Quốc hội ra nghị quyết về hai dự án bôxit Tây Nguyên

Thứ ba - 01/07/2014 22:38 - Đã xem: 1022
Ngày 23/6, Ủy ban Thường vụ QH đã ban hành nghị quyết về nội dung giám sát của hai dự án bôxit Tân Rai và Nhân Cơ.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư tăng cường công tác quản trị, cải tiến kỹ thuật, sớm tiếp cận và làm chủ công nghệ, thiết bị của hai dự án; quản lý vận hành, tổ chức sản xuất tốt để giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế của hai dự án.

Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, có chính sách tiếp tục hỗ trợ việc thực hiện hai dự án; đẩy nhanh tiến độ sản xuất tinh quặng sắt từ phế thải bùn đỏ để vừa nâng cao hiệu quả kinh tế vừa góp phần giải quyết vấn đề môi trường của hai dự án.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn yêu cầu Chính phủ rà soát tổng thể quá trình triển khai hai dự án, đánh giá tác động toàn diện đến kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, văn hóa..., có giải pháp, biện pháp phù hợp làm cho dự án an toàn, hiệu quả.

Rà soát lại hiệu quả của 2 dự án bô xít

Rà soát lại hiệu quả của 2 dự án bô xít Tân Rai và Nhân Cơ

Hạn chế đến mức thấp nhất tác động ô nhiễm môi trường, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc của khu vực.

Trước đó, ngày 20/5, chia sẻ với Đất Việt, Th. S Phạm Quang Tú - Nguyên Phó Viện trưởng Viện tư vấn phát triển (CODE) cho rằng: "Cần có những đánh giá ở một diện rộng hơn, đối với 2 dự án này như: Thứ nhất, về khía cạnh sinh thái, Tây Nguyên là vùng địa sinh thái, với đa dạng sinh học cao và là vùng đầu nguồn của 4 con sông lớn.

Hiện nay, 2 dự án Tân Rai, Nhân Cơ đang xây dựng thí điểm nằm ở đầu nguồn của 2 con sông, Tân Rai là đầu nguồn sông Đồng Nai chảy về vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế động lực Thành phố Hồ Chí Minh, còn Nhân Cơ là đầu nguồn cả sông Đồng Nai và sông Srepok, trong đó sông Srepok đổ sang Campuchia trước khi hợp lưu với sông Mê Kông để chảy về lãnh thổ Việt Nam ở ĐBSCL. Vì thế, cần đánh giá rộng về mặt sinh thái như vậy.

Thứ hai, về khía cạnh XH, cần đánh giá cụ thể và thực chất hơn về việc 2 dự án Bô xít này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương và những người dân ở vùng khác như thế nào?

Thứ ba,đánh giá về vị trí địa chính trị, Được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, Tây Nguyên hiện nay có đường biên giới với vùng Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. Mối quan hệ quốc tế, xuyên biên giới ở vùng này là rất quan trọng".

Bên cạnh đó, ông Tú nhận định, hiện nay, chưa có một đánh giá nào hoàn chỉnh về hiệu quả KTXH của dự án này đối với Tây Nguyên.

Còn đứng trước những đánh giá kết quả ban đầu của hai dự án này, PGS.TS Hồ Uy Liêm - Nguyên quyền Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho hay để có được những đánh giá, kết quả tốt nhất về 2 dự này: "Cần thành lập các hội đồng khoa học độc lập, bao gồm các chuyên gia sâu về công nghệ, các nhà kinh tế, kể cả kinh tế giao thông vận tải, kinh tế môi trường...để đánh giá một cách nghiêm túc khách quan độc lập toàn bộ quá trình thực hiện.

Đánh giá những khó khăn và tồn tại trên cơ sở làm việc với các chuyên gia và các nhà quản lí dự án một cách công khai, minh bạch".

Bộ Công thương lạc quan với dự án bô xít

Tại buổi họp báo Thường kỳ Bộ Công thương ngày 7/4/2014, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, 2 dự án khai thác bô xít đều có thời gian khai thác là 30 năm, trong khi khối lượng quặng đủ để khai thác trong 50 năm.

Theo tính toán, dự án Tân Rai sẽ lỗ trong 5 năm đầu tiên và mất 12 năm hoàn vốn. Dự án Nhân Cơ sẽ lỗ trong 7 năm đầu tiên và thời gian hoàn vốn là 13 năm.

"Giá bô xít trên thị trường hiện tại đang cao hơn giá chúng ta ước tính và sắp tới sẽ còn cao hơn nữa, vì vậy thị trường chắc chắn sẽ tiêu thụ sản phẩm của chúng ta. Thêm vào đó, quặng bô xít không độc hại như chúng ta vẫn nghĩ", thứ trưởng Hải cho biết.

Thái Linh (Tổng hợp)

Nguồn tin: baodatviet.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây