Người tiêu dùng nên cẩn trọng khi mua hàng trả góp

Thứ năm - 05/11/2015 21:26 - Đã xem: 945
Thời gian gần đây, nhiều hình thức cho vay hấp dẫn như vay tiêu dùng, cho vay mua hàng trả góp… với thủ tục nhanh gọn đang "nở rộ" tại nhiều điểm cầm đồ, bán máy tính, xe máy, điện thoại di động trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích trước mắt mà hình thức này mang lại, người tiêu dùng cũng nên cẩn trọng khi đặt bút ký bản hợp đồng ghi nợ để mua hàng.

Mặc dù treo bảng thông báo bán sản phẩm trả góp với lãi suất 0%, nhưng khi người tiêu dùng mua hàng thì giá bán thực tế tại nhiều cửa hàng điện thoại, máy tính lại cao hơn

Dạo quanh một số cửa hàng bán xe máy, điện thoại di động trên địa bàn Gia Nghĩa, ở nơi nào cũng có nhiều thông báo mua hàng trả góp, với lãi suất rất hấp dẫn.

Vào vai là khách hàng muốn mua máy tính bảng theo hình thức trả góp, chúng tôi được đội ngũ nhân viên của một cửa hàng bán điện thoại, máy tính tại đường Huỳnh Thúc Kháng tư vấn rất tận tình. “Chị cứ thoải mái chọn sản phẩm nào ưa thích. Ở đây toàn là hàng chính hãng, giá cả rất “mềm”, mà thủ tục mua, bán cũng nhanh gọn nên chị cứ yên tâm”, chị N.T.H, nhân viên của cửa hàng nhanh nhẹn nói. Không chỉ có sản phẩm này, mà qua dò hỏi các nhân viên thì với bất kỳ sản phẩm nào tại đây, khách hàng chỉ cần có Chứng minh nhân dân, bản sao hộ khẩu thường trú đều có thể mua hàng trả góp, với thủ tục rất nhanh gọn. Các gói lãi suất từ thấp đến cao cũng được các nhân viên tư vấn rất nhiệt tình.

Cụ thể như mặt hàng máy tính bảng hiệu Sam Sung Galaxy, với giá là 7,3 triệu đồng, nếu khách mua theo hình thức trả góp thì phải trả trước 30%, tức là 2,2 triệu đồng, còn nợ lại 5,1 triệu đồng. Nếu chọn gói trả góp 6 tháng, người mua phải nộp mỗi tháng 1,298 triệu đồng. Vậy trong vòng 6 tháng, người mua phải trả gần 7,8 triệu đồng. Cộng cả gốc lẫn lãi, từ giá 7,3 triệu đồng, người mua trả dần sau 6 tháng, sản phẩm này có giá gần 10 triệu đồng. Đây là mức lãi suất không hề thấp so với các thông tin chào hàng, quảng cáo, thậm chí còn cao hơn khá nhiều so với lãi suất ngân hàng thời điểm hiện tại. Còn nếu khách hàng lựa chọn gói trả góp 12 tháng, thì giá trị của mặt hàng mua trả góp tăng lên rất nhiều do mức lãi suất cao hơn.

Không riêng gì máy tính, điện thoại, mà sản phẩm có giá trị lớn hơn như xe máy và một số sản phẩm khác hiện cũng được các cửa hàng rao bán với hình thức mua trả góp. Tìm hiểu tại nhiều cửa hàng xe máy trên địa bàn Gia Nghĩa, khách hàng cũng dễ dàng mua trả góp mà chỉ cần có bản phô tô Chứng minh nhân dân và bản sao hộ khẩu thường trú. Khi đồng ý các điều khoản mà cửa hàng đưa ra, chỉ trong vòng từ 1 đến 2 ngày là khách hàng có thể lấy được “con xe” theo sở thích về sử dụng.

Ngoài thủ tục nhanh chóng, đơn giản, tại một số cửa hàng thế giới di động ở Đắk Mil, Gia Nghĩa còn thông báo bán hàng trả góp với lãi suất thấp hoặc 0%. Thông báo “hấp dẫn” là vậy, nhưng khi tìm hiểu thì giá bán của sản phẩm trong gói lãi suất này lại cao hơn sản phẩm cùng loại mua theo hình thức trả ngay khá nhiều. Chưa kể, trong nhiều trường hợp, khi người tiêu dùng “vướng” phải những điều khoản ràng buộc thì sẽ phải chịu số tiền phạt khá cao so với thực tế.

Khi được hỏi về nguyên nhân, chị T.H.D, nhân viên bán hàng tại cửa hàng thế giới di động ở Đắk Mil lý giải: “Lãi suất thấp chỉ dành cho những sản phẩm có giá trị ít, còn nếu những sản phẩm có giá trị cao thì bắt buộc người mua phải chịu mức lãi suất nhất định”.

Thực tế, mua hàng trả góp là hình thức giúp cho người tiêu dùng chưa đủ tiền mà vẫn có thể mua sắm được các thứ hàng hóa cần thiết để giải quyết khó khăn trong cuộc sống bằng cách trả dần qua hàng tháng. Điều đáng nói, bên cạnh một số người chấp nhận lãi suất cao để có được sản phẩm yêu thích, có một số trường hợp khác không hiểu rõ hợp đồng, nhân viên bán hàng tư vấn không đầy đủ, chính xác về mức lãi suất vay, lãi phạt… làm cho người mua không biết chính xác về nghĩa vụ của mình, dẫn tới thực hiện sai hợp đồng và phát sinh khoản tiền phạt.

Chưa kể, với nhiều hình thức khuyến mãi bắt mắt, hấp dẫn, một số người tiêu dùng mặc dù thực sự chưa có nhu cầu mua hàng và cũng chưa đủ tiền nhưng vẫn mua trả góp dẫn đến giá trị sản phẩm tăng cao, ảnh hưởng đến kinh tế chi tiêu… Do vậy, để mua được mặt hàng tốt, tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu kỹ về lãi suất, nhu cầu thực sự trước khi đồng ý mua hàng hóa với hình thức này.

Bài, ảnh: Nguyễn Lương

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây