(Ca phẫu thuật khối u khổng lồ 90kg cho bệnh nhân Nguyễn Duy Hải.) Không chừa một ai!
Tại BV Ung bướu TPHCM, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị đang ở mức kỷ lục. Mỗi ngày, chỉ tính riêng tại khoa khám bệnh với 9 phòng khám phải gồng gánh cho 1.500 lượt khám. Có nghĩa là mỗi phòng trung bình một giờ phải khám cho khoảng 20 bệnh nhân. Bệnh nhân nghi ngờ ung thư chỉ được gặp BS vỏn vẹn 3 phút thăm khám và chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàn để đối phó với căn bệnh một mất một còn này.
Bà Hoàng L. H. P., 41 tuổi, ở Đồng Tháp, thuộc diện hộ nghèo quanh năm bám mặt với ruộng đồng. Mới đây, thấy xuất hiện dịch ở vú, cơ thể sụt cân, xanh xao đã nhanh chóng đến khám tại BV đa khoa tỉnh. Đến đây, các BS đã khám và làm phiếu chuyển đến BV Ung bướu TPHCM. Sau khi khám và làm các xét nghiệm, các BS khẳng định bị ung thư giai đoạn đầu. Bà P. cho biết: “Tôi còn may mắn là chữa được, ở cùng phòng với tôi toàn là những người ở tỉnh nhưng phát hiện ở giai đoạn 2, 3. Thậm chí, nhiều người mới được đưa vào điều trị không lâu thì phải đưa về nhà nằm chờ chết”.
Các BS cho biết, bệnh nhân mắc ung thư phổi luôn đứng ở vị trí đầu bảng. TS.BS Phạm Xuân Dũng - Phó Giám đốc BV Ung bướu TPHCM - cho biết, chúng tôi thường xuyên khuyên bệnh nhân bỏ thuốc lá vì đây là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi, nhưng rất ít người nghe lời. Mặc dù BV đã có bảng cấm hút thuốc, nhưng nhiều bệnh nhân vẫn lén vào gầm cầu thang hoặc khu vực vắng để “lặp bặp” thuốc. Bệnh nhân N.T.H.P., 62 tuổi, ở Bến Tre khi được hỏi đã mắc ung thư phổi sao còn hút thuốc đã trả lời: “Thèm quá, trước sau gì cũng chết, hút điếu thuốc cho đỡ thèm”. Tuy nhiên, qua tìm hiểu bệnh án, tình trạng bệnh có thể can thiệp được nhưng phần lớn những người mắc ung phổi thường suy nghĩ “dính” ung thư là chết nên ít khi tuân theo lời dặn của BS.
Điều đáng nói, nhiều loại ung thư hiếm gặp đã được phát hiện tại VN như: Ung thư amidan, khí phế quản, lưỡi, túi tinh, túi mật… Mới đây, bệnh nhân Huỳnh Sang L. (18 tuổi, Q.10, TPHCM) nhập viện với triệu chứng bí tiểu cấp, được chẩn đoán ung thư túi tinh. Đây là dạng ung thư rất hiếm gặp. Theo y văn cho tới năm 2008, chỉ có khoảng 50 trường hợp trên toàn thế giới và chưa có trường hợp nào tại Việt Nam. Bệnh nhân có các triệu chứng: Đau hạ vị, đau tầng sinh môn hoặc triệu chứng đường tiểu dưới như bí tiểu, tiểu khó, tiểu gắt, tiểu máu và xuất tinh có máu. Chính vì không có triệu chứng chuyên biệt nên bệnh nhân mắc loại ung thư này thường bị chẩn đoán trễ.
Ung thư không chỉ có ở người lớn mà còn tấn công trẻ em ngày càng nhiều. Bệnh nhi Nguyễn Thị N., 10 tháng tuổi, ngụ tại xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước phải múc bỏ nhãn cầu trái và vào BV Ung bướu để điều trị bệnh ung thư võng mạc. BS cho biết, mắt phải của cháu hiện cũng có khối u nên phải theo dõi thường xuyên và hóa trị nhiều đợt thuốc, nếu không đáp ứng thuốc thì phải tiếp tục bỏ mắt. Đến thời điểm này, gia đình vẫn không biết nguyên nhân tại sao con mình bị bệnh vì cả dòng họ không có ai mắc căn bệnh này.
|
Bệnh nhân đến khám ung thư đang tăng 7-10% mỗi năm. |
Sát thủ mạnh tay nhất
GS BS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Ung thư VN - cho biết: Ung thư đang được nhận định là “sát thủ” mạnh tay nhất hiện nay. Điều đáng nói, ung thư đang gia tăng nhanh chóng theo từng năm.
Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư Việt Nam, số lượng bệnh nhân mắc ung thư được phát hiện nằm trong “top” các nước có nhiều bệnh nhân ung thư trên thế giới. Kết quả khảo sát năm 2011 cho thấy, tỉ lệ tử vong do ung thư dạ dày tại Việt Nam cao gấp 5 lần so với Lào, Philippines, Thái Lan và các nước trong khu vực. Trong cả nước, Hà Nội và TPHCM có tỉ lệ người mắc bệnh ung thư vú cao nhất với tỉ lệ 30/100.000 người tại Hà Nội và 20/100.000 người tại TPHCM (năm 2010). Ung thư vú đang trở thành loại bệnh thường gặp nhất ở nữ giới và được dự báo có xu hướng tiếp tục tăng.
Mặc dù VN hiện có 6 BV ung bướu, 35 trung tâm/khoa và đơn vị điều trị ung bướu thuộc bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến trung ương và tuyến tỉnh nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu điều trị. Chính vì điều này, nhiều trường hợp mắc ung thư phải sang các nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Mỹ, Trung Quốc… để điều trị.
Chỉ tính riêng tại BV K Hà Nội, bệnh nhân đến BV năm sau lại cao hơn năm trước từ 20-30%. Cụ thể: Năm 2007, bệnh nhân khám vú là 2.476 người, đến năm 2011 con số này là 3.011. Bệnh nhân khám phổi năm 2007 là 1.199, đến năm 2011 số này là 2.059 người.
Còn tại TPHCM, năm 2010, TP có 6.800 trường hợp ung thư mới với ung thư phổi, gan là hai loại ung thư hàng đầu ở nam; ung thư vú, cổ tử cung là 2 loại ung thư hàng đầu ở nữ. Chỉ tính riêng tại BV Ung bướu TPHCM, mỗi năm, BV tiếp nhận số trường hợp đến điều trị ung thư tăng thêm khoảng 7-10%. Trong năm 2012, BV tiếp nhận khoảng 20.000 trường hợp, trong đó 78% là bệnh nhân đến từ các địa phương khác.
|
Bệnh nhân mắc ung bướu phải chịu cảnh 3-5 người/giường. |
Độ tuổi mắc ung thư
Về độ tuổi mắc ung thư phổ biến: Nhóm tuổi 0-14 thường mắc các bệnh ung thư máu, mắt, thận, xương, mô mềm. Ở nhóm tuổi 15-24: Người bệnh dễ mắc ung thư tuyến giáp, buồng trứng. Ở nhóm tuổi 25-34: Bệnh nhân bên cạnh mắc ung thư tuyến giáp còn có ung thư đại tràng, gan (nam giới); ung thư vú (nữ giới). Trên 35 tuổi, cả nam và nữ dễ mắc các loại ung thư phổi, gan, đại trực tràng, dạ dày và vòm hầu (nam giới); ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng, phổi và tuyến giáp (phụ nữ).
Sau 65 tuổi, ung thư da là một trong những bệnh thường gặp ở cả hai giới, nhưng ung thư vú giảm ở nữ giới. Theo các chuyên gia, dự báo trong những năm kế tiếp, ở TPHCM, tỉ lệ mắc các loại ung thư mỗi năm sẽ tăng 5,4%. Trong đó, ung thư đại trực tràng sẽ gia tăng ở cả hai giới khi tuổi thọ được cải thiện, ung thư tuyến giáp cũng sẽ gia tăng khi phương tiện chẩn đoán phát triển.
Theo BS Lê Hoàng Minh - Phó Chủ tịch Hiệp Hội ung thư VN, các ung thư hàng đầu ở cả hai giới bắt đầu xuất hiện từ sau 40 tuổi và tăng dần theo tuổi tác cho đến sau 80 tuổi thì giảm. Vì thế, để giảm thiểu vấn nạn ung thư cần áp dụng chương trình tầm soát các ung thư hàng đầu của hai giới với đối tượng từ 40 tuổi đến trước 80 tuổi. Riêng ung thư tuyến giáp có thể áp dụng với đối tượng từ 15 tuổi trở lên ở cả hai giới.
Cách phòng tránh ung thư hiệu quả nhất là tạo dựng lối sống lành mạnh. Chẳng hạn, để phòng ung thư phổi thì phải tránh xa thuốc lá, vì 85% số ung thư phổi ở đàn ông và 47% ở phụ nữ là do hút thuốc lá. Có thể ngừa ung thư gan bằng cách tiêm chủng ngừa để loại bỏ viêm gan siêu vi. Ung thư dạ dày hiện đứng hàng thứ ba, nguyên nhân chính là vi khuẩn H.Pylori cao, ô nhiễm khói thuốc lá và thức ăn muối mặn. Ung thư đại trực tràng liên hệ chặt chẽ với lượng tiêu thụ thịt, mỡ động vật và chất sợi.
Hiện nay, điều trị ung thư có 3 phương pháp chính (phẫu trị, xạ trị, hóa trị) và các phương pháp phối hợp. Để phòng chống ung thư một cách hiệu quả, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, con người cần tuyên truyền cho người dân hiểu, hạn chế tối đa tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây bệnh qua đó làm giảm tỉ lệ mắc bệnh. Ngoài ra, mỗi người dân cần tăng cường kiểm tra sức khoẻ để phát hiện sớm can thiệp kịp thời nhằm giảm tỉ lệ tử vong do ung thư.
Bệnh nhân ghép thận dễ bị ung thư Khảo sát của nhóm bác sĩ BV Chợ Rẫy và BV Đại học Y dược TPHCM sau khi theo dõi trên 550 bệnh nhân sau ghép thận (từ tháng 12.1992 - 5.2012) được công bố mới đây cho thấy có 17 bệnh nhân (3,1%) bị ung thư sau ghép thận. Loại ung thư các bệnh nhân thường mắc là ung thư đường tiết niệu, tử cung, vú, hạch, lưỡi, dạ dày... Sau đó có 11/17 bệnh nhân tử vong (gần 65%). TS-BS Dư Thị Ngọc Thu - khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM - cho biết, ghép thận là một trong các phương pháp điều trị thay thế tối ưu cho những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Sau ghép, người bệnh phải sử dụng lâu dài thuốc ức chế miễn dịch và được khuyến cáo là có khả năng phát sinh ung thư sau ghép. Tỉ lệ ung thư sau ghép cao hay thấp còn tùy thuộc vào sự đáp ứng của từng người và từng bệnh khác nhau. Điều trị ung thư sau ghép càng khó khăn hơn trên cơ địa suy giảm miễn dịch và vì thế làm tăng tỉ lệ tử vong. |