Nghệ nhân Y K’rang ở bon Pi Nao, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) năm nay đã ngoài 100 tuổi không chỉ am hiểu tường tận mà còn có thể sử dụng, trình diễn được rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau như: chiêng, tù và, nung, m’buốt, sáo, kèn dây…
Nghệ nhân Y K’rang. Ảnh: Duy Thoan |
Ông luôn nhiệt tình tham gia vào các lễ hội tại địa phương cũng như ngoài tỉnh mỗi khi được mời. Say mê với văn hóa dân tộc mình, ông đã nhiệt tình truyền lại kỹ thuật diễn tấu và các bài chiêng cổ truyền thống của người M’nông cho thế hệ trẻ trong bon.
Các nghệ nhân trẻ như Y Lanh, Y Măng, H’Hem, H’Gái… cũng là học trò của nghệ nhân Y K’rang. Nhờ có những đóng góp của ông mà Câu lạc bộ cồng chiêng bon Pi Nao có thể trình diễn được hơn 10 bài chiêng cổ nhất hiện nay.
Bên cạnh khả năng biểu diễn nhạc cụ, ông còn chế tác và khôi phục lại một số nhạc cụ truyền thống như: m’buốt, drơn, mló, chiêng ống, chiêng tre, kèn ống, kèn rlet… Với những đóng góp to lớn đó, nghệ nhân Y K’rang đã vinh dự được UBND tỉnh tặng 2 Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển văn hóa dân tộc.
Nghệ nhân K’Tiêng ở bon N’jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) thì ngay khi còn nhỏ đã được cha truyền dạy cho các kỹ thuật đánh cồng chiêng, và mỗi khi bon làng tổ chức lễ hội thì ông lại tìm đến để được nghe âm thanh cồng chiêng.
Nghệ nhân K’Tiêng |
Ông luôn chú ý lắng nghe từng nốt âm phát ra rồi về tự học trong trí nhớ, còn những bài chiêng khó thì nhờ những người già trong bon chỉ dẫn. Cứ thế, kiến thức về cồng chiêng cũng như văn hóa của người Mạ trong ông ngày càng nhiều và ông có thể đánh hơn 10 bài chiêng liên tiếp mà không hề biết mệt. Không chỉ đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng, ông còn biết sử dụng cũng như chế tác các loại nhạc cụ bằng tre nứa.
Điều đáng ghi nhận nữa là ông không những tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ do địa phương tổ chức mà còn sẵn sàng truyền dạy cồng chiêng cho các bạn trẻ trong bon cũng như những ai có nhu cầu. Ông đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII); đạt giải khuyến khích Liên hoan dân ca Việt Nam tại TP. Đà Nẵng năm 2009.
Nghệ nhân Điểu Niă ở bon Bu Prâng, xã Đắk N’drung (Đắk Song) đã truyền dạy cồng chiêng, kỹ thuật làm cây nêu cho hơn 20 bạn trẻ trong bon.
Nghệ nhân Điểu Niă |
Theo lời ông kể thì khi mới 15 tuổi, ông đã biết đánh cồng chiêng cũng như cách thức làm cây nêu, ngôi nhà truyền thống của người M’nông. Không chỉ biết làm mà ông còn hiểu tường tận ý nghĩa của từng biểu tượng, vật dụng trang trí trên cây nêu, ngôi nhà truyền thống và các nghi thức, lời cúng trong các lễ hội.
Và rồi, bằng kiến thức đó, ông đã không ngần ngại truyền lại cho thế hệ trẻ. Bởi vì, ông cho rằng, văn hóa truyền thống là vốn quý của dân tộc, nếu không truyền dạy cho thế hệ sau thì bản thân sẽ có lỗi với ông bà, tổ tiên. Mỗi khi địa phương tổ chức lễ hội gì quan trọng thì ông lại được mời để đọc các bài khấn, cúng. Ông đã được UBND tỉnh tặng 5 Bằng khen và nhiều giấy khen của các cấp vì có thành tích xuất sắc trong bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc.
Bài, ảnh: Gia Bình