Ba đột phá ở Tây Nguyên theo tinh thần Đại hội XII của Đảng

Thứ bảy - 14/01/2017 08:48 - Đã xem: 1186
Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và có những chính sách để phát triển kinh tế, văn hóa và công tác xây dựng Đảng - nhất là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Ba đột phá này được coi là vấn đề mang tính quy luật đặt ra cho cấp ủy, chính quyền trên địa bàn cần quán triệt quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng để hiện thực hóa trong cuộc sống.

Văn hóa góp phần nhân đạo hóa quá trình phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh: Đồng bào Mạ, M'nông tham gia cuộc thi nấu cơm nhanh trong Hội Xuân Liêng Nung năm 2016 (Gia Nghĩa)). Ảnh: Hồ Mai

Đại hội XII khẳng định “Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng”. Trong quan điểm này đã hàm chứa ba trụ cột vừa có giá trị phổ quát cho các vùng miền của cả nước, vừa có ý nghĩa bức bách đối với Tây Nguyên hiện nay.

Phát triển kinh tế cần được ưu tiên hàng đầu để nâng cao tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, có điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, an sinh xã hội cho nhân dân. Bởi kinh tế là cái cô đọng nhất của chính trị.

Công tác xây dựng Đảng làm tốt như chủ động tạo nguồn đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số có phẩm chất năng lực, có khát vọng cống hiến; duy trì thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; chủ động kết nạp những quần chúng ưu tú người dân tộc thiểu số vào Đảng để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng.

Phát triển văn hóa theo nghĩa rộng bao hàm chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ dân trí, đời sống văn hóa, đạo đức lối sống, phong cách của cán bộ, công chức, nhân dân lại tác động tích cực đến kinh tế và xây dựng Đảng. Văn hóa góp phần nhân đạo hóa quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nền kinh tế phát triển bền vững cả về tốc độ và quy mô, chất lượng, đúng định hướng phải chăng có sự thẩm thấu của văn hóa với tư cách yếu tố nội sinh điều tiết ba trụ cột phát triển đúng quy luật, hợp lòng dân.

Thực hiện tốt những nội dung này, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc có tâm, có tầm, có khát vọng cống hiến, gần gũi, hiểu thấu tâm tư nguyện vọng của đồng bào thì hiệu ứng và giá trị của nó sẽ tác động đến phát triển kinh tế, công tác xây dựng Đảng, văn hóa. Đồng thời sẽ là nhân tố đẩy lùi các tập tục lạc hậu được coi là lực cản đang hiện hữu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Những nội hàm của ba trụ cột nêu trên đã thấu triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội XII là “Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, tây duyên hải miền Trung”.

Quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước đối với Tây Nguyên đã rõ. Vậy để nhanh chóng hiện thực hóa ba trụ cột vào thực tiễn cuộc sống cần tập trung thực hiện một số giải pháp:

Trước hết, tạo chuyển biến về nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị về 3 trụ cột trọng tâm xuyên suốt không chỉ trước mắt mà còn cho những giai đoạn tiếp theo. Dồn sức chỉ đạo quyết liệt thực hiện các chương trình, dự án đã triển khai. Với tư duy đồng bộ, hệ thống, cần chủ động gắn kết ba trụ cột bằng phương thức, biện pháp phù hợp để phát triển đồng thời, có hiệu lực, hiệu quả.

Hai là, tăng cường chỉ đạo tổ chức thực hiện gắn với kiểm tra giám sát của cấp ủy, chính quyền một cách quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm. Bác Hồ khái quát nếu việc ra nghị quyết là một thì khâu chỉ đạo tổ chức thực hiện phải mười, hai mươi, ba mươi. Thường xuyên duy trì tốt chế độ kiểm tra, giám sát để phát huy ưu điểm, nhân rộng mô hình, cách làm hay, chỉ ra những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện nghị quyết, các chương trình, dự án mà các tỉnh trong vùng đã xác định.

Ba là, đổi mới cơ chế, chính sách để khơi dậy các nguồn lực trên địa bàn. Cơ chế, chính sách đúng sẽ tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, tạo động lực cho các thành phần kinh tế, nhân dân trong vùng phát huy lợi thế, nguồn lực của mình. Trên cơ sở quan điểm, nguyên tắc, chính sách chung, nhà nước cần phân cấp, giao quyền tự chủ để phát huy tính năng động sáng tạo của địa phương, cơ sở trong việc thực hiện ba trụ cột.

Bốn là, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo gắn với xây dựng đời sống văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Đây là giải pháp mang tính dài hơi, đặt trong tổng thể phát triển của các tỉnh Tây Nguyên hiện nay. Ngoài việc huy động xã hội hóa giáo dục- đào tạo trong vùng, cần đổi mới chính sách động viên đội ngũ giáo viên các cấp vùng sâu, vùng xa khắc phục khó khăn, chuyên tâm với sự nghiệp trồng người.

Năm là, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục chỉ đạo, đầu tư cho Tây Nguyên không chỉ bằng cơ chế, chính sách, các dự án đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn mà còn hỗ trợ một phần nguồn lực, ngân sách để vực dậy kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa trên địa bàn. Đồng thời “Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, người nghèo, nhân dân sống ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn”.

PGS. TS. Nguyễn Thế Tư

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây