Triển khai Chương trình bảo đảm chất lượng giáo dục trường học: Kết quả bước đầu ở Chư Jút

Thứ bảy - 12/10/2013 07:26 - Đã xem: 1045

Triển khai Chương trình bảo đảm chất lượng giáo dục trường học: Kết quả bước đầu ở Chư Jút

Trường Tiểu học Hà Huy Tập ở xã Tâm Thắng (Chư Jút) hàng năm có khoảng trên dưới 300 học sinh theo học, trong đó có gần 80% học sinh là dân tộc thiểu số. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường những năm trước đây gặp rất nhiều khó khăn.
Thế nhưng, từ năm 2010, khi được hưởng lợi từ Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP), nhà trường đã có điều kiện để từng bước cải thiện chất lượng giáo dục một cách toàn diện. Với sự đầu tư của chương trình, nhà trường đã được xây dựng thêm 2 phòng học kiên cố, đảm bảo số phòng học để thực hiện việc dạy học 2 buổi/ngày cho tất cả học sinh ở các khối lớp.


Việc dạy học theo SEQAP giúp học sinh ngày càng tự tin hơn
 



Năm 2012, nhà trường được xây thêm một khu nhà vệ sinh với đầy đủ hệ thống nước và bồn rửa tay, có thêm điều kiện phục vụ cho việc dạy và học bán trú hai buổi/ngày. Cùng với đó, hàng năm, nhà trường còn được hỗ trợ 102 triệu đồng làm quỹ giáo dục và quỹ phúc lợi học sinh để thực hiện các nội dung như tổ chức hoạt động ngoài giờ, hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh, các hoạt động tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, giáo viên…
Theo ông Cao Xuân Hoàng, Hiệu trưởng nhà trường thì từ sự hỗ trợ của SEQAP, chất lượng giáo dục của trường ngày càng chuyển biến rõ rệt. Nếu năm học 2010-2011, toàn trường có tỷ lệ học sinh yếu là 8,6% thì đến năm học 2012-2013 đã giảm xuống chỉ còn 6% và tỷ lệ học sinh khá, giỏi cũng ngày càng tăng lên. Ðiều đáng ghi nhận hơn là việc học bán trú giúp học sinh đi học chuyên cần hơn, được tăng cường các kỹ năng sống và dần hình thành được ý thức, tính tự lập cho bản thân.
Tương tự, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn ở xã Ðắk Wil cũng được tham gia SEQAP từ năm 2011. Với sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như kinh phí hoạt động nên từ chỗ không có lớp nào học 2 buổi/ngày thì đến nay toàn trường đã có 14/18 lớp thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.



 

Việc học 2 buổi/ngày đã giúp học sinh có nhiều thời gian học tập hơn, có điều kiện để tham gia nhiều hoạt động dành cho lứa tuổi nên ngày càng trở nên tích cực và tự tin hơn... Cũng nhờ học 2 buổi/ngày nên nhà trường có thời gian để tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số và củng cố kiến thức cho những học sinh yếu, kém.
Từ đó, hàng năm, nhà trường đã dần giảm thiểu được số học sinh bỏ học vì các lý do như nhà xa, hoàn cảnh gia đình khó khăn hay bất đồng ngôn ngữ. Chất lượng giáo dục cũng được nâng lên rõ rệt.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng Phòng Giáo dục- Ðào tạo huyện Chư Jút thì hiện toàn huyện có 5 trường tiểu học được tham gia hưởng lợi từ SEQAP. Có thể nói, SEQAP đã giúp các đơn vị trường học khó khăn và nhiều học sinh dân tộc thiểu số từng bước thực hiện học 2 buổi/ngày để nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện.
Ðến nay, toàn huyện đã được đầu tư trên 2,86 tỷ đồng để thực hiện các nội dung của chương trình. Mỗi trường học tham gia chương trình được xây dựng 1 nhà vệ sinh và 2 phòng học kiên cố, cùng với sự đầu tư các trang thiết bị phục vụ dạy và học. Ngoài ra, các trường học còn được hỗ trợ kinh phí chi lương tăng thêm cho giáo viên, phục vụ quỹ phúc lợi học sinh và quỹ giáo dục. 
Ðội ngũ cán bộ, giáo viên còn được tham gia các lớp tập huấn trong và ngoài tỉnh nên từng bước biết xây dựng và tổ chức lớp học theo phương pháp mới, nhất là học hỏi được những kinh nghiệm về giáo dục dạy học sinh dân tộc thiểu số, hạn chế tối đa số học sinh có học lực yếu, kém hàng năm.
Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ học sinh khá, giỏi ở 5 trường học đã tăng lên và chiếm 43%; tỷ lệ học sinh yếu giảm từ 12% năm 2010-2011 xuống còn 6% năm học 2012-2013; tỷ lệ học sinh có hạnh kiểm khá, tốt luôn đạt bình quân trên 99%.
Bài, ảnh: Nguyễn Hiền

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây