Là lãnh đạo cao cấp nhất của nước Mỹ, Tổng thống Barack Obama phải đối mặt với nhiều vấn đề như khủng hoảng ngân sách, khó khăn về tài chính, vấn đề chăm sóc sức khỏe, các cuộc xung đột quốc tế… và có vẻ như Tổng thống Mỹ sẽ còn phải quan tâm thêm một vấn đề khác, sự tồn tại của trò chơi Flappy Bird.
Tuy nhiên, hôm 13/2 vừa qua, một lá thư thỉnh cầu đã được gửi lên trang web dành riêng cho các nội dung kiến nghị của Nhà Trắng được gửi bởi một công dân Mỹ có tên là viết tắt D.S, với nội dung yêu cầu Tổng thống Mỹ Barack Obama có sự can thiệp để giúp “hồi sinh” trò chơi Flappy Bird, game di động đã “gây sốt” trên iOS và Android trong thời gian qua.
Mặc dù đã bị “khai tử” nhưng Flappy Bird vẫn đang rất được nhiều người yêu thích
Mục đích của đơn kiến nghị được D.S đưa ra là nhằm “giúp hàng triệu người đã thất bại trong trò chơi cũng như những ai chưa từng được chơi trò chơi này”.
“Bởi vì đây là một trò chơi gây nghiện không như những thứ khác. Tôi có được may mắn khi vẫn có thể tiếp tục chơi trò chơi này. Mỗi lần thua, mắt tôi rực lửa như hàng ngàn mặt trời, nhưng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc vì cảm giác mà trò chơi mang lại. Tôi muốn tất cả mọi người có thẻ trải nghiệm cảm xúc mạnh mẽ như tôi”, D.S viết trong lá đơn kiến nghị của mình.
Để lá đơn kiến nghị đến được tay của Tổng thống Obama thì yêu cầu phải có đủ 100.000 chữ ký trước ngày 15/3, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, lá đơn kiến nghị của D.S đã bị gỡ bỏ khỏi trang web của Nhà Trắng với lý do vi phạm điều khoản các chính sách của trang web đưa ra. Vào thời điểm trước khi lá đơn kiến nghị của D.S bị gỡ bỏ, mới chỉ có 150 chữ ký ủng hộ kiến nghị này.
Tuy nhiên cho dù đơn kiến nghị của D.S có đến tay Tổng thống Obama và thậm chí cho dù Tổng thống Mỹ có can thiệp thì quyết định cuối cùng vẫn thuộc về tác giả Nguyễn Hà Đông, một chàng trai 29 tuổi sống tại Hà Nội.
Trước đó Hà Đông đã có quyết định gỡ bỏ trò chơi Flappy Bird của mình ra khỏi gian hàng ứng dụng của iOS và Android vào ngày 10/2 vừa qua, khiến không ít người cảm thấy bấ ngờ và tiếc nuối, nhất là trong khi Flappy Bird vẫn đang rất được yêu thích và gây được nhiều sự chú ý trong giới công nghệ và cộng đồng người dùng smartphone trên thế giới.
Về phía Hà Đông, lý do anh đưa ra cho quyết định bất ngờ của mình là vì lo ngại trò chơi Flappy Bird có thể gây nghiện cho người chơi và sự nổi tiếng của trò chơi đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư của Hà Đông.
Sau khi Hà Đông quyết định “khai tử” Flappy Bird, lập tức hàng loạt trò chơi “ăn theo” tựa game này đã xuất hiện trên kho ứng dụng của iOS, Android và thậm chí Windows Phone (bản thân Flappy Bird chưa có phiên bản trên Windows Phone), tuy nhiên những tự game “ăn theo” này đã bị Apple và Google gỡ bỏ khỏi kho ứng dụng của mình do lo ngại các trò chơi “mạo danh” để lan truyền mã độc.
Trong khi đó, bản thân D.S cũng cho biết không có trò chơi “ăn theo” này có thể cạnh tranh với phiên bản gốc của Flappy Bird.
“Không có một game sao chép nào có thể cạnh tranh với trò chơi này”, D.S viết trong đơn kiến nghị của mình.