản xuất. Về mặt lý thuyết, giá bán lẻ cũng là một trong những điều khoản thu hút vốn của các nhà đầu tư. Một khi có nhiều DN cùng tham gia sản xuất thì giá bán sẽ giảm. Khi đó, người dân sẽ được hưởng một mức giá cạnh tranh nhất. “Nói vậy quá đúng, đúng với tất cả các ngành nhưng không đúng với ngành điện. Vậy xin Bộ trưởng cho biết, bao giờ lý thuyết ấy đúng với ngành điện?” - ĐB Cương đặt câu hỏi.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận): “Ở nước ta, điện là mặt hàng rất kỳ lạ. Tăng giá, tăng giá và tăng giá! - Ảnh chụp qua màn hình
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận): “Ở nước ta, điện là mặt hàng rất kỳ lạ. Tăng giá, tăng giá và tăng giá!" - Ảnh chụp qua màn hình

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, điện và xăng là hàng hóa hết sức đặc biệt liên quan đến đời sống xã hội vì vậy dù chỉ biến động nhỏ cũng có tác động đến xã hội, người dân.

“Mỗi khi đứng trước việc điều chỉnh giá, chúng tôi thấy hết sức băn khoăn. Trong tính toán thì rất thận trọng để điều chỉnh theo lộ trình giá thị trường nhưng cũng phải giảm thiểu tác động đến nhân dân, nhất là người nghèo ở nông thôn” - Bộ trưởng giãi bày.

Trả lời vấn đề của ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Sản phẩm nông nghiệp nhất là rau, quả, ngắn ngày như dưa hấu, vải thì việc trồng phân tán (trừ cây vải) nên việc tiêu thụ trong nước dài như nước ta hoặc xuất khẩu gặp không ít khó khăn.

Chính phủ đã thiết lập nhiều văn bản về hệ thống phân phối, bảo quản như hệ thống chợ nông thôn. Ta đã xây dựng mới, nâng cấp 8.500 chợ truyền thống tiêu thụ 40% hàng hoá bán lẻ của cả nước; hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị có 900 và tiêu thụ 20% sản phẩm; hệ thống kho bãi phân loại, lưu trữ nông sản với trên 1 triệu m2 của các DN; dịch vụ hậu cần có 1.200 DN tham gia lĩnh vực này tuy nhiên quy mô nhỏ nên chưa đóng góp nhiều.

Trong tiêu thụ sản phẩm thì gắn kết mạnh mẽ cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, nhất là tiêu thụ nông sản”.

Bộ trưởng lý giải: “Về giá quả dưa hấu lên đến 18.000-20.000 ở thị trường nhưng ở ruộng chỉ khoảng 2.000 đồng, hao hụt sau thu hoạch lớn khoảng 20% nên giá cũng đẩy lên; rồi giữa địa bàn sản xuất và tiêu thụ xa nên giá cũng đẩy lên; hàng bị loại trước khi đưa vào siêu thị, chợ nên giá đẩy lên”.

Bộ trưởng kết luận câu chuyện quả dưa hấu: “Chúng tôi có thống kê: dưa bán ở ruộng 2.500 đồng/kg nhưng vào chợ dân sinh 12.000 đồng và vào siêu thị là gần 20.000 đồng, đây là câu chuyện kết cấu hạ tầng lưu thông hàng hóa”

Nói về điện, Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề không mới nhưng luôn được sự quan tâm. “Năm 2013 chúng ta điều chỉnh giá điện và suốt 2014 chúng ta giữ ổn định và đến 3-2015 mới điều chỉnh tăng 7,5%. Đây là chủ trương đưa giá điện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Điện chỉ thay đổi là khi có sự điều chỉnh của tỉ giá, thay đổi về nhiên liệu, kết cấu sản lượng điện thay đổi” - Bộ trưởng giải thích.

Chính phủ cho phép nếu điều chỉnh tăng giá dưới 10% thì bộ Công Thương và Bộ Tài chính quyết, còn trên 10% thì Chính phủ xem xét. Vừa qua giá xăng tăng cũng đã có ý kiến của 4 bộ tham gia ý kiến.

Chưa thoả mãn với câu trả lời của Bộ trưởng, ĐB Nguyễn Sỹ Cương tiếp tục chất vấn hỏi lại bao giờ ngành điện hết độc quyền?

Tiếp tục phiên chất vấn, chiều nay 11-6, ngay sau phần kết thúc trả lời chất vấn Quốc hội của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đăng đàn trả lời chất vấn về những vấn đề rất nóng, đang được xã hội quan tâm.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ trực tiếp trả lời chất vấn về giải pháp phát triển thị trường trong và ngoài nước trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia, ký kết nhiều hiệp định thương mại và đang đàm phán tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trách nhiệm và giải pháp xử lý tình trạng dư thừa sản phẩm, giảm sút kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hóa nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh lưu thông hàng hóa do Việt Nam sản xuất, đặc biệt là hàng nông sản, thực hiện chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thực trạng và giải pháp phát triển mạng lưới điện cho khu vực nông thôn; trách nhiệm quản lý nhà nước về giá điện gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Thông tin và Truyền thông tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan.

Việc tiêu thụ nông sản khó khăn thời gian qua thu hút sự chú ý của dư luận - Ảnh: Dưa hấu bị hỏng vứt đầy vỉa vè và bên vệ đường ở cửa khẩu Tân Thanh do ùn tắc ở cửa khẩu quá lâu trong thời tiết nắng nóng chờ xuất sang Trung Quốc (Văn Duẩn)
Việc tiêu thụ nông sản khó khăn thời gian qua thu hút sự chú ý của dư luận - Ảnh: Dưa hấu bị hỏng vứt đầy vỉa vè và bên vệ đường ở cửa khẩu Tân Thanh do ùn tắc ở cửa khẩu quá lâu trong thời tiết nắng nóng chờ xuất sang Trung Quốc (Văn Duẩn)

Đây là kỳ họp thứ 2 liên tiếp mà Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Trước đó tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đã đăng đàn về những nội dung liên quan đến giải pháp quản lý thị trường, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng giả, hàng lậu, nhất là hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp

 

V. Duẩn-N. Quyết

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây