Ghi âm, ghi hình để chống bức cung

Thứ hai - 19/10/2015 22:01 - Đã xem: 758
Hầu hết thành viên trong Ủy ban Tư pháp (Quốc hội) đề nghị giao 4 trại giam do Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát quản lý về Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp

Ngày 14-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp cho ý kiến về 3 dự thảo luật quan trọng gồm dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Tạm giữ, tạm giam và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

Bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo

Đối với dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết: Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành với quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can. Đây là quy định cần thiết vừa bảo đảm minh bạch trong quá trình hỏi cung vừa bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc hỏi cung bị can có thể được tiến hành ở nhiều nơi và trong những điều kiện rất khác nhau.

Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong phát biểu Ảnh: TTXVN
Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong phát biểu Ảnh: TTXVN

Dự thảo luật quy định việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra phải được ghi âm, ghi hình là phù hợp. Còn hỏi cung tại các địa điểm khác như tại nơi tiến hành điều tra, tại chỗ ở của bị can được ghi âm hoặc ghi hình theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.Trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể ghi âm, ghi hình thì phải nêu rõ lý do trong biên bản hỏi cung.

Theo ông Hiện, về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc nhận mình có tội vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Do đó, UBTVQH sẽ trình các phương án để xin ý kiến ĐBQH.

Giao một đầu mối quản lý 4 trại giam thuộc Bộ Công an

Kết quả khảo sát của Ủy ban Tư pháp tại một số nhà tạm giữ, trại tạm giam cho thấy trại tạm giam, nhà tạm giữ ở các tỉnh, huyện đang do cơ quan quản lý thi hành án và hỗ trợ tư pháp công an cấp tỉnh, cấp huyện quản lý, về cơ bản đã tách khỏi hệ thống cơ quan điều tra cùng cấp.

“Vì vậy, UBTVQH cho rằng giữ mô hình hiện nay, nhà tạm giữ thuộc quản lý của công an cấp huyện và trại tạm giam thuộc quản lý của công an cấp tỉnh là phù hợp” - ông Hiện nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Hiện cho rằng 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an hiện đang do Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Tổng cục Cảnh sát và Cơ quan An ninh điều tra thuộc Tổng cục An ninh quản lý là chưa phù hợp. Theo nhiều ĐBQH và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, cần phải tách hoạt động tạm giữ, tạm giam độc lập với hoạt động điều tra và cần giao cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự của Bộ Công an quản lý để bảo đảm hoạt động độc lập với cơ quan điều tra nhằm chống bức cung, dùng nhục hình.

“Cơ quan soạn thảo dự án luật - Bộ Công an - đề nghị vẫn giao 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an cho Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát trực tiếp quản lý để thuận lợi cho công tác điều tra. Đây là vấn đề đang xin ý kiến của Bộ Chính trị” - ông Hiện nói.

Ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, đề nghị giao nốt 4 trại tạm giam cho Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII) quản lý. Ông Phong phân tích mặc dù đều thuộc Bộ Công an nhưng thống nhất quản lý một đầu mối như thế để chống bức cung, nhục hình, khắc phục được những nhược điểm hiện nay.

Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho biết 4 trại tạm giam trên trước đây thuộc văn phòng Bộ Công an quản lý; bây giờ Bộ Công an có ý kiến không giao cho văn phòng nữa mà giao cho Tổng cục An ninh và Tổng cục Cảnh sát quản lý. “Việc bố trí như vậy không bảo đảm khách quan. Dù thuộc Bộ Công an nhưng Tổng cục VIII giúp Chính phủ, Bộ Công an thi hành và quản lý trại giam, không liên quan gì đến quá trình điều tra nên sẽ tránh được truy bức, nhục hình. Hầu hết ý kiến ĐBQH và các thành viên trong Ủy ban Tư pháp đề nghị giao toàn bộ 4 trại giam này về Tổng cục VIII, không để Tổng cục An ninh và Tổng cục Cảnh sát quản lý” - ông Quyền nói.

Nhất trí thành lập Cục CSĐT về phòng chống buôn lậu

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo luật đã bổ sung một điều quy định về quyền hạn điều tra của cơ quan kiểm ngư; đồng thời tăng thời hạn điều tra cho tất cả cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Ngoài ra, UBTVQH đề nghị hợp nhất Cục Cảnh sát Điều tra (CSĐT) tội phạm, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng với Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, với tên gọi là Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ; đồng ý thành lập Cục CSĐT về phòng chống buôn lậu.

 

Thế Dũng

Nguồn tin: Lao Động Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây