Phó bí thư Quảng Ninh: "Nhất thể hóa làm bộ máy tinh gọn và mạnh lên"

Thứ năm - 26/10/2017 03:02 - Đã xem: 1185
Sau khi nhất thể hóa một số chức danh cấp huyện trở xuống, tỉnh Quảng Ninh đang xem xét hợp nhất các tổ chức liên quan cùng cấp. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung ương vừa thảo luận về chủ đề này. TBKTSG Online trao đổi với Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, bà Đỗ Thị Hoàng.

Bà Hoàng cho biết, kết luận 37 của Nghị quyết Trung ương Khóa 10 đã ghi rõ cần nghiên cứu các đề án thí điểm, bao gồm nhất thể hóa chức danh và tổ chức giữa cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với tổ chức chuyên môn cùng cấp. Như vậy, việc này đã được đề cập từ Khóa 10, và đến nay tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng xong đề án của cấp huyện sau khi thảo luận lấy ý kiến tập thể.

TBKTSG Online: Thưa bà, tỉnh Quảng Ninh đã ra đề án hợp nhất các cơ quan nào của Đảng và chính quyền cấp huyện?

Bà Đỗ Thị Hoàng: Trước mắt Quảng Ninh sẽ hợp nhất cơ quan ủy ban kiểm tra và cơ quan thanh tra, ban tổ chức với phòng nội vụ ở cấp huyện. Chúng tôi triển khai đối với cấp huyện trước là vì tỉnh chủ động được. Nếu làm từ cấp tỉnh thì trên còn là Trung ương. Trung ương mà thấy còn băn khoăn thì chúng tôi thấy khó làm cho nên phải chọn cơ quan ở cấp giữa.

Chúng tôi cho rằng, phạm vi ảnh hưởng không lớn, và nếu có rủi ro gì thì mình khoanh vùng và điều chỉnh rút kinh nghiệm được ngay. Bên cạnh đó, chúng tôi là cơ quan chỉ đạo cấp trên, có đề án đấy nên hoàn toàn tạo điều kiện, cơ chế để vận hành.

Quảng Ninh sẽ lựa chọn cấp huyện làm trước. Lúc đầu chúng tôi chỉ lựa chọn sáu huyện để hợp nhất ban tổ chức với phòng nội vụ và sáu huyện hợp nhất cơ quan thanh tra với ủy ban kiểm tra nhưng cuối cùng các huyện đòi làm cả 4 tổ chức. Riêng có hai huyện đã nhất thể hóa chức danh người đứng đầu là bí thư kiêm chủ tịch ủy ban thì sẽ tính hợp nhất văn phòng ba cơ quan là văn phòng cấp ủy, văn phòng hội đồng nhân dân và văn phòng ủy ban nhân dân.

Tính hiệu quả của đề án được đo đếm như thế nào, thưa bà?

- Tinh giản biên chế, tiết kiệm chi,… cái đó ai cũng nghĩ đầu tiên. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất là làm bộ máy tinh gọn và mạnh lên, không gây phiền hà, không kéo dài các quy trình ra, không sinh ra các tổ chức trung gian.

Chúng tôi có quy chế sao cho thống nhất được chương trình làm việc không dẫm chân lên nhau và vẫn thực hiện đầy đủ các chức năng của các tổ chức. Người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu chính quyền vẫn duy trì công tác lãnh đạo, chỉ đạo tập trung và thống nhất. Không có "quyền anh quyền tôi", "quân anh quân tôi". Chúng tôi có cơ chế giao ban rất rõ.

Xử lý về đảng và xử lý về chính quyền đều phải đồng nhất, cùng một ngôn ngữ. Cái đấy mới là cái chúng tôi hướng tới.

Trong quá trình thực hiện, tỉnh có gặp vướng mắc gì về mặt thể chế, pháp luật cũng như các nguyên tắc về mặt Đảng?

- Hiện tại Quảng Ninh không thấy vướng gì. Khi đóng vai nào thì thực hiện theo các hệ thống văn bản quy định ở vai đấy. Khi thực hiện được cả hai vai thì thực hiện cả hai quy trình của Đảng và chính quyền. Ví dụ, bên Đảng   quyền xử lý kỷ luật hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật thì anh làm cả việc đấy; bên chính quyền  có quyền thu hồi vật chất chứ bên Đảng không có vai trò đấy. Nếu anh làm cả 2 vai, anh được cả thu hồi và kiến nghị thu hồi, đề xuất xử lý và kiến nghị xử lý nhưng mà hồ sơ gói lại thanh tra, kiểm tra thì chỉ có 1 bộ thôi.  Hoàn toàn không vướng về điều lệ, luật.

Tỉnh có chịu sức ép, phản ứng từ dưới không?

- Thực ra ở Quảng Ninh anh em rất hồ hở. Người này là chủ nhiệm ủy ban kiểm tra vẫn ngồi đây, người kia phụ trách cơ quan thành tra vẫn ngồi đây. Chúng tôi chờ một trong hai ông nghỉ hưu hoặc chuyển công tác, thì gộp thành một, tức là không đẩy người ta ra được. Dứt khoát phải bố trí đàng hoàng, tử tế. Vì thế, việc giảm biên chế chậm dần dần nhưng tổ chức vận hành theo cơ chế mới hoàn toàn.

Khi mới thực hiện mô hình, chúng tôi vẫn phải giữ nguyên biên chế, và chỉ thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy. Sau đó, cứ ai nghỉ hay chuyển công tác khác thì chúng tôi không tuyển thêm nữa. Hợp nhất tổ chức làm theo cách đó chứ không đẩy người ra đường. Tôi lấy ví dụ, chúng tôi thử nghiệm gộp chung các cơ quan tham mưu giúp việc của mặt trận tổ quốc và các đoàn thể thì sau 2 năm đã giảm được 37 người, tương đương 12,58% biên chế.

Trong hội nghị trung ương mới đây, Trung ương đưa ra chỉ đạo nơi nào đủ điều kiện mới được làm và chỉ cấp huyện thôi, chưa mở rộng ra, phát triển ở cấp cao hơn. Bà nghĩ sao về câu chuyện này?

- Trong quá trình vận hành Quảng Ninh cũng rất vất vả bởi không phải ai cũng chia sẻ và ủng hộ. Vì thế, chúng tôi cần làm từng bước. Tôi cũng đồng tình với trung ương, cái gì mà thực tiễn đòi hỏi thì cho thí điểm, tổng kết rút kinh nghiệm. Cái gì quan trọng và có cho nhân rộng hay không thì phải rõ ràng, chứ không như có lĩnh vực sau 10 năm thí điểm mà không có câu trả lời. Ví dụ, thí điểm 10 tỉnh không có HĐND nhưng sau một thời gian thí điểm lại không tổng kết và không có câu trả lời. Đó là điều cần suy nghĩ.

Chủ quan mà nói Quảng Ninh thấy là nên bỏ bởi vì trong thời gian dài các mô hình cũ đã đóng góp rất tốt nhưng nếu mình đổi mới được, và làm tốt hơn thì nên đổi mới giống như cách đề cập về đổi mới tổ chức bộ máy và cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công. Từ bao nhiêu năm nay ta lo cho an sinh xã hội rất tốt nhưng nếu đổi mới tốt hơn mà lại gọn hơn thì không việc gì không làm cả, dân được hưởng dịch vụ tốt hơn, bộ máy gọn hơn, ngân sách phải chi ít hơn.

Nguồn tin: thesaigontimes.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây