Gặp nữ sinh Sư phạm “siêu” Toán

Chủ nhật - 19/01/2014 09:09 - Đã xem: 1066

Gặp nữ sinh Sư phạm “siêu” Toán

Với điểm tổng kết 3.64/4.0, Vũ Mai Trang (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) là một trong số ít sinh viên được nhận học bổng của chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học.

Mê làm cô giáo dạy Toán

Ít ai ngờ cô sinh viên xuất sắc của lớp chất lượng cao khoa Toán - Tin (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) lại từng học chuyên Anh tại Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội).

Đam mê trở thành một giáo viên dạy Toán chính là lý do khiến Mai Trang đánh liều rẽ ngang.

Trang tâm sự: Việc chuyển sang học Toán đối với mình có một số khó khăn nhất định, đặc biệt trong môi trường lớp Chất lượng cao của khoa.

Nhưng mình nghĩ, điều quan trọng nhất để đạt kết quả học tập tốt là thái độ học tập nghiêm túc, coi trọng và yêu thích, đam mê ngành học mà mình đã chọn.

Bản thân mình đã quyết tâm học tập, cũng như coi trọng và yêu thích môn Toán, với nghề Sư phạm. Thế nên có vẻ những nỗ lực cố gắng cũng dễ dàng đạt được thành quả hơn.

Vũ Mai Trang.
Vũ Mai Trang.

Không chỉ dừng lại ở việc học, cô sinh viên năm thứ ba đang có ý định tham gia một số nghiên cứu khoa học về Toán và phương pháp dạy học Toán trong học kì tới.

Ba đã mất vì bệnh nặng, hiện Trang đang nỗ lực cùng với anh trai bù đắp những thiệt thòi cho mẹ. Đó cũng là động lực khiến cô sinh viên mảnh mai không chùn bước trước khó khăn.

Ngôi sao tháng Giêng

Không chỉ nổi bật với thành tích học tập, Mai Trang còn là Liên chi hội trưởng Liên chi hội sinh viên khoa Toán - Tin, Ủy viên Ban thư ký Hội Sinh viên (Trường ĐHSP Hà Nội), đồng thời cũng là một cán bộ Đoàn của khoa.

Trang đứng đầu việc tổ chức các hoạt động hàng năm của khoa, của trường như: Chào sinh viên khóa mới, Tuần lễ Nghiệp vụ sư phạm, Lễ hội sinh viên 9/1, sự kiện chào mừng 8/3, Hội thao, Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học, Cuộc thi Hoa khôi…

Trang còn đam mê tình nguyện. Cô là gương mặt quen thuộc của chương trình Mùa hè xanh; đồng thời tham gia tình nguyện hàng tuần tại trường Sao Mai và trường câm điếc Nhân Chính khi còn là học sinh THPT.

Việc được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng giải thưởng Sao tháng Giêng vừa rồi, với Mai Trang là một sự ghi nhận lớn, nhưng cũng rất xứng đáng.

Trang tâm sự: Hoạt động Đoàn - Hội là ước mơ của mình từ khi chưa vào ĐH; khi thấy các anh chị sinh viên tình nguyện trên ti vi, báo đài, khi nghe những bà ca sinh viên cất lên hối thúc, rạo rực.

Hoạt động Đoàn - Hội tương thích với mong muốn được cống hiến giúp mọi người, xa hơn là giúp ích cho đất nước của mình. Đặc biệt mình cũng ý thức được hoạt động Đoàn - Hội là môi trường rèn luyện bản thân tuyệt vời cho mỗi sinh viên.

Mình đã trưởng trưởng thành, hoàn thiện hơn rất nhiều từ những hoạt động này. Trước hết là khả năng giao tiếp, giao tiếp với thầy cô, với các bạn, với các anh chị khóa trên các em khóa dưới, cả khả năng nói trước đám đông của mình cũng được cải thiện nhiều.

Cùng với đó là các kĩ năng sống, từ đơn giản nhất như tự chăm sóc bản thân hay quét dọn, mua sắm, nấu nướng, cắm hoa đến việc quản lí chi tiêu, quản lí sổ sách giấy tờ…

Cuối cùng, quan trọng nhất là hoạt động Đoàn - Hội mang lại cho mình những người bạn, người đồng chí, những người anh, người chị, người em tốt, cùng với đó là những niềm vui, tiếng cười và sự lạc quan yêu đời mà Đoàn - Hội mang lại, đúng là có một không hai trong cả đời người.

Trang cho rằng, điều quan trọng nhất mà bất kì cán bộ Đoàn – Hội nào cũng cần có là nụ cười. Luôn cười tươi trước tất cả mọi người, trước mọi tình huống hoàn cảnh vừa giúp công việc trở nên dễ dàng hơn, vừa giúp động viên mọi người và chính mình cố gắng hơn nữa.

“Thấm” “tứ đức” thời hội nhập

Quan niệm về chuẩn mực của một người phụ nữ thời nay của Trang cũng giống như quan niệm của Khổng Tử xưa, nằm trong 4 chữ “tứ đức”: công, dung, ngôn, hạnh. Công là nữ công gia chánh, Dung là dung nhan, Ngôn là lời nói, Hạnh là đức hạnh.

Nhưng, “công, dung, ngôn, hạnh” thời nay có khác xưa đôi chút. Đó là “công”, “dung”, “ngôn” hiện đại và hội nhập. “Công” bao gồm cả nữ công gia chánh và sự nghiệp công danh; “ngôn” là lời nói dễ nghe, hợp lòng người và có cả “ngôn” hội nhập - là ngoại ngữ ngoại giao; “dung” là cái đẹp hiện đại, đẹp và phù hợp với từng hoàn cảnh, từng đối tượng.

Trang cho rằng, nữ sinh thời nay cũng cần có đủ các phẩm chất “công, dung, ngôn, hạnh” ấy - vừa truyền thống lại vừa hiện đại, đặc biệt là nữ sinh sư phạm.

Để trở thành một người giáo viên tốt, theo Trang, trên giảng đường, sinh viên sư phạm đã và đang được trang bị đầy đủ các tri thức và kĩ năng nghiệp vụ sư phạm cần thiết.

Nhưng bên cạnh học tập trên giảng đường, nữ sinh sư phạm cũng cần hàng ngày rèn luyện tứ đức “công, dung, ngôn, hạnh”. Kết hợp lại, cùng với phương châm “Mô phạm - Sáng tạo - Cống hiến”, để tương lai sẽ không chỉ là những cô giáo tốt mà còn là những cô giáo mẫu mực cho nhiều thế hệ học trò.

... Đọc truyện để thêm yêu sống

Dù đã là sinh viên năm thứ ba nhưng Trang vẫn có một số sở thích khá “trẻ con” như đọc truyện tranh, xem phim hoạt hình.

Trong từng tập truyện tranh đã đọc, từng bộ phim hoạt hình đã xem với Trang luôn có ý nghĩa sâu sắc một cách đặc biệt. Trong đó, những bài học làm người được truyền tải nhẹ nhàng dưới lăng kính trẻ thơ nhưng lại thấm thía rất lâu. Chúng còn mang lại rất nhiều tiếng cười và niềm tin vào một cuộc sống luôn có những kết thúc có hậu như trong truyện cổ tích.

Gần đây, Trang còn bắt đầu thích lang thang khắp các hiệu sách cũ của Hà Nội. Trang thường cũng người bạn thân đi dọc các hiệu sách cũ trên đường Láng, khu Bách khoa hay ở gần trường.

Mỗi hiệu sách cũ là thế giới của những bất ngờ thú vị. Ở đó, Trang có thể bắt gặp những cuốn sách hay chưa bao giờ thấy ngoài các hiệu sách mới, bắt gặp những cuốn sách cổ giấy nâu đôi chỗ đã rách bìa, phai mực; bắt gặp cả những kí ức thú vị của mỗi cuốn sách qua những lời đề tặng đầu sách hay những câu ghi chú của những người chủ cũ.

Trang rất thích câu nói của một người bạn: “Mỗi cuốn sách cũ là một số phận, qua tay nhiều người và chìm nổi đều có đủ như một số phận thực sự.

Thậm chí số phận cuốn sách có khi còn dài hơn cả đời người. Bây giờ, quyển sách ấy nằm trên tay mình, được mình bọc lại, dán lại và dùng đến, hẳn quyển sách nó sẽ rất vui. Đó là câu nói một người bạn Trang nhớ mãi” - cô sinh viên mê sách tâm sự.

Theo Hiếu Nguyễn
GD TĐ

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây