Đường Hồ Chí Minh mau hỏng do... mưa

Thứ ba - 20/10/2015 04:25 - Đã xem: 713
Chủ đầu tư không nhận trách nhiệm mà đổ do mưa, do người dân đập phá khiến nhiều đoạn trên đường Hồ Chí Minh mới thông xe 2 tháng đã bong tróc, lún, nứt; nhiều cọc tiêu gãy đổ

Sáng 19-10, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT) đã kiểm tra những điểm bị nứt lún trên đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Đắk Nông để đưa ra hướng xử lý.

Vậy là còn ít!

Cùng đi với đoàn kiểm tra, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận nhiều điểm trên con đường huyết mạch này bị nứt, lún.

Cụ thể, đoạn từ Km 1793+600 đến Km 1824 do Liên doanh Toàn Mỹ 14 - Băng Dương đầu tư theo hình thức BOT (thông xe được 2 tháng nay, chủ đầu tư đã thu phí) xuất hiện nhiều vị trí nứt, sụp lún mặt đường; hệ thống bảo đảm an toàn giao thông chưa hoàn thiện; cây cỏ, chất thải lấn ra đường tiềm ẩn tai nạn giao thông. Tại Km 1806+500 (xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút) xuất hiện một đoạn sụp lún khoảng 13 m2, mặt đường biến dạng. Còn tại Km 1809 + 400 (xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil) xuất hiện một vết nứt dài khoảng 10 m nhiều tháng nay...

Đại diện Bộ GT-VT, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan khảo sát 2 vị trí nứt, lúnẢnh: CAO NGUYÊN
Đại diện Bộ GT-VT, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan khảo sát 2 vị trí nứt, lúnẢnh: CAO NGUYÊN

Tại buổi làm việc, ông Hoàng Đình Kỳ, Giám đốc dự án Công ty Toàn Mỹ 14, giãi bày: “Chúng tôi có tổng cộng 30 km nhưng chỉ xảy ra 2 vị trí là rất ít. Đây là 2 vị trí hết sức đặc biệt”.

Trong khi đó, khoảng 10 ngày nay, đoạn đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh Gia Lai cũng xuất hiện một số điểm mặt đường bị bong tróc. Đã có khoảng 4 điểm bong tróc với đường kính lớn qua thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê. Ông Phạm Minh Việt, Giám đốc điều hành dự án BOT Đức Long Gia Lai (chủ đầu tư dự án có đoạn đường này), cho biết hiện tượng nêu trên xảy ra do quá trình gia cố lại các vị trí khoan lấy mẫu kiểm định chưa được tốt. “Dự án BOT Đức Long Gia Lai là chất lượng tốt nhất trên toàn tuyến đường Hồ Chí Minh (!?)” - ông Việt tự đắc.

Giám sát chặt việc sửa chữa

Ông Hoàng Đình Kỳ đổ lỗi cho hiện tượng nứt, lún các điểm trên đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Đắk Nông là do… mưa. “Vị trí Km 1806+500 là đoạn đường mới, phải đắp đất 14 m. Chúng tôi đã làm đúng quy trình. Nguyên nhân là do mưa nhiều, nước thấm vào mái dốc, lề và gây ra việc sắp xếp lại cấu tạo đất nên đã xảy ra hiện tượng lún khoảng 13 m2 mặt đường. Còn tại Km 1809 + 400, đây là vị trí có tầng địa chất cực kỳ yếu, khi nước mưa thấm xuống, đất nhão ra gây nứt khoảng 10 m2 mặt đường” - ông Kỳ lý giải.

Tại Km 1806+500, đắp đất cao 14 m nhưng lại không được xây mái ta-luy bằng bê-tông, gây nguy cơ bị sạt lở vào mùa mưa. Ông Nguyễn Sỹ Hoàng, Chủ nhiệm thiết kế Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình giao thông 2 (Bộ GTVT), cho rằng theo quy định thì vị trí này không phải xây mái ta-luy.

Trong khi đó, theo ông Phạm Quang Nghiêm - Trưởng Phòng Quản lý dự án II, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh - một trong những nguyên nhân xảy ra nứt, lún tại 2 vị trí trên là do đơn vị tư vấn thiết kế quá cứng nhắc. “Đoạn đường phải đổ đất cao 14 m, băng qua một vùng trũng mà không thiết kế thêm phần mái ta-luy bê-tông là không ổn” - ông Nghiêm khẳng định.

Trước sự cố trên, đại diện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh yêu cầu nhà đầu tư phải khắc phục theo hướng: Tại vị trí Km 1806+500, khi độ lún đã ổn định phải cắt bỏ toàn bộ phần lún, nứt và thực hiện việc lu lèn chặt. Tại Km 1890+400, phải cắt rộng ra ngoài phạm vi nứt 30 - 40 cm, đào sâu xuống, cho lu lèn chặt lại và gia cố, đổ thêm một lớp bê-tông cốt thép. “Quá trình nhà đầu tư và đơn vị thi công khắc phục sự cố, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh sẽ giám sát và đánh giá chất lượng đường sau khi tiến hành sửa chữa” - ông Nghiêm nhấn mạnh.

Ông Lê Minh Tuân, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đường bộ 3.4 (Cục Quản lý đường bộ III, Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho biết trong giai đoạn xảy ra hiện tượng hư hỏng đoạn đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Gia Lai thì nhà thầu phải khắc phục. Theo ông Phạm Minh Việt, trong ngày 20-10, chủ đầu tư sẽ cho khắc phục những chỗ bong tróc mặt đường.

 

Cọc tiêu đổ “do người dân phá”

Trên đoạn đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Đắk Nông, ngoài những điểm nứt, lún, còn có khoảng 100 cọc tiêu 2 bên đường bị gãy đổ. Ông Hoàng Đình Kỳ cho rằng cọc tiêu được “làm đúng với thiết kế, bảo đảm chất lượng”.

“Các cọc tiêu bị gãy đổ là do va chạm với các phương tiện giao thông và người dân đập phá” - ông Kỳ lý giải.

 

CAO NGUYÊN - HOÀNG THANH

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây