Tín dụng CSXH góp phần xây dựng nông thôn mới ở huyện Cư Jút

Thứ tư - 19/05/2021 04:50 - Đã xem: 882
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua, các cấp, các ngành ở huyện CưJút đã có nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện, có sự chuyển biến rõ nét, đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Đến tháng 4 năm 2021, huyện CưJút có 6/7 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ðóng góp vào kết quả đó không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.
         Theo ông Phạm Xuân Thành, GĐ Phòng GD NHCSXH huyện CưJút: Để góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Cư Jút, Phòng GD NHCSXH hội huyện CưJút luôn bám sát tinh thần chỉ đạo của cấp trên và căn cứ vào kế hoạch phấn đấu đạt các tiêu chí NTM hàng năm ở địa phương; trên cơ sở đó, tổ chức rà soát nhu cầu vốn vay, tập trung cân đối nguồn lực tài chính, tiến hành giải ngân kịp thời, đảm bảo 100% vốn tín dụng chính sách xã hội  đến các xã để sớm hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM. Đặc biệt, hướng dòng vốn ưu tiên đầu tư vào những nhóm tiêu chí trụ cột, nhất là thực hiện các chương trình cho vay đối với những dự án kinh tế trọng điểm, các xã phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; tạo việc làm cho lao động, cải thiện đời sống người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện CưJút họp triển khai chương trình tín dụng
      Với nguồn vốn tín dụng chính sách trong thời gian qua, PGD NHCSXH huyện Cưjút đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các chương trình. Tính đến tháng 4/2021, tổng dư nợ đạt trên 412 tỷ đồng với gần 10 ngàn lượt hộ, dư nợ bình quân mỗi xã đạt gần 50 tỷ đồng, với 13 chương trình cho vay.. Trong đó cho vay hộ nghèo đạt gần 42 tỷ đồng, chiếm 10,3%; hộ cận nghèo gần 59 tỷ đồng, chiếm 14,5%;   cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn trên 154 tỷ đồng, chiếm 30,5%,…
 Giải ngân nguồn vốn tại các điểm giao dịchở cơ sở
      Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến đúng đối tượng được thụ hưởng; các đối tượng chính sách được vay vốn thuận lợi, an toàn, nhanh chóng; giảm thời gian giao dịch tín dụng, tiết kiệm chi phí đi lại của hộ vay. Việc cho vay vốn qua Tổ TK&VV đã làm tăng sự đoàn kết, gắn bó tình làng, nghĩa xóm; giúp các hộ nghèo hình thành thói quen tiết kiệm và tăng cường trách nhiệm cộng đồng trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, thực hiện nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ trả nợ Ngân hàng. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, nhiều hộ dân tại các xã nông thôn mới đã đẩy mạnh đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển dịch vụ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập. Ðầu tư xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh; các em học sinh, sinh viên có thêm 1 phần kinh phí từ nguồn vốn vay để trang trải học phí tiếp tục theo học các trường đào tạo nghề, các trường cao đẳng và đại học.
Nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo  nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách
       Đáng chú ý hơn, trong quá trình triển khai thực hiện tín dụng chính sách, công tác phối hợp với ngành chức năng, địa phương luôn được quan tâm, chú trọng. Các hộ sau khi vay vốn, được ngành Nông nghiệp hướng dẫn và tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật với các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh, từng bước hình thành sản xuất theo hướng hàng hóa, có giá trị kinh tế cao gắn với thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế có sự tăng trưởng ổn định, đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 1,5-2% mỗi năm, đến nay hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 2,46%. Ngoài ra, một số chương trình cho vay khác như: Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; giải quyết việc làm; vay vốn học tập dành cho học sinh-sinh viên… luôn đạt tỷ lệ cao; đáp ứng nhu cầu thực tiễn xây dựng NTM ở từng  địa phương trên địa bàn huyện.
Nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
     Ông Định Công Xoan, CT UBND xã Ea Pô, huyện Cư Jút cho biết: Để Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thành công, sự đóng góp của nguồn vốn tính dụng chính sách đối với địa phương là rất lớn. Đây là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới nhằm giảm nghèo bền vững, ổn định đời sống cho người dân.  Toàn xã EaPô hiện có gần 1.600 lượt hộ được hưởng thụ từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ trên 68 tỷ đồng.  Nếu như năm 2011  tỷ lệ hộ nghèo ở xã EaPô  chiếm 22,2 % thì đến năm  năm 2020 giảm xuống 2,7 % tổng số số hộ. Thu nhập bình quân đầu người  đạt 41.1 triệu đồng/người/năm, tăng gần 63% so với năm 2011.  Nhờ vậy, đến  nay xã EaPô đã được UBND tỉnh công nhận  xã đạt chuẩn nông thôn mới.  
Diện mạo nông thôn xã EaPô hôm nay
       Với việc thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, Phòng GD Ngân hàng CSXH huyện CưJút đã góp phần đắc lực tạo cơ hội việc làm cho các đối tượng khó khăn, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Kinh tế hộ gia đình phát triển, tăng thu nhập, giảm thất nghiệp là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng đời sống NTM hài hòa, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện CưJút sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Chính phủ về tín dụng ưu đãi, đổi mới, cải thiện cách thức thực hiện để người dân dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách./.
Thực hiện: Hữu Phương

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây