Tác giả Flappy Bird Nguyễn Hà Đông: Thiền định, lập dị hay toan tính?

Thứ ba - 18/02/2014 11:44 - Đã xem: 1634
Câu chuyện về Nguyễn Hà Đông - tác giả của game di động Flappy Bird - đang trở thành tâm điểm của các hãng thông tấn và truyền thông trong nước và quốc tế. Cùng với quyết định gỡ bỏ Flappy Bird khỏi kho ứng dụng, chàng cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội 29 tuổi đang càng làm cho dư luận đi hết bất ngờ này và đến tò mò khác.

Nguyễn Hà Đông là ai?

Cho đến khi đã trở thành tâm điểm của giới truyền thông và nổi tiếng thế giới, những thông tin về Nguyễn Hà Đông cũng không nhiều. Chỉ biết rằng, chàng trai này là một lập trình viên tự do, sống cùng gia đình tại Hà Đông (Hà Nội) và còn có một người em.

Anh được cho là một người kín đáo, rụt rè, ít khi ra phố và giao tiếp bên ngoài. Ngoài những khi phải đi làm hay công việc, còn thì hầu hết thời gian Đông ở nhà làm việc, cùng với thói quen hay đi cắt tóc.

Đông đến với việc phát triển game khi còn là sinh viên. Và từ đó tới nay, công việc này luôn là sở thích và đam mê của anh. Bốn năm qua, Nguyễn Hà Đông đã làm gần 30 game.

Ngoài Flappy Bird đứng đầu bảng trên App Store và Google Play thì Đông còn có hai game Super Ball Juggling và Shuriken Block xếp hạng thứ hai và thứ sáu trên App Store. Đông đã từng nhận được một số giải thưởng về phát triển game, nhưng có lẽ những game lọt vào top 10 trên App Store mới là giải thưởng đáng tự hào nhất của anh từ trước tới nay.

Cũng như nhiều người làm game tự do khác, Đông đã từng làm cho một số công ty phát triển game trong và ngoài nước, nhưng sự thành công chỉ đến khi anh xây dựng sự nghiệp riêng là Cty Gears, với đầy đủ cả hai yếu tố tiền tài và danh vọng.

Từ trò chơi gây bực tức cho nhiều người…

Flappy Bird là game được cho tải miễn phí trên App Store và Google Play. Hầu hết những người đã chơi qua Flappy Bird sau khi đã tải về trên điện thoại thông minh hay máy tính bảng đều công nhận rằng đây là một game rất khó chơi, thậm chí là một trong những game khó chơi nhất so với các game trên kho ứng dụng App Store từ trước tới nay.

Về thiết kế game khá đơn giản, giao diện không mới và cũng không có gì gọi là đẹp. Để chơi game này, người ta dùng tay chạm vào màn hình cảm ứng của điện thoại để khởi động cho chim vỗ cánh và bay qua khoảng trống giữa những cây cột dựng ngược nhau.

Mỗi lần bay qua được hai cây cột dựng ngược nhau thì ghi được 1 điểm. Nhưng thường thì, đa phần người chơi chỉ ghi đến điểm thứ hai là chim rơi và game kết thúc (game over) vì chim đụng vào cột. Cái khó ở đây là người chơi phải canh được nhịp chim bay khớp với cái chạm vào màn hình cảm ứng để điều khiển chim bay lên mỗi lần đã vượt qua một chướng ngại vật.

Chính vì độ khó của một trò giải trí như vậy nên khiến nhiều người chơi thất bại một, hai, ba… lần, lại tức khí muốn chơi tiếp. Nó kích thích và thách thức người chơi đến một độ nào đó có thể gây nên bực bội, vì thế mà đã có trường hợp người chơi hàng trăm lần nhưng vẫn chỉ ghi được lẹt đẹt vài điểm nên đã bực tức đập bàn ghế hay quẳng điện thoại.

Tất nhiên, với tính thách thức và độ khó cao như vậy, người nào chơi được lên đến hàng trăm điểm cũng cảm thấy rất “sướng” và tự hào.

Đến sự thành công ngoài mong đợi

Flappy Bird được đưa lên App Store ngày 24.5.2013. Tuy nhiên, suốt trong nửa cuối năm vừa qua game này chưa tạo được sự đột biến gì. Chỉ đến tuần cuối tháng 1.2014 (những ngày áp Tết Giáp Ngọ) thì Flappy Bird bất ngờ trở thành hiện tượng khi được tải nhiều nhất trên kho ứng dụng App Store của hãng Apple và đến những ngày đầu tháng 2.2014, nó đã gặt hái được kết quả là đạt trên 50 triệu lượt tải trên toàn cầu.

Lần đầu tiên, Việt Nam có một game dành cho thiết bị di động (điện thoại thông minh, máy tính bảng) đứng đầu thế giới và tác giả của nó - Nguyễn Hà Đông - trở thành nhân vật được nói đến nhiều, được săn đón để thông tin và trên thực chất Đông đã trở thành nhân vật tâm điểm của giới truyền thông về game nói riêng và công nghệ nói chung của thế giới.

Đến nỗi chính Nguyễn Hà Đông đã chia sẻ trong sự ngỡ ngàng rằng anh không ngờ sự thành công đạt mức ngoài mong đợi như vậy. Các hãng thông tấn lớn nhất thế giới đã đề cập đến Nguyễn Hà Đông và game của anh. Nguyễn Hà Đông không chỉ nổi tiếng, mà còn cho biết mỗi ngày anh thu về khoảng 50.000USD, tức tương đương hơn 1 tỉ đồng từ tiền quảng cáo trong game.

Theo các chuyên gia, nguồn thu khủng từ một game nhỏ bé của Nguyễn Hà Đông là hoàn toàn khả thi. Trong game Flappy Bird được cài đặt loại hình quảng cáo cho điện thoại di động (còn gọi là AdMob, hay Adsense for Mobile) của Hãng Google, theo đó mỗi lần người chơi click chuột (chạm) vào mẫu quảng cáo thì tác giả game sẽ thu được tiền. Cũng theo các chuyên gia, chi phí cho mỗi lần click chuột như vậy là 0,2USD, được xem là mức giá trung bình thấp.

Theo tính toán, với 50 triệu lượt tải, mỗi ngày chỉ cần 20% trong số đó (tương đương 10.000.000 người) chơi game Flappy Bird, nhân với số tiền 0,2USD/mỗi click và tỉ lệ click vào quảng cáo trung bình ở mức 0,5%, thì nguồn thu về cũng được 100.000USD/ngày.

Trung bình mỗi ngày thu về hơn 1 tỉ đồng, thì chẳng bao lâu Nguyễn Hà Đông có thể trở thành triệu phú đôla nhờ vào một game nhỏ bé mà anh chỉ cất công thiết kế trong vòng ba ngày. Điều này cho thấy, làm game nếu thành công, thì việc kiếm tiền tỉ hoàn toàn trong tầm tay.

Và quyết định bất ngờ: Gỡ bỏ game

Trong lúc game Flappy Bird đang ngự ở đỉnh cao thế giới giúp cho Nguyễn Hà Đông kiếm ra tiền tỉ mỗi ngày thì vào lúc 2h rạng sáng ngày 9.2.2014, Nguyễn Hà Đông tuyên bố rằng sẽ tháo bỏ game khỏi hai kho ứng dụng App Store và Google Play.

Dư luận bất ngờ về tuyên bố này và đa phần cho rằng anh nhằm PR gây sốc. Thế nhưng đến rạng ngày 10.2.2014, Nguyễn Hà Đông đã tháo game khỏi hai kho ứng dụng. Điều này khiến dư luận càng khó hiểu và đoán già đoán non…

Sự suy đoán lớn nhất thiên về nguyên nhân cho rằng thiết kế ống trong game của Nguyễn Hà Đông nhái theo ống khói trong game Mario của hãng game Nhật Bản Nintendo từng rất thành công và hãng này chuẩn bị kiện Hà Đông với đòi hỏi bồi thường 6 tỉ USD.

Tuy nhiên, trên trang mạng xã hội Twitter của mình Hà Đông lại cho rằng việc tháo bỏ game không vì liên quan đến vấn đề bản quyền, mà vì nó đang phá hủy cuộc sống bình yên của anh, vì dư luận khiến anh bất an.

Chính đại diện Hãng Nintendo trả lời các hãng thông tấn quốc tế cũng cho biết rằng lúc này họ chưa có hành động kiện tụng gì tác giả game Flappy Bird và không có chuyện kiện để đòi 6 tỉ USD. Thế thì vấn đề càng trở nên khó hiểu hơn đối với quyết định của Nguyễn Hà Đông. Một số nguyên nhân nữa cũng được đồn đoán là Hà Đông tháo bỏ game có thể chuẩn bị cho kế hoạch mới, hay vì đã lộ ra chuyện thu nhập khủng v.v…

Tuy nhiên câu hỏi kết cục được đặt ra là: Nếu chỉ vì dư luận làm cuộc sống của Hà Đông bất an thì điều đó có đủ sức khiến anh bất chấp việc sụt giảm nguồn thu đến từ quảng cáo trong game mà đi đến quyết định tháo bỏ game? Mà nếu như thế, Nguyễn Hà Đông có thể là một người lập dị, không quá ham hố tiền nong, có lối sống thích ẩn dật phong thái đạo Lão hay không gian thiền tịch kiểu nhà Phật.

Việc tháo bỏ game, chủ động tránh xa giới truyền thông cũng đồng nghĩa tránh xa sự thổi bùng để nổi tiếng hơn gợi nhớ nhà toán học lừng danh thế giới người Nga nhưng cũng cực kỳ lập dị là Grigori Perelman.

Ông đã ít nhất hơn hai lần từ chối nhận các giải thưởng toán học danh giá hàng đầu thế giới như Huy chương Fields (được ví là Nobel toán học, mà Giáo sư Ngô Bảo Châu của Việt Nam đã từng nhận) hay giải thưởng của Viện Toán học Clay (Mỹ) - mỗi giải thưởng có giá trị hiện kim hơn 1 triệu USD - chỉ để được sống một cuộc đời bình yên và lặng lẽ tại quê nhà.

Tạm kết

Lúc này, sau khi Nguyễn Hà Đông gỡ bỏ game Flappy Bird khỏi hai kho ứng dụng, nhiều hãng truyền thông nước ngoài tỏ ra tiếc và cho rằng Đông vội vã, trong khi một số chuyên gia trong nước cho rằng anh làm như thế là đúng lúc vì sự nổi tiếng hay nguồn thu cũng đã đủ… Song tất cả những lý giải dường như vẫn chưa thể được xem là đủ đối với dư luận.

Cần nhớ rằng, dù Hãng Nintendo lúc này cho rằng chưa có động thái kiện tụng gì đối với Hà Đông, nhưng không có nghĩa là họ không thể làm, đặc biệt là trong tương lai nếu nguồn thu từ game Flappy Bird còn khủng hơn hiện nay gấp chục, gấp trăm lần.

Vì ai từng chơi game Mario của Nintendo và hiện chơi Flappy Bird cũng dễ dàng nhận thấy rằng sự giống nhau của hai thiết kế ống gần như hai giọt nước vậy. Chính vì thế, một khi Hà Đông chủ động tháo bỏ game khi có dư luận cho rằng anh ăn cắp thiết kế, thì Hãng Nintendo cũng chẳng còn hứng thú để kiện.

Tuy nhiên, đằng sau những vấn đề dư luận về bản quyền thiết kế, nguồn thu, việc đóng thuế, sự may mắn v.v…, thì cũng cần nhìn nhận rằng từ nội dung đến giao diện game không có gì mới, nhưng nó đã chạm vào được người chơi và lại là người chơi toàn cầu. Đây là cái khó đạt được nhất của những người làm game nói riêng và làm các sản phẩm tiêu dùng dành cho người dùng cá nhân nói chung.

Sự thành công này có thể xem như là tài năng khác biệt của Nguyễn Hà Đông - một chàng trai trẻ, đã không ngừng đam mê và làm việc trong lĩnh vực game và sự thành công của Flappy Bird có thể xem như phần tưởng thưởng ngọt ngào xứng đáng dành cho anh mà ngay cả các trang báo mạng nước ngoài cũng phải nhìn nhận và xin lỗi anh vì có lúc nhận xét về anh nặng lời.

Vì thế, Nguyễn Hà Đông dù có là người lập dị, thích cuộc sống lặng lẽ thiền định hay im lặng để toan tính thì anh cũng đã trở thành một biểu tượng thành công của làng game Việt Nam và giới trẻ, kích thích những chàng trai trẻ Việt Nam miệt mài làm việc để lập nghiệp và làm giàu.

 

“Tôi bỏ Flappy Bird vì gây nghiện cho người chơi”
Nguyễn Hà Đông bày tỏ rằng game đình đám của mình đã vô tình "trở thành một sản phẩm gây nghiện", "một rắc rối" và để giải quyết rắc rối này, cách tốt nhất chính là hạ Flappy Bird xuống. Đông cũng khẳng định “cái chết” của Flappy Bird là vĩnh viễn."Flappy Bird được thiết kế để chơi trong vài phút, khi người dùng muốn thư dãn" - Đông giải thích với Forbes. Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều fan đã chơi đi chơi lại hàng giờ liền trò chơi này và thậm chí còn dọa giết tác giả vì game quá khó đạt điểm cao. Liên quan đến bài báo trên The Verge đăng tải tuần trước ước tính Đông có thể kiếm được khoảng 50.000USD mỗi ngày từ quảng cáo, anh chỉ nói rằng: "Tôi không biết con số chính xác là bao nhiêu, chỉ biết là nhiều". Đ.S (Theo Forbes)

 

Lần đầu tiên, Việt Nam có một game dành cho thiết bị di động đứng đầu thế giới và tác giả của nó - Nguyễn Hà Đông - trở thành nhân vật tâm điểm của giới truyền thông thế giới. Anh không chỉ nổi tiếng, mà còn cho biết mỗi ngày anh thu về khoảng 50.000USD, tức tương đương hơn 1 tỉ đồng từ tiền quảng cáo trong game.

 

Nguồn tin: Lao Động Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây