Đổi thay trên đảo Phú Quý

Thứ tư - 08/06/2016 22:02 - Đã xem: 1121
Sau gần 4 giờ lênh đênh trên biển, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) hiện ra với những tàu thuyền tấp nập, nhịp sống trên đảo mỗi lúc thêm rộn ràng.
Điều không dám nghĩ thành sự thật
Đảo Phú Quý có diện tích gần 18 km2, nằm ngoài khơi cách TP.Phan Thiết 120 km về hướng Đông. Đây là một đảo nhỏ có dân số hơn 27.000 người với gần 7.000 hộ. Trên đảo, người dân sống rải rác ở 3 xã Long Hải, Ngũ Phụng và Tam Thanh, trong đó Ngũ Phụng là trung tâm hành chính của huyện. Từ xa xưa, ngoài ngành nghề chủ yếu là đánh bắt hải sản, người dân trên đảo còn làm nông nghiệp và các ngành nghề thủ công khác. Nhưng càng về sau, ưu thế biển giúp cho nghề đánh bắt hải sản ngày càng phát triển, người dân đến Phú Quý lập nghiệp ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên, kinh tế Phú Quý vẫn lặng lẽ với những ngọn “đèn dầu leo lét” về đêm bởi thiếu điện. Đời sống sinh hoạt người dân gần như khép kín và đầy khó khăn. Những chuyến tàu đánh bắt chỉ “sáng đi chiều về”, không dám đi xa vì lo ngại sản vật đánh bắt được không có điều kiện bảo quản… 
 
 
Đổi thay trên đảo Phú Quý - ảnh 1
Từ ngày có điện 24/24, cơ sở đã có phần khởi sắc. Sản lượng bây giờ tăng hơn 3 lần so với lúc chưa có điện. Riêng năm 2015 doanh thu đạt mức 35 tỉ đồng.
Đổi thay trên đảo Phú Quý - ảnh 2
 
Ông Nguyễn Văn Phú - Chủ DNTN chế biến hải sản Phú Nuôi
 
Đến năm 2014, Phú Quý được cung cấp điện 24/24. Giá điện ở đảo bằng giá điện trong đất liền đã trở thành điều kỳ diệu mà người dân nơi đây chưa từng dám nghĩ. Cuộc sống của người dân từ đó ngày càng thay đổi và phát triển mỗi ngày. Bây giờ, dọc theo những con đường nhỏ đi đến các xã Long Hải, Ngũ Phụng và Tam Thanh, điện lưới đã được kéo cùng khắp. Cứ mỗi đoạn chừng hơn 50 m lại có một ngọn đèn đường. Ánh sáng đến đâu, đời sống người dân đổi thay đến đó.
Kỳ vọng vào tương lai
Chúng tôi đến thăm DNTN chế biến hải sản Phú Nuôi, một cơ sở chuyên cấp đông, sơ chế và thành phẩm các loại mực tại Phú Quý. Ông Nguyễn Văn Phú, chủ doanh nghiệp cho biết trước đây chưa có điện, phải chạy máy nổ phát điện, chi phí rất cao nên không dám làm nhiều, nên lợi nhuận thấp, khiến đời sống công nhân bị ảnh hưởng nặng. “Từ ngày có điện 24/24, cơ sở đã có phần khởi sắc. Sản lượng bây giờ tăng hơn 3 lần so với lúc chưa có điện. Riêng năm 2015 doanh thu đạt mức 35 tỉ đồng”, ông Phú phấn khởi.
Ông Tạ Minh Nhựt, Chủ tịch UBND H.Phú Qúy cho biết trước đây đảo chưa có điện đầy đủ, các cơ sở chế biến thủy sản chuyển vào Phan Thiết hoạt động. Hiện nay điện đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất, tiêu dùng nên huyện đang kêu gọi khôi phục lại các ngành nghề như nước đá, chế biến hải sản. Sắp tới đây, huyện sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp để phát triển nhà hàng, khách sạn và tiểu thủ công nghiệp.
Việc đi lại ở Phú Quý bây giờ thuận lợi hơn trước rất nhiều. “Trước đây, muốn đến Phú Quý, du khách phải đi trên những con tàu nhỏ, mất khá nhiều thời gian. Từ khi tàu Hưng Phát ra đời, với độ an toàn cao và rút ngắn được thời gian chạy, du khách đổ về Phú Quý khá nhiều. Chỉ riêng lễ 30.4 vừa qua có đến 2.000 du khách ra đảo”, ông Nhựt cho biết. Theo thống kê của UBND H.Phú Quý, toàn đảo hiện có 122 phòng theo dạng nhà nghỉ, hiện đang có kế hoạch xây dựng thêm 55 phòng qui mô khách sạn để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch tốt hơn.
Phát triển đúng với tiềm năng của Phú Quý vẫn là một chặng “đường dài” phía trước, nhưng với sự góp mặt của dòng điện quốc gia 24/24, kinh tế Phú Quý được kỳ vọng sẽ “bừng sáng” trong tương lai không xa.

Tú Uyên - Chính Nghĩa

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây