Nghĩa vụ quân sự không nhất thiết phải nhập ngũ

Thứ năm - 14/08/2014 22:15 - Đã xem: 1165
Trước thực trạng tỷ lệ nhập ngũ có trình độ cao đẳng, đại học quá ít thời gian qua, nhiều Ủy viên TVQH đề nghị cần nghiên cứu chính sách ưu tiên, khuyến khích các công dân có trình độ cao nhập ngũ để đáp ứng được yêu cầu huấn luyện quân đội tinh nhuệ, chính quy, hiện đại trong bối cảnh mới.

 

Nghĩa vụ quân sự không nhất thiết phải nhập ngũ
Quá trình học tập ở các trường ĐH, CĐ, sinh viên phải tham gia học quân sự và phải có chứng chỉ quốc phòng mới được xem xét tốt nghiệp - Ảnh: Bạch Dương

Bày tỏ quan điểm trong phiên thảo luận về dự luật Nghĩa vụ quân sự hôm qua, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: Hiến pháp của ta nói rõ công dân đến tuổi thì phải làm nghĩa vụ quân sự, bảo vệ Tổ quốc, nhưng quy định như dự luật sửa đổi thì có cảm giác miễn, giảm nghĩa vụ quân sự gần hết.

 

 

Nên tính toán lại hai hình thức đào tạo quân sự trong trường ĐH, CĐ và bổ sung thêm điều kiện để tương xứng như thực hiện nghĩa vụ quân sự... Như vậy, không phải tập trung quá nhiều thanh niên vào quân đội, giảm được gánh nặng cho ngân sách, mà các sinh viên đó vẫn có thể thực hiện nghĩa vụ quân sự bằng cách thức khác, lại không bị gián đoạn học hành

 

Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên nhi đồng của QH

 

Quan điểm của Chủ tịch QH là thực hiện nghĩa vụ quân sự, bảo vệ Tổ quốc không nhất thiết phải nhập ngũ, phải cầm súng, mà vấn đề quan trọng không kém, là phải tạo ra môi trường để lớp trẻ được rèn luyện, trưởng thành, trở thành lực lượng dự bị hùng hậu, sẵn sàng tự vệ, bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. “Giờ các đồng chí cứ hình dung con em mình vào ĐH là xong tuốt, chả vất vả khó khăn gì, rồi đi học nước ngoài nữa là xong. Phải có sự rèn luyện cho thanh niên, lớp trẻ. Ít nhất sáng dậy biết gấp cái màn, gấp cái chăn cho vuông vức, phải có ý thức sẵn sàng để tự vệ. Tại sao không đặt vấn đề đó trong luật, các đồng chí nói không khả thi nhưng tôi nghĩ nên làm”, ông Hùng đề nghị.

12 ủy viên TVQH phát biểu sau đó đều tán thành quan điểm này của Chủ tịch QH. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên nhi đồng của QH Đào Trọng Thi cũng nhấn mạnh: Không nên suy nghĩ thực hiện nghĩa vụ quân sự, bảo vệ Tổ quốc là nhất thiết phải nhập ngũ, phải cầm súng, mà nên đặt vấn đề đây là trường học rèn luyện thanh niên.

Theo ông Thi, trong quá trình học tập ở các trường ĐH, hiện có 2 hình thức giáo dục liên quan đến quốc phòng, một là ở hai năm học đầu tiên, tất cả nam sinh viên nếu đủ sức khỏe đều phải tham gia và sinh viên phải có chứng chỉ quốc phòng mới được xem xét tốt nghiệp. Hai là trước đây chúng ta có chế độ sĩ quan dự bị và sinh viên, học sinh nào tham gia có thể được miễn nghĩa vụ quân sự (nhập ngũ).

“Nên tính toán lại hai hình thức đào tạo nói trên cũng như mục tiêu huấn luyện, đào tạo quân sự tại các trường ĐH, CĐ và bổ sung thêm điều kiện để tương xứng như thực hiện nghĩa vụ quân sự, thậm chí có thể kéo dài thời gian tham gia sĩ quan dự bị. Như vậy, không phải tập trung quá nhiều thanh niên vào quân đội, giảm được gánh nặng cho ngân sách, mà các sinh viên đó vẫn có thể thực hiện nghĩa vụ quân sự bằng cách thức khác, lại không bị gián đoạn học hành”, ông Thi đề xuất.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường Phan Xuân Dũng góp ý thêm, có thể linh hoạt thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự để bất kỳ công dân nào cũng có thể tham gia. “Ở Hàn Quốc, thậm chí có vị khi đã đạt đến học hàm giáo sư rồi chưa kịp thực hiện nghĩa vụ quân sự họ cũng gác lại công việc hiện tại để đi thực hiện nghĩa vụ bằng được. Vì vậy, để tất cả công dân đủ điều kiện thực hiện được nghĩa vụ quân sự thì không nên khoanh độ tuổi đi nghĩa vụ quân sự từ 18 - 25. Cũng không phải quá lo về điều kiện sức khỏe đảm bảo, vì khi nhập ngũ có rất nhiều công việc, nhiệm vụ khác nhau, có thể phân loại đối tượng nhập ngũ theo từng công việc cho phù hợp”, ông Dũng kiến nghị.

 

Trên 80% con em nông dân nhập ngũ

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc phòng an ninh năm 2011 về kết quả giám sát việc thi hành pháp luật về nghĩa vụ quân sự và công dân phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân, tỷ lệ công dân có việc, trình độ học vấn cao, chuyên môn kỹ thuật, con em gia đình cán bộ, công chức, có điều kiện kinh tế thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ chỉ chiếm 4,94% và có xu hướng giảm. Trong khi đó con em nông dân, người chưa có việc làm chiếm trên 80% và có xu hướng tăng. Tỷ lệ công dân có trình độ ĐH, CĐ chỉ chiếm 0,64% tổng thanh niên nhập ngũ hằng năm.

 

Ý kiến:

Tránh việc chỉ con em nông dân thực hiện nghĩa vụ quân sự

Về việc thu hẹp diện đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ trong đó có phân biệt sinh viên ĐH, CĐ hệ chính quy và các hệ khác cũng không phải vấn đề lớn. Nếu đối tượng được tạm hoãn rộng cũng sẽ có nhiều bất cập, gây khó khăn cho việc tuyển quân. Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu quy định để có thể gọi nhập ngũ thanh niên có trình độ cao, tránh việc thực hiện nghĩa vụ quân sự chỉ là con em nông dân, có trình độ thấp.

Thiếu tướng Nguyễn Khắc Viện
Nguyên Hiệu trưởng Trường sĩ quan Lục Quân 1 (Trường ĐH Trần Quốc Tuấn)

Một trường học lớn

Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Môi trường quân đội cũng là một trường học lớn, không chỉ rèn luyện cho từng cá nhân về bản lĩnh, nhân cách mà còn tạo điều kiện cho các em phát triển tài năng.

Đại tá Nguyễn Thiện Minh
Vụ trưởng Vụ Giáo dục quốc phòng, Bộ GD-ĐT

Trường Sơn - Tuệ Nguyễn (ghi)

Bảo Cầm

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây