|
Gấp 1,5 lần
Năm 2013, Trường ĐH Cần Thơ có 2.853 thí sinh các huyện nghèo và dân tộc ít người đủ điều kiện tuyển thẳng vào trường. Năm học đầu tiên, các thí sinh này được trường tổ chức học bổ sung kiến thức 20 tín chỉ/học kỳ với học phí mỗi kỳ là 3,23 triệu đồng. Cũng theo thông báo của trường, khi học chương trình ĐH chính thức, các sinh viên (SV) phải đóng học phí theo số tín chỉ đăng ký trong từng học kỳ nhưng nhân thêm hệ số 1,5 so với SV khác. Những SV vào các ngành đào tạo giáo viên vẫn phải đóng học phí thay vì được miễn như quy định nhà nước dành cho SV ngành sư phạm. Giải thích lý do thu học phí như trên với các sở GD-ĐT, trường cho rằng: “Do đối tượng này không thuộc chỉ tiêu của Bộ giao và Bộ không cấp kinh phí hỗ trợ đào tạo”.
Điều này cũng được khẳng định trong dự thảo báo cáo về việc triển khai thực hiện chính sách đặc thù trong tuyển sinh ĐH, CĐ cho các tỉnh thành thuộc khu vực Tây Nam bộ của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ. Theo đó, đối tượng xét tuyển thẳng diện này không thuộc chỉ tiêu do Bộ phân giao nên các trường ĐH sẽ không nhận được sự hỗ trợ kinh phí đào tạo từ ngân sách nhà nước.
Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, nói: “Năm nay trường nhận được trên 170 hồ sơ xét tuyển thẳng của thí sinh huyện nghèo và dân tộc ít người. Trường đã gửi các thí sinh này sang Trường Dự bị ĐH TP.HCM để học bổ sung kiến thức. Hiện tại thí sinh chỉ đóng học phí cho một năm học dự bị, còn khi chuyển sang học tập chính thức tại trường thì chưa tính tới”. Cũng theo thạc sĩ Tuấn: “Học phí của thí sinh diện này chắc chắn sẽ có sự khác biệt so với SV bình thường, tuy nhiên khác thế nào trường phải nghiên cứu thêm. Vì hiện tại, chưa có hướng dẫn cụ thể nào về việc này”.
Xem lại chính sách ưu tiên
Ngược lại, nhiều trường ĐH như Sư phạm, Nông Lâm, Ngân hàng TP.HCM thu học phí như SV bình thường. Thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết năm học này trường chỉ thu học phí bổ sung kiến thức 4,5 triệu đồng/SV. Khi vào học chính thức ĐH, trường cũng chỉ thu học phí như SV bình thường, khoảng 4,8 đến 5,2 triệu đồng/năm các ngành đào tạo ngoài sư phạm và miễn học phí hệ sư phạm. Thạc sĩ Lâm nhấn mạnh: “Chỉ tiêu tuyển thẳng huyện nghèo không nằm trong tổng chỉ tiêu chung đã xác định, không có ngân sách bổ sung hỗ trợ kinh phí đào tạo nhưng các SV này thuộc diện chính sách cần được hỗ trợ nên trường chỉ thu học phí như bình thường”.
Cùng quan điểm, tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, chia sẻ: “SV huyện nghèo và dân tộc ít người là những đối tượng khó khăn, nếu không hỗ trợ thêm được thì ít nhất chỉ nên thu học phí bằng mức SV bình thường. Nếu thu học phí cao hơn thì chủ trương tạo điều kiện học tập cho SV khu vực khó khăn sẽ mất hết ý nghĩa”.
SV diện này là đối tượng nghèo nên đóng học phí như SV bình thường đã là hết sức khó khăn. Trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, bà Lê Bích Ngọc, cán bộ Phòng Đào tạo Trường Dự bị ĐH TP.HCM, thông tin: “Trong năm 2012, trường đào tạo 11 SV thuộc đối tượng huyện nghèo từ các trường ĐH: Sư phạm, Công nghiệp, Ngoại thương cơ sở 2, Kinh tế - Luật, Công nghệ thông tin và CĐ Giao thông vận tải TP.HCM. Danh sách các trường gửi đến thì nhiều nhưng số em đi học thực sự chỉ 30 - 50%.Các em này đều phải tự lo chi phí học tập trong vòng một năm”.
Thực tế này phần nào cho thấy cần phải xem lại tính khả thi của chính sách ưu tiên tuyển sinh, như Báo Thanh Niên đã nhiều lần đề cập.Bởi đây là những SV từ các địa phương nghèo hoặc chịu nhiều thiệt thòi nên khó khăn nhất đối với họ là chi phí trang trải việc học.Nếu phải đóng học phí cao thì họ vẫn gặp khó khăn và có thể sẽ không thể đeo đuổi việc học.Như vậy, vô hình trung chủ trương tuyển thẳng nhằm tạo điều kiện cho SV các huyện nghèo học ĐH, CĐ sẽ không còn khả thi.
Thu cao là sai quy định Trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định việc thu học phí của thí sinh tuyển thẳng huyện nghèo và dân tộc ít người cao hơn mức của SV đại trà là sai quy định. Bộ đã quy định rất rõ, thí sinh huyện nghèo đóng học phí theo mức quy định như trong Nghị định 49 của Chính phủ. Đồng thời, những thí sinh này cũng được hưởng chế độ miễn giảm học phí và vay vốn tín dụng giống như SV bình thường. Ông Ga nói thêm: “Việc tăng thêm chỉ tiêu tuyển thẳng này không là gánh nặng lớn với các trường, các trường hoàn toàn có thể cân đối được dựa vào nguồn thu học phí như quy định. Thêm nữa, số lượng SV trúng tuyển vào trường sau một năm bồi dưỡng kiến thức sẽ giảm rất nhiều so với số thí sinh đủ điều kiện xét tuyển.Ví dụ: Trường ĐH Cần Thơ năm 2012 có trên 2.600 thí sinh đủ điều kiện xét tuyển nhưng chỉ khoảng 700 SV trúng tuyển sau đó”. |
Năm 2012, hơn 2.600 thí sinh huyện nghèo tuyển thẳng Việc xét tuyển thẳng thí sinh các huyện nghèo vào ĐH, CĐ thực hiện bắt đầu từ năm 2012 ở 82 huyện. Đối tượng xét tuyển thẳng là thí sinh các dân tộc ít người, thí sinh các huyện nghèo có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp THPT tại các huyện này (riêng thí sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam bộ còn phải có học lực 3 năm phổ thông và tốt nghiệp THPT loại khá). Năm đầu triển khai, các trường trong cả nước đã tuyển được 2.638 thí sinh theo diện này. Năm nay, số lượng thí sinh đủ điều kiện đăng ký xét tuyển vào các trường khá cao, như ĐH: Tây nguyên trên 1.000, Y Dược Cần Thơ 161, Đà Lạt 168, Tiền Giang 46, Sư phạm TP.HCM gần 200... |
Hà Ánh
Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...