Sản xuất vụ đông xuân ở Chư Jút: Thu hẹp và chuyển một phần diện tích lúa nước sang cây trồng khác

Thứ năm - 24/03/2016 05:13 - Đã xem: 890
Mặc dù đã bước vào cao điểm mùa khô, nhưng hơn 1.000 ha cây trồng vụ đông xuân trên địa bàn huyện Chư Jút đều không bị khô hạn, thiếu nước tưới.

Trong đó, hơn 700 ha lúa nước đang giai đoạn làm đòng chuẩn bị trổ bông, hứa hẹn cho năng suất cao. Có được kết quả này là nhờ chính quyền, ngành chức năng và người dân các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, tích cực, hạn chế được ảnh hưởng của khô hạn.

Nông dân xã Trúc Sơn (Chư Jút) trồng hoa huệ trên phần đất không chủ động nguồn nước

Điển hình như tại các cánh đồng ở xã Đắk D’rông, lúa hiện đang sinh trưởng và phát triển tốt. Ông Nguyễn Văn Anh ở thôn 2 cho biết: “So với năm ngoái thì vụ đông xuân này lúa phát triển tốt hơn, không có sâu bệnh, hứa hẹn sẽ cho năng suất cao. Hiện tôi đang tiến hành bón thúc để lúa sớm trổ bông, chắc hạt. Có được như vậy là nhờ tôi đã làm theo sự chỉ dẫn của cán bộ nông nghiệp tổ chức gieo cấy sớm hơn để tránh nắng hạn”.

Theo UBND xã Đắk D’rông thì vụ đông xuân này, toàn xã xuống giống được hơn 300 ha lúa. Trước và trong vụ, xã tích cực vận động nhân dân thực hiện vệ sinh đồng ruộng, khơi thông, tu bổ kênh mương để hạn chế việc thất thoát nước tưới.

Tương tự, tại xã Chư K’nia, toàn bộ 330 ha lúa đã gieo cấy cũng đang sinh trưởng và phát triển tốt, sâu bệnh xuất hiện không đáng kể. Theo ông Hoàng Đình Tạo, Chủ tịch UBND xã Chư K’nia thì năm nay quan điểm của xã là kiên quyết chỉ đạo nông dân sản xuất các giống mới như RVT, BTE -1, TH 3-3, đều có đặc điểm chung là sinh trưởng phát triển nhanh, chống chịu hạn tốt, kháng bệnh.

Cùng với đó, việc bà con xuống đồng đồng loạt, tổ chức gieo cấy sớm hơn cũng đã hạn chế bớt những ảnh hưởng của thiên tai, tiết kiệm nước, phân bón. Người dân cũng mạnh dạn áp dụng các hình thức quản lý dịch bệnh tổng hợp  nên sâu bệnh chỉ xuất hiện rải rác.

Trao đổi về vấn đề sản xuất vụ đông xuân, ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện cho biết: Từ cuối năm 2015, huyện đã phối hợp với các xã tiến hành điều tra, khảo sát toàn bộ diện tích sản xuất lúa đông xuân, gắn với kiểm tra nguồn nước để có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Theo đó, những khu vực ruộng xa nguồn nước, hoặc gần công trình thủy lợi nhưng nước ít cũng không thực hiện trồng lúa mà chuyển đổi sang những loại cây có nhu cầu ít nước hơn như đậu đỗ, ngô, bầu, bí. Theo thống kê ban đầu, toàn huyện có khoảng 100 ha đất lúa, chủ yếu ở khu vực thị trấn Ea T’ling đã được bà con chuyển sang trồng các loại cây khác. Về thời vụ sản xuất lúa thì sớm hơn khoảng nửa tháng so với mọi năm nên phần nào hạn chế được ảnh hưởng của khô hạn.

Nông dân thị trấn Ea T’ling (Chư Jút) chuyển đổi ruộng lúa sang trồng rau

Theo ông Trần Văn Diêu, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Jút thì huyện đã chủ động chống hạn ngay từ đầu vụ, khuyến cáo bà con không sản xuất ở khu vực nguồn nước bấp bênh. Riêng khu vực 4 buôn đồng bào dân tộc thiểu số xã Tâm Thắng đã cắt giảm toàn bộ 82 ha lúa nước. Huyện cũng chỉ đạo các ban, ngành, xã, thị trấn phối hợp với đơn vị quản lý công trình thủy lợi lập phương án chống hạn cho từng loại cây trồng vụ đông xuân và thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện.

Việc cử cán bộ phụ trách địa bàn để kiểm tra, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm những trường hợp tự ý đào đắp, lấy nước, gây thất thoát, lãng phí, hư hỏng được các xã, thị trấn chú trọng. Vì vậy, đến nay tình hình sản xuất vụ đông xuân của huyện vẫn được bảo đảm an toàn. Huyện đang tập trung nguồn lực về khuyến nông, thủy lợi để đẩy mạnh chăm sóc cây trồng. Mục tiêu cụ thể là vượt năng suất lúa, ngô, giúp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ  bảo đảm nguồn lương thực ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu ăn.

Bài, ảnh: Hồng Thoan

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây