Về với Đất Tổ Vua Hùng

Thứ tư - 25/04/2018 18:41 - Đã xem: 2605
Những ngày đầu tháng Ba (âm lịch), đông đảo đồng bào cả nước nô nức hành hương về Đền Hùng (Phú Thọ) thắp nén nhang thơm để tri ân, tưởng nhớ công ơn dựng nước của các Vua Hùng, tổ tiên cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Thiêng liêng cội nguồn

Có mặt tại Phú Thọ trong ngày đầu của Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm 2018, chúng tôi mới thấm thía ý nghĩa câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi-Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng Ba”. Dọc hai bên đường dẫn vào Đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Đền Mẫu Âu Cơ, Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng và Đền Giếng… thuộc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng cứ đi một đoạn, chúng tôi lại nhìn thấy một tấm bia đá khắc những dòng chữ nhắc nhở con cháu hướng về nguồn cội, tinh thần đoàn kết của dân tộc như “Uống nước nhớ nguồn”, “Con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn”, “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”…

Đội tế lễ thực hiện nghi thức tại Đền Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân

Những câu ca ấy, chắc hẳn mỗi người dân đất Việt đều đã từng được nghe, được học và hiểu về giá trị, ý nghĩa. Thế nhưng, khi đến Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, vừa đọc những dòng chữ này, mỗi người chúng tôi mới thấm thía thế nào là hướng về nguồn cội, về tinh thần dân tộc. Những bậc thang tuy nhiều, cao, nhưng không ngăn nổi bước chân của những người con đang hướng về Đất Tổ. Không hiểu có phải ngẫu nhiên hay linh thiêng mà khi lên hàng ngàn bậc, chúng tôi không ai cảm thấy mệt mỏi mà đều vui vẻ và thành kính.

Theo các đồng nghiệp của Báo Phú Thọ chia sẻ, thời tiết trong những ngày đầu chớm hè, mở đầu của Lễ hội Đền Hùng năm 2018 dường như chiều lòng người, trời không quá nóng, gió hiu hiu mát dịu chứ không oi nóng như những ngày trước. Vừa đi vừa tận mắt chứng kiến dòng người đổ về Đền Hùng, tôi cảm nhận, trên gương mặt mỗi người, ai cũng háo hức, phấn khởi. Người đông là vậy, nhưng không có tình trạng chen lấn xô đẩy, mà đều chờ đợi để đi từng bậc một.

Nhân dân từ khắp mọi miền về thăm Khu Di tích lịch sử Đền Hùng

Lên Đền Mẫu Âu Cơ trên núi Vặn, chúng tôi nhìn thấy một tốp khoảng 5-7 cụ khoảng trên 70 tuổi vừa đi vừa đọc “Dù ai đi ngược về xuôi-Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng Ba”, hay “Hằng năm ăn đâu làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ”. Cụ thì vừa đi vừa hát những ca khúc mang đậm dấu ấn dân tộc. Leo được vài chục bậc thang, các cụ lại cổ vũ, động viên nhau cố lên trong niềm hân hoan, phấn khởi.

Khi leo lên Đền Hạ rồi Đền Thượng, chúng tôi thấy nhiều người còn quang gánh xôi gà, vật phẩm để dâng lên Vua Hùng. Con đường lên các Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng và Đền Giếng với hàng ngàn bậc thang, độ dốc cao, đi một mình cũng đã mệt, nhưng khi chứng kiến một bác gánh cơm lên để bán cho khách thập phương, mồ hôi nhễ nhại, vừa đi vừa thở, một nhóm bạn trẻ đã giúp đỡ bác bằng cách chia các hộp cơm ra các túi nhỏ rồi xách giùm.

Có thể nói, trong chuyến hành hương về với Đất Tổ Vua Hùng, mỗi người một tâm trạng, một suy nghĩ, nhưng có lẽ, ai nấy đều cảm nhận về sự thiêng liêng của cội nguồn, cầu mong Mẫu Âu Cơ, các Vua Hùng phù hộ cho đất nước luôn hòa bình, dân tộc muôn đời ấm no, hạnh phúc, trường tồn.

Tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân

Lễ hội Đền Hùng còn gọi là Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức hằng năm là một lễ hội lớn, nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao dựng nước của các Vua Hùng-những vị vua đầu tiên trong lịch sử của dân tộc và mang tính truyền thống, có ý nghĩa giáo dục đối với toàn thể nhân dân Việt Nam. Ðó là sự khẳng định lòng yêu nước, hướng về tổ tiên, hướng về cội nguồn, là động lực tinh thần, góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân cùng vượt qua khó khăn, thách thức để cùng nhau hướng tới tương lai, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh và phồn vinh như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Đội cờ rực rỡ sắc màu, thể hiện sự uy nghi, hồn thiêng của dân tộc tham gia Lễ hội dân gian đường phố chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng

Năm 2012, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ” chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể có tính tiêu biểu của nhân loại. Do đó, để bảo tồn Di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, thời gian qua, với sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, địa phương đã tích cực, đầu tư, tu bổ, tôn tạo Khu Di tích lịch sử Ðền Hùng và tổ chức Lễ hội Ðền Hùng hàng năm linh thiêng, trang trọng, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách trong nước và quốc tế.

Riêng Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2018 do UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức, có sự tham gia góp giỗ của 4 tỉnh là Bình Dương, Kiên Giang, Thái Nguyên và Quảng Nam, diễn ra trong 5 ngày (từ 21/4-25/4, tức ngày mùng 6 đến ngày 10/3 âm lịch). Cùng với phần lễ, Lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc, phong phú, mang đậm nét văn hóa vùng đất cội nguồn dân tộc.

Cụ thể như các hoạt động: Rước kiệu dâng lễ vật từ các xã, phường, thị trấn về Đền Hùng; trưng bày tư liệu, hiện vật về “Lễ hội và Tín ngưỡng vùng  Đất Tổ”, các hiện vật khảo cổ về thời đại Hùng Vương và sự hình thành của Nhà nước Văn Lang, Di sản Hát Xoan Phú Thọ; đánh trống đồng, đâm đuống, múa lân; Lễ hội văn hóa dân gian đường phố tại thành phố Việt Trì; Hội thi gói và nấu bánh chưng, giã bánh giày; trình diễn “Hát Xoan làng cổ” gắn với điểm du lịch di sản văn hóa; Hội thi bơi chải mở rộng…

Bài, ảnh: Hoàng Bảo

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây