Đua nhau “vẽ” điều kiện kinh doanh

Thứ năm - 08/10/2015 03:42 - Đã xem: 748
Chính phủ đã liên tiếp ban hành 2 Nghị quyết 19 trong 2 năm 2014 và 2015 để cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, các bộ, ngành không những triển khai chậm mà còn “vẽ” thêm điều kiện

Đó là nhận định của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), khi đánh giá về công tác cải cách thủ tục hành chính. Trước đó, CIEM đã rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh để phục vụ cho việc thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (DN) và Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2015-2016. Kết quả, có 3.299 điều kiện kinh doanh quy định tại 170 thông tư, quyết định của các bộ.

Doanh nghiệp than trời

Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GiG), kể câu chuyện liên quan đến việc cấp chứng nhận C/O (chứng nhận xuất xứ hàng hóa). Bộ Công Thương bắt đầu thí điểm cấp C/O điện tử mẫu D nhưng Tổng cục Hải quan không cấp tờ khai hải quan có xác nhận. Từ đây lại nảy sinh vấn đề là căn cứ cấp C/O của Bộ Công Thương không đầy đủ. Do đó, yêu cầu phải có giấy cam kết đúng hay sai. Thế là hòa vì bớt tờ khai hải quan nhưng lại tăng lên một tờ cam kết.

 

Dự thảo thông tư của Bộ Công Thương quy định người bán hàng phải khám sức khỏe - được coi là một loại giấy phép con Ảnh: Nguyễn Hưởng
Dự thảo thông tư của Bộ Công Thương quy định người bán hàng phải khám sức khỏe - được coi là một loại giấy phép con Ảnh: Nguyễn Hưởng

 

Ông Trương Văn Cầm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, phản ánh kiểm tra chuyên ngành chiếm đến 72% thời gian từ khi hàng chuyển về đến lúc được thông quan. Trong khi đó, công tác hậu kiểm theo tinh thần của Nghị quyết 19 triển khai được một thời gian xong lại thôi. Hàng dệt may đến thời điểm ký đơn hàng phải có hàng để sản xuất, xuất khẩu nhưng thời gian lưu kho chi phí quá tốn kém. Có đơn vị phản ánh hàng kiểm tra không phát hiện ra vấn đề gì trong khi mở một container ra tốn ít nhất 2 triệu đồng.

“Hàng hóa phải gửi ra Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế kiểm nghiệm mất 3 tuần. Có giấy rồi lại mất thời gian đăng ký, đến khi hàng về được rất nhiêu khê. Vậy để củng cố năng lực cạnh tranh bằng các nước xung quanh thì phải có định hướng thế nào gỡ khó cho các DN trong nước?” - ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đặt vấn đề.

Nhiều bộ giậm chân tại chỗ

Trong khi Chính phủ liên tiếp ban hành Nghị quyết 19 năm 2014 và Nghị quyết 19 năm 2015 nhằm cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh thì các bộ, ngành không những triển khai chậm mà còn thêm các điều kiện khác.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh - CIEM, nhiệm vụ của Bộ Công Thương là chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 187/2013 đối với hàng hóa thuộc Danh mục quản lý chuyên ngành của các bộ với tinh thần của Nghị quyết 19 nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin nào về kết quả triển khai. Hay việc sửa đổi Thông tư 32 về hàm lượng formaldehyde tồn dư trên sản phẩm dệt may cũng chưa thấy sửa đổi.

Mới đây, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo thông tư quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Theo đó, chủ cơ sở và người sản xuất, kinh doanh trực tiếp phải có giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm; tổ chức khám sức khỏe cho chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh ít nhất một lần/năm… Quy định này lại mâu thuẫn với quy định cấp bộ không được ban hành điều kiện kinh doanh trong Luật Đầu tư mới có hiệu lực từ tháng 7-2015.

“Thông tư thì chỉ cần 1 tuần, 1 tháng là xử lý được nếu như bộ trưởng xắn tay lên làm, chứ không phải đợi đến 2 năm nhưng các bộ lại triển khai chầm chậm và cùng lúc đó, các quyết định khác sinh ra bù đắp thêm. Khả năng thực hiện mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng đơn giản hóa thủ tục khó đạt được” - TS Nguyễn Đình Cung nhận xét.

 

Luật nào cũng phục vụ dân!

Bộ Y tế cũng phải cắt giảm nhiều thủ tục theo Nghị định 197/2013 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được thông tin chính thức hay một báo cáo nào của Bộ Công Thương.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, các quy định đưa ra phải phù hợp với tinh thần của luật và điều kiện quản lý thực tế. Luật An toàn thực phẩm hay Luật Đầu tư cũng đều là văn bản quản lý nhà nước với mục đích cao nhất là phục vụ người dân, trong đó có nhu cầu tối thiểu là được sử dụng thực phẩm an toàn. Khi nhận được văn bản lấy ý kiến về vấn đề này, cục sẽ nghiên cứu, góp ý, trình lãnh đạo Bộ Y tế.

N.Dung

 

PHƯƠNG NHUNG

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây