Chiều 17-1, trung tá Trần Khánh Dư - Đội trưởng Đội Quản lý hành chính và trật tự xã hội Công an huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông - cho biết cơ quan chức năng đã lấy mẫu những gói nổ làm 36 học sinh nhập viện đi giám định để xác định thành phần.
Dị ứng tức thì
Trước đó, khoảng 13 giờ 30 phút ngày 16-1, Trường Tiểu học Chu Văn An (thị trấn Đức An, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) náo loạn vì hàng chục học sinh bị choáng váng, khó thở, nổi ngứa, co cứng toàn thân, có em ngất xỉu sau khi tiếp xúc đồ chơi có in chữ Trung Quốc. 36 học sinh ở các lớp 4B, 4C, 5C và 5D của trường được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Song.
Thầy Đoàn Trung Quế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An, cho biết: “Nhiều học sinh đã mua ở quán trước cổng trường các gói đồ chơi nhỏ xuất xứ từ Trung Quốc. Khi vào lớp, các em đã ném, đập những gói này. Sau khi phát ra tiếng nổ nhỏ, từ gói đồ chơi phát ra mùi cay, còn chất trong gói bắn ra dính vào da gây mẩn ngứa tức thì. Sau vài phút, các em có triệu chứng khó thở, chóng mặt, co cứng toàn thân và nhiều em ngất xỉu”.
Theo bác sĩ Đặng Văn Anh, Phó trưởng Khoa Khám cấp cứu Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Song, lúc vào viện, các học sinh bị dị ứng toàn thân và có biểu hiện khó thở do hít phải hóa chất mà không rõ là chất gì. Trước tình hình này, bệnh viện đã vệ sinh, lau rửa sạch sẽ cho những em bị dính hóa chất rồi truyền dịch, cho dùng thuốc chống dị ứng; em nào khó thở thì cho thở ôxy. Đến trưa 17-1, sức khỏe của tất cả học sinh đã ổn định, được xuất viện về nhà để gia đình tiếp tục theo dõi.
Em Phạm Thị Yên, học sinh lớp 5D, lo lắng: “Trong lúc em đang chơi thì có 1 bạn nam ném một vật lạ vào. Vật này phát nổ, sau đó ít phút, em thấy đau toàn thân, khó thở rồi ngất lịm. Đến giờ, em vẫn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu trong người”.
Có thể nguy hiểm tính mạng
Sau khi xảy ra vụ việc, UBND huyện Đắk Song đã chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra khu vực trường, khám xét cửa hàng và nơi ở của bà Đoàn Thị Lan (ngụ thị trấn Đức An, huyện Đắk Song) - người bán các gói đồ chơi cho học sinh. Qua đó, lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ 59 vỏ gói đồ chơi đã nổ, 10 gói chưa nổ từ các em học sinh và quanh khu vực cửa hàng của bà Lan.
Dù trong cửa hàng bà Lan không còn các gói nổ nhưng bà cho biết đã bán chúng cho học sinh. Theo bà Lan, những gói này bán tràn lan ở khu C, chợ trung tâm TP Buôn Ma Thuột. Bà thấy lạ nên mua về bán cho các em học sinh với giá 1.000 đồng/gói.
Chiều cùng ngày, phóng viên Báo Người Lao Động đã vào khu C, chợ trung tâm TP Buôn Ma Thuột nhưng không còn cửa hàng nào bán các gói nổ như vậy.
Theo quan sát của chúng tôi, gói nổ hình quả lựu đạn với đủ loại màu sắc; ngoài bao bì có in chữ Trung Quốc; bên trong có 2 gói nhỏ bằng đầu ngón tay; 1 gói chứa bột màu hồng, 1 gói chứa bột màu trắng. Về cơ chế gây nổ, theo trung tá Trần Khánh Dư, khi ném, giẫm đạp hoặc tác động lực lên thì gói màu trắng và màu hồng sẽ tiếp xúc với nhau tạo ra tiếng nổ nhỏ. Sau khi nổ, hợp chất trong gói phát ra mùi cay. Khi hít phải hoặc tiếp xúc với các chất này sẽ gây ngứa, khó thở, co cứng toàn thân.
“Nếu như trường học ở xa bệnh viện, không được cấp cứu kịp thời thì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Dù chưa xác định được thành phần nhưng có thể khẳng định những gói này chứa chất độc hại” - trung tá Dư lo ngại.
Thuộc nhóm hàng cấm
Khảo sát nhanh tại thị trường đồ chơi trẻ em tại TP HCM chiều 17-1, chúng tôi không thấy sự hiện diện của đồ chơi hình quả lựu đạn như trên. Một cán bộ quản lý thị trường (QLTT) nhận định sản phẩm có hình quả lựu đạn thuộc nhóm hàng cấm do mang tính bạo lực, ảnh hưởng xấu đến nhân cách trẻ em nên nếu có bán thì các cửa hàng chỉ lén lút. Cũng như mặt hàng súng, kiếm,... khi người mua hỏi, nhân viên cửa hàng mới mang ra.
Xem hình ảnh đồ chơi hình lựu đạn phát nổ mà chúng tôi đưa, ông Phạm Hữu Cát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam, cho biết đây là mặt hàng mới, ông chưa từng thấy. Hiện ông đang chỉ đạo bộ phận chuyên môn kiểm tra lại thông tin để có hướng xử lý.
Trước đó, đơn vị này đã lấy mẫu một số mặt hàng đồ chơi đang lưu thông trên thị trường và kết quả kiểm tra cho thấy đều chứa các chất độc hại. Riêng mẫu đồ chơi thú vịt cao su chứa chất phthalate (có khả năng gây ung thư, ảnh hưởng đến trí não, thậm chí gây vô sinh ở trẻ em) gấp 300 lần cho phép. Điều đáng nói là các sản phẩm này đều chưa qua kiểm định, không có tem CR và vi phạm về nhãn hàng hóa (không có thông tin đơn vị sản xuất, nhập khẩu).
Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP HCM, cho biết vẫn thường xuyên kiểm tra mặt hàng đồ chơi trẻ em. Tuy nhiên, đơn vị này chủ yếu kiểm tra về mặt hóa đơn chứng từ, còn về chất lượng thì do cơ quan chuyên ngành quản lý. “Lẽ ra, khi có sản phẩm mới là đồ chơi trẻ em, chúng phải qua kiểm định chất lượng, cấp giấy chứng nhận thì mới được lưu thông nhưng thực tế, hàng loạt sản phẩm ra thị trường mà chưa qua sự kiểm soát” - ông Kiếm băn khoăn.
Vừa qua, khi cơ quan quản lý đo lường chất lượng công bố một số sản phẩm đồ chơi trẻ em độc hại, lực lượng QLTT TP HCM đã rà soát các điểm kinh doanh, kho hàng để thu hồi theo quy định. Riêng tháng 1- 2014, QLTT đã phát hiện 13 vụ buôn bán đồ chơi trẻ em vi phạm, phần lớn xuất xứ từ Trung Quốc.
Tạm đóng cửa hàng bán đồ chơi độc hại
Ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đức An, cho biết ngay sau khi xảy ra vụ việc, UBND thị trấn đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động kinh doanh buôn bán của các cửa hàng trên địa bàn. Qua đó, lực lượng chức năng đã thu giữ gần 20 loại hàng xuất xứ từ Trung Quốc gồm đồ chơi, thực phẩm ăn uống không hóa đơn chứng từ, quá hạn sử dụng… “Đoàn cũng đã lập biên bản tạm ngừng hoạt động buôn bán, thu giữ nhiều mặt hàng đồ chơi Trung Quốc tại cửa hàng của bà Lan” - ông Phong nói.
Nguồn tin: Người Lao Động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...